Anchorage “2 + 2”: Tín hiệu dò đường cho tương lai?

Thứ Hai, 22/03/2021, 18:05
Cuộc gặp cấp cao tại Anchorage lần này giữa hai phái đoàn cấp cao của Mỹ và Trung Quốc được cho là bước đi đầu tiên để giảm bớt sự thù địch và căng thẳng giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc có cách định nghĩa khác nhau về cuộc gặp này. 


Nếu như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đây là đối thoại chiến lược cấp cao thì khi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông Blinken lại nhấn mạnh rằng đây không phải là một cuộc đối thoại chiến lược và sẽ không giống như các cuộc đối thoại chiến lược thông thường giữa hai bên. Qua đó có thể hiểu rằng cuộc gặp này không phải là một sự kiện cố định. Nếu không hài lòng, người Mỹ sẽ không tiếp tục.

Dấu hiệu tốt

Việc Mỹ khởi xướng cuộc gặp ở Anchorage cho thấy thiện chí của chính quyền ông Joe Biden trong việc tái khởi động hợp tác Trung - Mỹ. Trên thực tế, giữa hai bên vẫn còn khá nhiều bất đồng tồn tại nhưng bản thân việc các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Mỹ có thể ngồi lại với nhau đã là một tín hiệu tích cực cho thấy cả hai nước có thể và nên làm việc lại với nhau.

An ninh được tăng cường bên ngoài Khách sạn Thuyền trưởng Cook, nơi diễn ra cuộc gặp mặt của phái đoàn “2+2” Mỹ - Trung.

Địa điểm của cuộc gặp mặt lần này cũng là một điểm chú ý đối với các nhà quan sát. Cuộc gặp được diễn ra tại thành phố Anchorage thuộc tiểu bang Alaska, Mỹ. Alaska nằm ở cực Tây Bắc của lục địa Bắc Mỹ và là tiểu bang lớn nhất của Mỹ nhưng không tiếp giáp với 48 tiểu bang còn lại của Mỹ và Anchorage là thành phố lớn nhất ở bang này.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc lựa chọn thành phố Anchorage làm địa điểm tổ chức cuộc họp chủ yếu là do các cân nhắc về yếu tố chính trị. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, cuộc đối thoại chiến lược cấp cao lần này là do Mỹ chủ động khởi xướng và hy vọng rằng cuộc đối thoại này có thể được tiến hành trên lãnh thổ Mỹ. Còn Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki từng phát biểu trong một cuộc họp báo rằng “cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức chính quyền mới của Mỹ và Trung Quốc được tổ chức trên lãnh thổ nước Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi”.

Cuộc đối thoại “2+2” tại Anchorage lần này dấy lên hy vọng về sự hợp tác tốt hơn giữa 2 cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới.

Việc Mỹ nhấn mạnh phải tổ chức cuộc gặp trên lãnh thổ nước này được cho là có liên quan đến sự suy giảm mạnh về sức mạnh tổng thể của Mỹ. Ông Blinken có thể tới Trung Quốc sau khi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng lại lựa chọn cách đối thoại với phía Trung Quốc trên lộ trình về nước. Điều này đã phản ánh cả quyền lực mềm và quyền lực cứng của nước Mỹ trên trường quốc tế đã không còn như trước. Trước một Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, Mỹ được cho là đang phải chịu sức ép tâm lý ngày càng lớn. Vì vậy, họ muốn nhấn mạnh “lợi thế sân nhà”?

Tập trung kiểm soát bất đồng

Trước cuộc gặp “2+2” lần này, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken báo cáo với Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ rằng cuộc đối thoại chiến lược cấp cao lần này là một cơ hội quan trọng và hai bên sẽ thẳng thắn bày tỏ quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm, đồng thời tìm hiểu xem liệu có không gian cho sự hợp tác giữa hai bên hay không.

Bất chấp những bất đồng không thể tránh khỏi giữa Trung Quốc và Mỹ bấy lâu nay, hai bên đàm phán được cho là vẫn sẽ hợp tác thiết thực trong các vấn đề cùng quan tâm. Vẫn còn nhiều dư địa cho hợp tác Mỹ - Trung, bao gồm cùng hợp tác chống đại dịch COVID-19, ứng phó với biến đổi khí hậu và có nên khôi phục cơ chế trao đổi bị gián đoạn giữa hai nước hay không?

Hiện tại là một giai đoạn quan trọng của quan hệ Mỹ - Trung. Việc hai bên có thể tìm được các lĩnh vực hợp tác thiết thực hay không sẽ có ý nghĩa to lớn đối với sự thinh vượng trước hết là của chính hai chủ thể của mối quan hệ, với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thậm chí cả thế giới. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế nửa thế kỷ qua là việc khôi phục và phát triển quan hệ Trung - Mỹ, trên quan điểm “hợp tác sẽ có lợi, đấu tranh sẽ gây tổn hại cho cả hai nước”. Hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai bên. Đối đầu Trung - Mỹ chắc chắn là một thảm họa đối với hai nước và cả thế giới.

Báo chí và truyền thông bị thu hút đặc biệt bởi sự kiện này.

Cuộc đối thoại chiến lược cấp cao lần này cũng là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc và Mỹ sau cuộc điện đàm giữa nguyên thủ hai nước đã nói ở trên. Cuộc đối thoại này có nghĩa là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực giải quyết mối quan hệ rơi vào “điểm đóng băng” trong nhiệm kỳ tổng thống trước của Mỹ. Trên thực tế, bản thân cuộc đối thoại chiến lược cấp cao Mỹ - Trung lần này đã phát đi một tín hiệu tích cực. Thử đặt vấn đề: Nếu cả hai bên đều không có thành ý đối thoại và không sẵn sàng tìm kiếm điểm chung, muốn gác lại bất đồng thì không cần phải sắp xếp một cuộc đối thoại cấp cao như vậy. Từ quan điểm này, các nhà quan sát cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều có những kỳ vọng tích cực vào cuộc đối thoại.

Ý nghĩa của cuộc đối thoại còn là việc mở ra cục diện mới cho Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán. Bất đồng là khó tránh, song việc tồn tại các kênh liên lạc và trao đổi là điều kiện tối cần thiết để giải quyết tận gốc vấn đề, để bày tỏ quan điểm và thậm chí là giải quyết những hiểu lầm. Còn về nội dung trao đổi có thể thay đổi nhận thức của các bên ở mức độ nào, lại là một câu chuyện khác. Bởi thế, cuộc đối thoại được cho là mang sứ mệnh “dò đường” cho quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai. Và nói gì thì nói, một cục diện hợp tác Mỹ - Trung hiệu quả là điều luôn được chờ đợi.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.