Anh: Đã đến lúc phải “thắt lưng buộc bụng”

Thứ Tư, 27/10/2010, 08:30
Để tránh trở thành một nước Hy Lạp thứ hai, mới đây chính phủ Anh đã công bố một kế hoạch cắt giảm chi tiêu lớn nhất từ trước đến nay. Ngân sách quốc phòng - “chiếc hũ” hút nhiều tiền nhất của ngân sách nhà nước là đối tượng cắt giảm hàng đầu và đi kèm với việc này là một chính sách quốc phòng mới của Anh được ra đời.

Công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu hôm 20/10 vừa qua của Chính phủ Anh nằm trong chuỗi những biện pháp mà Thủ tướng David Cameron đưa ra kể từ khi ông lên nhậm chức tháng 5/2010. Nhưng khác với những lần cắt giảm trước chỉ mang tính vụn vặt (như giảm lương đối với các quan chức chính phủ...), kế hoạch lần này được đánh giá là khắt khe nhất từ trước đến nay.

Theo kế hoạch, Chính phủ Anh muốn cắt giảm chi ngân sách khoảng 83 tỉ bảng (tương đương 130 tỉ USD) vào năm 2014-2015, điều này có thể tác động lớn tới dịch vụ và phúc lợi xã hội của chính phủ và có nguy cơ làm mất 1 triệu việc làm. "Cái xui" của ông Cameron khi lên thay Thủ tướng Gordon Brown là nước Anh đang trong tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề, trong khi nền kinh tế thì chưa thoát khỏi khủng hoảng.

Theo đánh giá, khoản thâm hụt ngân sách hiện nay của Anh là 154,7 tỉ bảng, tương đương với hơn 10% tổng thu nhập quốc nội của đất nước. Kế hoạch lần này của Chính phủ Anh là một trong những kế hoạch triệt để nhất trong số các quốc gia Liên minh châu Âu, nhằm giảm được tỉ lệ thâm hụt ngân sách xuống còn 1,1% vào năm 2015. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất cho liên minh đảng Bảo thủ và Tự do Dân chủ kể từ khi nắm quyền vào tháng 5, sau 13 năm ngự trị của Công đảng.

Trước khi bản kế hoạch này được công bố một ngày, tại thủ đô London ngày 19-10, hàng nghìn người đã đổ ra đường biểu tình để phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” này của Chính phủ Anh. Nhiều người biểu tình đã hô các khẩu hiệu chống chính phủ và coi các hành động cắt giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng tới việc làm của hàng nghìn người và làm cho người lao động có cuộc sống khó khăn hơn.

Phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 20/10, Bộ trưởng Tài chính George Osborne khẳng định, đã đến lúc phải "giải quyết các dự luật" của thập niên trước và đặt nước Anh vào một kế hoạch chi tiêu bền vững. Ông cho rằng đất nước phải cải cách hệ thống phúc lợi mà hiện giờ  không còn kham nổi. Giới hữu trách cho biết các khoản cắt giảm sẽ loại bỏ gần 500.000 công ăn việc làm trong lĩnh vực công vào năm 2015. Bộ trưởng Osborne nói, sẽ thực hiện được mục tiêu này bằng việc cắt giảm tới 33% các việc làm trong hầu hết các ban ngành của chính phủ.

Ý thức rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu trên chắc chắn sẽ không được lòng dân, Thủ tướng David Cameron lặp lại, ông không có lựa chọn nào khác để "cứu vãn đất nước khỏi bị phá sản, để tránh nước Anh trở thành một Hy Lạp thứ hai tại châu Âu". Tuy vậy ông cũng hứa hẹn sẽ không đụng chạm đến lĩnh vực y tế cũng như viện trợ phát triển.

Kế hoạch cắt giảm 8% chi tiêu quốc phòng, bao gồm việc loại bỏ hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoàng gia.

Trước đó, ngày 19/10, Thủ tướng Anh David Cameron đã công bố kế hoạch cắt giảm 8% ngân sách quốc phòng. Ông Cameron nói rằng, mục đích của ông là xây dựng lực lượng quân đội cơ động hơn, linh hoạt hơn, và trang bị tốt hơn để đáp ứng những khó khăn trong tương lai.

Như để dọn đường cho việc công bố cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng, ngày 18/10, Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague đã công bố "Đường lối chiến lược về an ninh và quốc phòng", một văn kiện chủ chốt của chính phủ liên minh mới tại Anh trong lĩnh vực địa chính trị. Văn kiện trên phản ánh cái nhìn toàn cầu của Anh về các mối đe dọa trong thế giới hiện nay và giải pháp của London đối với chúng.

Đường lối chiến lược mới của Anh gồm ba phần chính. Phần thứ nhất xác định vị trí của Anh trong thế giới hiện nay và đề ra nhiệm vụ củng cố mạnh mẽ quan hệ của London với các nước đang phát triển hàng đầu như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, những nước, theo quan điểm của Anh, đang đóng vai trò ngày càng tăng trong các công việc của thế giới. Phần hai đề cập sự cần thiết phải hành động ngăn chặn để tránh xảy ra các cuộc xung đột vũ trang tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Phần ba xem xét các mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh quốc gia của Anh, trong đó có những đe dọa mới như nguy cơ từ mạng thông tin điều khiển.

Đường lối chiến lược này là văn kiện thứ hai của Chính phủ Anh trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, văn kiện thứ nhất được chính phủ của đảng Lao động công bố năm 1998.

Theo đánh giá  của giới quân sự, đây là đợt cắt giảm quy mô lớn đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua của Anh. Thủ tướng David Cameron  tuyên bố sẽ cắt giảm số binh sĩ của Lục quân là 7.000 người, Không quân và Hải quân, mỗi quân chủng 5.000 người và cắt giảm 25.000 nhân viên Bộ Quốc phòng trong vòng 5 năm tới. Ông David Cameron nói, sẽ hoãn dự án cải thiện khả năng răn đe hạt nhân, ít nhất trong 5 năm tới nhằm tiết kiệm 750 triệu bảng. Toàn bộ nội dung kế hoạch cắt giảm này có thể sẽ lên tới 3 tỉ bảng (4,8 tỉ USD) trong tổng số 37 tỉ bảng (59 tỉ USD) ngân sách quốc phòng hằng năm của Anh.

Đây là bản đánh giá chiến lược quân sự quy mô đầu tiên ở Anh trong 12 năm qua và với những điều chỉnh nêu trên, giới phân tích cho rằng, về lâu dài, Anh sẽ không còn đủ lực để tham gia những cuộc chiến tranh như ở Iraq và Afghanistan

N.Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.