Ấn Độ: Hàng nghìn goá phụ bị bỏ rơi

Thứ Hai, 05/11/2012, 22:35

Gần 15.000 góa phụ đã định cư tại thị trấn Vrindavan, sống nhờ vào các tổ chức từ thiện của Ấn Độ, nhằm tránh sự lạm dụng của gia đình nhà chồng, còn một số người thì bị đuổi ra khỏi nhà chồng khi chồng họ qua đời. Đó là một sự thật đau lòng đang tồn tại trong xã hội Ấn Độ hiện nay.

Lalita Goswami cưới chồng được vài năm thì chồng mất vì nghiện ma túy và sốc thuốc. Một mình bà nuôi ba con nhỏ.  Đó là một thử thách rất lớn đối với một góa phụ. Từ khi chồng chết, người anh chồng tìm cách đẩy em dâu ra khỏi nhà, không còn chỗ ở bà buộc phải về nhà bố mẹ đẻ nương náu. Được một thời gian, Goswami cùng hai đứa con bé nhất tới Vrindavan, một thị trấn linh thiêng ở Trung Ấn,  nổi tiếng là "thành phố của những bà góa" để định cư.

Không chỉ riêng Lalita Goswami, nhiều bà góa đã chọn nơi đây để trốn tránh sự lạm dụng của gia đình chồng hoặc bị đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Bà Goswami (nay đã 70 tuổi) đã được một tổ chức từ thiện giúp đỡ. Bà sống trong một ký túc xá có 30 giường, hàng ngày được cung cấp một bữa ăn và trợ cấp 6 USD/tháng với điều kiện chăm sóc sức khỏe thiếu thốn.

Xưa kia, các góa phụ Ấn Độ có thể bị ném vào giàn thiêu trong tang lễ của chồng. Ngày nay, tuy nhiều quan niệm đã thay đổi song các góa phụ vẫn bị xem là những người bất hạnh, sự hiện diện của họ trong các đám cưới hoặc các lễ hội bị xem như là "điềm gở".

"Góa phụ bị đối xử như là những tiện dân" - ông Bindeshwar Pathak, Giám đốc Tổ chức dân sự Sulabh International nói - "Truyền thống Ấn Độ đầy những di sản và kiến thức nhưng một vài truyền thống thì không có tính nhân đạo".

Những người như bà Goswami đến Vrindavan như để tìm chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần khi cuộc sống của họ lâm vào cảnh khốn cùng, chính sách dành cho những người như bà an ủi phần nào hoàn cảnh khốn khó ấy nhưng phần đông trong số họ lại mù chữ, ít hiểu biết về luật pháp và chính sách, họ bị những người quản lý ở đây ăn chặn cả những phần trợ cấp từ thiện mà không biết thắc mắc với ai. Bà Goswami cho rằng, những người như bà đang bị xã hội và chính phủ bỏ rơi

Lương Lan (theo LA times)
.
.