Ấn Độ và chính sách Hành động hướng Đông

Thứ Năm, 21/11/2019, 10:35
Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á có lịch sử lâu đời. Trong lịch sử văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ đã có ảnh hưởng rộng khắp ở khu vực này trong vài thế kỷ. Chính sách hướng Đông là thử nghiệm bước đầu để Ấn Độ tiến sang Đông Nam Á, còn chính sách “Hành động hướng Đông” lại là một biện pháp mới của Thủ tướng Narendra Modi để tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Ở cấp độ khu vực, Ấn Độ đã nâng cấp toàn diện quan hệ với ASEAN. Đó là việc tăng cường lòng tin chính trị, cộng với sự phụ thuộc chiến lược ngày càng sâu sắc hơn. Dự kiến trong 5 năm tới, Ấn Độ sẽ xây dựng kênh tài chính đặc biệt và mạng lưới thông tin nhanh chóng, mời các nước ASEAN tham gia vào quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế của Ấn Độ.

Tháng 6-2019, ASEAN đưa ra “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, thúc đẩy sự hợp tác giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ấn Độ hưởng ứng tích cực chủ trương này, công khai thừa nhận địa vị trung tâm của Đông Nam Á ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hoan nghênh ASEAN đưa ra quan niệm chiến lược của mình ở khu vực này.

Quan hệ thương mại và đầu tư cũng được tăng cường. Tháng 1-2015, Hiệp định Thương mại tự do dịch vụ và đầu tư Ấn Độ - ASEAN chính thức có hiệu lực, thúc đẩy hiệu quả sự dịch chuyển tự do của nguồn nhân lực và dòng vốn, bù đắp cho những thiếu sót của hiệp định thương mại hàng hóa giữa hai bên.

Năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh kết nối Ấn Độ - ASEAN được tổ chức thành công, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ ba sau Trung Quốc và Nhật Bản đối thoại với Ủy ban Kết nối ASEAN. Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN năm 2015 là 60,2 tỷ USD. Năm 2016 giảm xuống còn 58,6 tỷ USD. Năm 2017 tăng lên 73,6 tỷ USD, trong đó Singapore, Việt Nam và Malaysia là đối tác thương mại chủ yếu của Ấn Độ trong ASEAN.

Ấn Độ và ASEAN lập kế hoạch kim ngạch thương mại song phương năm 2022 sẽ đạt 200 tỷ USD. Trong lĩnh vực đầu tư, năm 2015 Ấn Độ đầu tư vào ASEAN 1,4 tỷ USD, năm 2017 tăng lên 1,7 tỷ USD.

Trong thời gian dài, Ấn Độ đã tích cực thúc đẩy kết nối với các nước như Myanmar, Thái Lan, đề xuất nhiều sáng kiến như xây dựng tuyến đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan; dự án vận chuyển Kaladan; Hành lang kinh tế Ấn Độ - Tiểu vùng sông Mekong...

Indonesia đồng ý cho Ấn Độ xây dựng cảng nước sâu Saban.

Tháng 7-2017, chính quyền ông Modi cung cấp 256 triệu USD để nâng cấp tuyến quốc lộ biên giới và đề xuất kéo dài tuyến đường bộ cao tốc đang xây dựng, kết nối với Campuchia, Lào, Việt Nam và thông qua tuyến đường thủy để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong đến Ấn Độ. Ấn Độ cũng là nước đứng ra thúc đẩy Sáng kiến hợp tác kinh tế kỹ thuật đa khu vực xung quanh vịnh Bengal (BIMSTEC), hợp tác có xu hướng thiết thực hơn.

Dự án này đã trở thành nền tảng quan trọng cho hợp tác tiểu vùng giữa Ấn Độ với các nước bán đảo Trung Nam. Sau năm 2020, dự kiến 116 dự án kết nối sẽ được xúc tiến, trị giá từ 45 đến 50 tỷ USD. Theo thống kê, kim ngạch thương mại 7 nước thành viên BIMSTEC lên tới 83,9 tỷ USD.

Ngoài kinh tế, hợp tác an ninh cũng là điểm nhấn mạnh trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Từ năm 2014 đến nay, Ấn Độ và Indonesia đã tăng cường hợp tác trên biển và an ninh. Hải quân, Cảnh sát biển Ấn Độ và Hải quân Indonesia đã thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau, hai nước tiếp tục thúc đẩy đối thoại quốc phòng, huấn luyện chiến đấu và xây dựng năng lực quân sự.

Tháng 12-2017, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm Ấn Độ và đề xuất xây dựng phương châm hợp tác an ninh trên biển, kiến nghị triển khai tuần tra chung trên biển, giao lưu định kỳ, tập trận chung, chia sẻ thông tin tình báo và cùng sản xuất vũ khí.

Cũng trong thời gian đó, Thư ký Bộ Quốc phòng Ấn Độ Mohan Kumar đến thăm Indonesia, đề nghị giúp đào tạo về công nghệ tàu ngầm cho Indonesia và đề nghị mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng trên biển giữa hai nước. Tháng 5-2018, hai quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác, đồng ý mở rộng sản xuất chung, triển khai chuyển giao và hỗ trợ công nghệ, ưu tiên hợp tác mua vũ khí, tăng cường đối thoại quân sự... đồng thời Indonesia đồng ý cho Ấn Độ xây dựng cảng nước sâu Sabang tại nước này.

Tháng 11-2018, hải quân hai nước tổ chức tập trận chung lần đầu tiên. Ấn Độ đã điều tàu khu trục mang tên lửa Insrana tham gia cuộc tập trận. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Indonesia, kim ngạch thương mại song phương năm 2017 giữa hai nước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2016. Năm 2017, Ấn Độ đầu tư 286 triệu USD vào Indonesia, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 16 của Indonesia, mục tiêu của hai nước là thương mại và đầu tư song phương đạt 50 tỷ USD vào năm 2025.

Singapore, Việt Nam cũng là những trọng tâm hợp tác an ninh quốc phòng, bên cạnh phát triển kinh tế. Tháng 6-2016, Ấn Độ và Singapore tổ chức đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng lần đầu tiên. Tháng 5-2017, hai nước tập trận chung ở Biển Đông. Ấn Độ đồng ý cung cấp cho Singapore căn cứ không quân ở Tây Bengal làm cơ sở huấn luyện máy bay chiến đấu, cung cấp căn cứ Babina và Deolali để huấn luyện lực lượng cơ giới lục quân và pháo binh của Singapore.

Tháng 11-2017, hai nước tổ chức đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng lần 2, theo đó Ấn Độ cung cấp cơ sở tập trận hải quân và hậu cần cho Singapore. Singapore trở thành quốc gia duy nhất mà 3 lực lượng hải quân, lục quân, không quân ký thỏa thuận song phương và cùng huấn luyện quân đội với Ấn Độ.

Xem xét từ quan hệ song phương, từ khi đưa ra chính sách hướng Đông năm 1991 đến nay, quan hệ Ấn Độ - Đông Nam Á đã gặt hái được thành quả mang tính giai đoạn, tạo ra nền tảng vững chắc cho hai bên đi sâu hợp tác kể từ năm 2014 đén nay. Thứ nhất, ở cấp độ chính trị, lòng tin chiến lược giữa Ấn Độ và ASEAN không ngừng được tăng cường.

Thứ hai, hợp tác kinh tế tiểu vùng và khu vực được tăng cường toàn diện, nền tảng kinh tế để tăng cường hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập vững chắc. Và cuối cùng, từ khi Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” với những ảnh hưởng kinh tế, chính trị không ngừng được thúc đẩy, cơ hội của Ấn Độ đối với Đông Nam Á trở nên tích cực hơn rất nhiều, là cơ sở cho sự hợp tác giữa hai bên.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.