Ấn Độ-Pakistan trước nguy cơ xung đột cao

Thứ Năm, 08/08/2019, 13:41
Ấn Độ và Pakistan đang đứng trước nguy cơ xung đột cao chưa từng có khi New Delhi quyết định hủy bỏ cơ chế tự trị của vùng Kashmir, khu vực đã xảy ra nhiều cuộc chiến trong quá khứ giữa hai quốc gia Nam Á này.

Ngày 5-8, chính quyền Ấn Độ thông báo bỏ quy chế tự trị đối với vùng Kashmir theo sắc lệnh tổng thống được ban hành và có hiệu lực ngay tức thì. Sắc lệnh thay thế Điều 370 trong Hiến pháp Ấn Độ có liên quan đến toàn bang Jammu và Kashmir. Điều 370 quy định việc trao quyền tự trị quan trọng cho bang có đông người Hồi giáo này. Việc huy bỏ quy chế này là điều chưa từng xảy ra trong hơn 70 năm qua.

Xung đột ở vùng Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan là “lỗi” của lịch sử. Cả hai đều tuyên bố chủ quyền đối với vùng tự trị Kashmir nhưng mỗi bên chỉ kiểm soát được từng phần. Đây là nơi từng diễn ra hai cuộc chiến và một cuộc xung đột hạn chế giữa hai quốc gia Nam Á này.

Trong việc phân chia Ấn Độ hồi năm 1947, Jammu và Kashmir, cũng giống như các nơi khác có đông người Hồi giáo sinh sống, được trông đợi là sẽ thuộc về Pakistan. Nhưng người trị vì tại tiểu vương quốc này, ban đầu muốn độc lập, đã theo Ấn Độ để đổi lấy việc được giúp đỡ chống lại cuộc xâm chiếm của các bộ tộc từ Pakistan. Vào 1949, một điều khoản đặc biệt đã được bổ sung vào Hiến pháp Ấn Độ, theo đó trao cho Jammu và Kashmir quyền tự trị.

Điều 370 cho phép bang này có hiến pháp riêng, lá cờ riêng và độc lập trên mọi vấn đề trừ quan hệ ngoại giao, quốc phòng và thông tin liên lạc. Một điều khoản khác sau đó được bổ sung thêm vào Điều 370, là Điều 35A, quy định các đặc quyền dành cho cư dân thường trú tại bang này, trong đó gồm cả công ăn việc làm trong cơ quan chính phủ và đặc quyền sở hữu bất động sản tại bang.

Việc hủy bỏ Điều 370 đồng nghĩa với tất cả quy định đối với người dân ở Kashmir cũng sẽ biến mất ngoại trừ một điều khoản nói bang này là một phần không thể tách rời của Ấn Độ. Sắc lệnh còn đề xuất phân chia bang này thành 2 vùng. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, chính quyền New Delhi đã hạn chế việc tự do lưu thông và đóng cửa các trường học ở Srinagar, thủ phủ của bang Jammu và Kashmir ở Ấn Độ.

Quân đội Ấn Độ tuần tiễu tại Srinagar trong vùng Kashmir thuộc Ấn Độ.

Theo bản tin của hãng thông tấn AFP, mọi liên lạc viễn thông trong khu vực đều bị cắt đứt để tin tức không lọt ra ngoài. Mọi hệ thống điện thoại di động, internet, đường dây điện thoại nhà riêng đều không hoạt động. Hàng chục nghìn du khách cũng được chính quyền Ấn Độ yêu cầu ra khỏi khu vực này.

Giới chức cao cấp trong chính quyền địa phương cũng như giới chức an ninh đã được cung cấp điện thoại vệ tinh để dễ dàng liên lạc và nhận chỉ thị, theo các nguồn tin thông thạo. Trước khi internet bị cúp, trên Twitter, hai cựu thủ hiến của bang này, ông Omar Abdullah và bà Mehbooba Mufti, bị quản chế tại gia trong khi một số khác lo ngại về nguy cơ bị bắt giữ.

Quyết định hủy bỏ cơ chế tự trị của vùng Kashmir diễn ra trong bối cảnh đã có nhiều cuộc nổi dậy dai dẳng ở phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến chính quyền New Delhi chưa khi nào yên tâm. Ít tháng trước đây, một đoàn xe chở lính biên phòng Ấn Độ bị tấn công bằng bom khiến nhiều người thiệt mạng. Phía Ấn Độ cáo buộc đây là hành động của các nhóm khủng bố do Pakistan hỗ trợ gây ra, sau khi xâm nhập từ phía lãnh thổ Pakistan.

Trong các cuộc giao tranh trên bộ cũng như trên không diễn ra sau đó, có ít nhất 1 chiến đấu cơ Ấn Độ bị phía Pakistan bắn rơi và cũng có tổn thất lớn về nhân mạng cho cả đôi bên. Tình trạng căng thẳng hiện nay đã kéo dài từ 10 ngày trước, sau khi chính quyền New Delhi đưa ít nhất 10.000 quân tới nơi đây. Có thông tin cho rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ sớm đưa thêm 70.000 quân nữa, đưa quân số Ấn Độ ở khu vực này lên mức cao chưa từng thấy với lý do Pakistan chuẩn bị một đợt tấn công khủng bố có quy mô.

Trước đó, quân đội Ấn Độ cho hay một nhóm “hành động biên giới” (BAT), lực lượng gồm binh lính và dân quân vũ trang của Pakistan thực hiện các nhiệm vụ ở Đường kiểm soát (LOC) tại vùng tranh chấp Kashmir, đã vượt qua biên giới và xâm nhập trái phép vào một tiền đồn quân sự của Ấn Độ ở vùng Keran vào đêm 31-7.

Hồi cuối tháng 7, khi tiếp Thủ tướng Pakistan, Tổng thống Mỹ khẳng định đã được Thủ tướng Ấn Độ yêu cầu làm trung gian giải quyết tranh chấp biên giới với Pakistan. Tại Ấn Độ, khả năng hòa giải mà Tổng thống Mỹ nêu ra về tranh chấp căng thẳng ở vùng Kashmir đã gây ra một vụ scandal. Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar đã phải trấn an các nghị sĩ.

Ông nói: “Tôi muốn trấn an Hạ viện rằng Thủ tướng không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào với Tổng thống Mỹ. Ấn Độ luôn giữ lập trường chỉ giải quyết tranh chấp với Pakistan trên cơ sở song phương. Mọi cuộc đàm phán theo hướng này chỉ có thể bắt đầu sau khi chấm dứt trình trạng khủng bố ở biên giới”.

Từ lâu, Pakistan muốn cộng đồng quốc tế đứng ra làm trung gian để giải quyết cuộc xung đột, được coi là một trong những tranh chấp biên giới lâu năm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ kịch liệt phản đối đề xuất này. Đối với chính quyền New Delhi, việc này thuộc chủ quyền quốc gia.

Ngày 5-8, Pakistan đã lên án Ấn Độ trong việc quyết định hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với phần Kashmir do Ấn Độ quản lý và gọi quyết định đó là bất hợp pháp. Pakistan nói sẽ “thực hiện mọi khả năng có thể” để đáp trả. “Ấn Độ đang chơi trò chơi nguy hiểm, điều sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định trong khu vực”, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi nói.

Các cựu lãnh đạo chính trị ở Kashmir cảnh báo, việc hủy bỏ vị thế đặc biệt với Kashmir sẽ gây bất ổn rộng khắp. Cựu thủ hiến bang này, bà Mehbooba Mufti nói rằng việc xóa bỏ Điều 370 về mặt hiệu lực khiến cho Ấn Độ trở thành lực lượng chiếm đóng.

“Ngày hôm nay đánh dấu ngày đen tối nhất trong nền dân chủ Ấn Độ”, bà viết trong một tin ở Twitter và nói thêm rằng “quyết định đơn phương” của chính phủ là “bất hợp pháp và vi hiến”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.