Ấn Độ: Lao đao vì nạn đánh bom khủng bố

Thứ Sáu, 08/08/2008, 14:30
Trong khi chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh còn chưa kịp “hồi tỉnh” sau cơn sóng gió trên chính trường, hai thành phố lớn tại quốc gia này lại rung chuyển bởi những vụ nổ bom khủng bố làm hàng loạt dân thường bị chết và bị thương.

Những kẻ gieo rắc tội ác hy vọng vào đúng thời điểm nhạy cảm này đã hy vọng sẽ làm bùng lên ngọn lửa thù địch giữa hai cộng đồng người Hindus và Hồi giáo tại quốc gia này, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế cũng như phá hỏng uy tín của Chính phủ Ấn Độ trước các nhà đầu tư nước ngoài.

Đã có ít nhất 16 quả bom các loại đã được bọn khủng bố cho kích nổ vào hôm 26/7 vừa qua tại Ahmedabad, thành phố lớn nhất tại bang Gujarat của Ấn Độ. Hậu quả ước tính sơ bộ đã có 49 người chết và hơn 200 người bị thương.

Trong khi chỉ một ngày trước đó, 8 quả bom khác đã phát nổ tại Bangalore, một trung tâm về công nghệ thông tin, nổi tiếng trên toàn thế giới với tên gọi “Thung lũng Silicon của Ấn Độ”, làm 1 người chết và 12 người bị thương. Bangalore hiện đang là nơi đầu tư của hàng loạt các tập đoàn liên quốc gia về công nghệ cao, với các chi nhánh của 1.500 công ty khác nhau như Microsoft, Intel, Infosys, Wipro v.v... Mục đích của những tên khủng bố tại đây là hết sức rõ ràng, khi chúng muốn làm chùn bước các nhà đầu tư phương Tây có ý định làm ăn tại Ấn Độ.

Tại Ahmedabad, dân chúng đã hết sức kinh hoàng bởi một loạt các vụ nổ diễn ra trong suốt một tiếng rưỡi. Tuy công suất của những quả bom không phải là lớn (chỉ bằng từ 1 đến 2 trái lựu đạn) nhưng theo các đại diện cảnh sát, thiệt hại về nhân mạng là khá lớn do hầu hết được đặt tại những địa điểm đông người nhất như rạp chiếu phim, ga đường sắt, chợ và bệnh viện. Những tên khủng bố đã giấu hàng loạt bom phía dưới ghế ngồi xe buýt, trong những chiếc hộp nhỏ mà các nhân viên nhà nước thường dùng để mang bữa sáng và cả trên những chiếc xe đạp và xe máy.

Còn một quả bom khác đã được đặt tại một trung tâm thương mại lớn, tuy nhiên các nhà chức trách đã may mắn phát hiện và vô hiệu hóa kịp thời. Chỉ một ngày sau, cảnh sát còn phát hiện ra 2 chiếc xe hơi bị bỏ lại tại thành phố công nghiệp Surat (cũng tại bang Gujarat), một chiếc chở đầy hóa chất làm bom và kíp nổ, còn chiếc kia đã được gắn sẵn những quả bom sẵn sàng phát nổ. Cảnh sát cho biết, họ vẫn đang điều tra để truy tìm chủ nhân những chiếc xe này.

Đặc điểm của những vụ đánh bom vừa qua tại Ahmedabad cho thấy, mục đích chính của những kẻ này là phải sát hại hay làm bị thương càng nhiều người càng tốt. Ahmedabad, được coi là trung tâm thương mại của bang Gujarat (có số dân khoảng 3,5 triệu người) đã không còn quá xa lạ với tình trạng bạo lực. Chẳng hạn như hồi năm 2002, một vụ đánh bom tàu hỏa tại thành phố này làm chết vài chục người Hindus đã dẫn tới một làn sóng bạo lực và xô xát khiến khoảng 1.000 tín đồ Hồi giáo bị thiệt mạng chỉ trong có vài ngày. Đây được coi là một trong những vụ bùng phát bạo lực tôn giáo tồi tệ trong lịch sử Ấn Độ.

Nhiều người Ấn Độ cũng cho rằng, thủ phạm của những vụ khủng bố trên chính là những phần tử Hồi giáo cực đoan, những kẻ muốn thổi bùng lên ngọn lửa hằn thù giữa hai cộng đồng tôn giáo lớn nhất tại Ấn Độ – cộng đồng người Hindus và Hồi giáo – với mục đích cuối cùng gây bất ổn tình hình tại quốc gia Nam Á này.

Các quan chức đại diện tại New Delhi thì khẳng định, những vụ khủng bố trên là do các nhóm vũ trang tại PakistanBangladesh khởi xướng. Một số kênh truyền hình tại Ấn Độ đã nhận được lời cảnh báo về các vụ nổ qua đường thư điện tử, trong đó cho biết đây là kế hoạch khủng bố của nhóm “Indian Mujahedeen”, tổ chức từng đứng ra nhận trách nhiệm về những vụ nổ hồi tháng 5 vừa qua tại trung tâm du lịch nổi tiếng Jaipur khiến hơn 60 người thiệt mạng, khoảng 200 người bị thương.

Quả nhiên chỉ một vài giờ sau, Cơ quan điều tra trung ương đã nhận được một bức thư điện tử xác nhận trách nhiệm của “Indian Mujahedeen”. Thông điệp còn có chữ ký của Mohammed Shamim, một trong những kẻ cầm đầu của tổ chức này. Nội dung thông điệp còn khẳng định, đây là hành động nhằm trả thù cho những vụ sát hại người Hồi giáo hồi năm 2002 tại Gujarat.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra một “quy luật” của những phần tử khủng bố: ngay khi vừa xuất hiện những dấu hiệu bình thường hóa hay cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, những kẻ cực đoan sẽ làm tất cả để phá vỡ tiến trình này. Chẳng hạn như vụ khủng bố trước đó tại Đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul được đánh giá như một “câu trả lời” của Al-Qaeda và các tổ chức có quan hệ thân cận với chúng đối với các cuộc đàm phán cấp cao Ấn Độ-Pakistan vừa diễn ra trước đó.

Ngay sau khi nổ ra những vụ khủng bố, Thủ tướng Manmohan Singh đã có phát biểu khẳng định đây là âm mưu nhằm làm bùng phát một cuộc xung đột tôn giáo của các phần tử cực đoan. Tổng thống Pratibha Patil đã có phát biểu chia buồn với người thân của các nạn nhân, đồng thời kêu gọi toàn dân “giữ bình tĩnh tối đa”.

Hiện chính quyền đã triển khai hơn 3.000 nhân viên an ninh tại New Delhi và những thành phố lớn của Ấn Độ, tất cả được đặt trong tình trạng luôn sẵn sàng trực chiến. Còn theo Hãng tin AP, Cảnh sát Ấn Độ đã tạm thời bắt giữ 30 đối tượng tình nghi để thẩm vấn. Cho dù tới thời điểm hiện tại, chính quyền vẫn chưa đưa ra một thông tin chi tiết nào nữa về những kẻ có liên quan hay những động cơ thực sự của vụ khủng bố.

Có thể nói, Ấn Độ vài năm trở lại đây đã trở thành một “bãi chiến trường” thực sự của những kẻ khủng bố. Theo một báo cáo vào năm ngoái của Trung tâm Chống khủng bố quốc gia tại Washington, chỉ tính từ tháng 1/2004 đến 3/2007, tổng số nạn nhân bị thiệt mạng vì những vụ tấn công khủng bố tại Ấn Độ đã lên tới 3.674 người, tức là chỉ đứng thứ hai sau Iraq.

Người dân Ấn Độ giờ đây có thể cảm nhận được những yếu tố cảnh báo sự nguy hiểm ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn như các máy dò kim loại được đặt tại tất cả lối vào những rạp chiếu phim, những ga tàu dành cho người đi vé tháng hay thậm chí tại cửa những ngôi đền hay nhà thờ Hồi giáo v.v...

Kim Lai (Tổng hợp)
.
.