Anh: Khởi động đàm phán hậu Brexit

Thứ Ba, 15/09/2020, 15:05
Ngày 8-9, nước Anh thời hậu Brexit bắt đầu vòng đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Đối với Anh và EU, hai bên đang có nhiều tranh cãi về vấn đề hỗ trợ của nhà nước và nghề cá và triển vọng đạt được một thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào cuối năm 2020 là không mấy sáng sủa.

Đối với cuộc đàm phán Anh - Mỹ, do tác động của các yếu tố như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, hai bên dường như khó có thể đạt được thỏa thuận trong tương lai gần.

Theo Reuters, có rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán kể từ đầu năm đến nay giữa Anh và EU. Sau khi vòng đàm phán gần nhất kết thúc hồi giữa cuối tháng 8, cả hai bên đều bày tỏ lo ngại về việc liệu có thể đạt được thỏa thuận hay không. Trước bối cảnh này, Anh và EU khởi động vòng đàm phán thứ 8 tại London vào ngày 8-9, với sự tham dự của Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit phía Anh là David Frost và người đồng cấp EU Michel Barnier.

Theo các phương tiện truyền thông đại chúng phân tích, việc Anh đòi quyền tự chủ hoàn toàn trong vấn đề hỗ trợ của nhà nước và nghề cá đã khiến các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc. Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở việc liệu tàu thuyền của châu Âu có thể đi vào vùng đánh bắt cá của Anh hay không và sự hỗ trợ của chính phủ đối với các ngành nghề thế nào?

Nước Anh bắt đầu các cuộc đàm phán hậu Brexit với quan điểm rõ ràng.

Trong vấn đề nghề cá, Anh hy vọng sẽ giành lại quyền kiểm soát đối với nguồn lợi thủy sản trong vùng biển của mình hậu Brexit, ưu tiên cấp phép cho tàu cá của nước mình và hằng năm tiến hành đàm phán với EU về hạn ngạch đánh bắt cá dựa trên tình hình nguồn thủy sản. Trong khi các nước thành viên EU như Pháp hy vọng sẽ duy trì hiện trạng về hạn ngạch và tiêu chuẩn tiếp cận của các tàu đánh bắt cá. Lý do nghề cá luôn là chủ đề quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU là bởi nó liên quan đến vấn đề chủ quyền, nhất là khi Anh luôn muốn nhấn mạnh độc lập, chủ quyền toàn vẹn quốc gia hậu Brexit.

Về vấn đề hỗ trợ nhà nước, EU muốn đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, Anh lại cho rằng EU đã không áp đặt các yêu cầu tương tự đối với các nước khác có hiệp định thương mại tự do với khối này, ví dụ như Canada. Ông David Frost cho biết Anh sẽ không bị ràng buộc bởi cách hành xử của EU. Ngoại trưởng Anh Dominie Raab cũng cho biết Anh hy vọng được đối xử bình đẳng như các nước khác. Ông khẳng định Chính phủ Anh sẽ không nhượng bộ trong hai lĩnh vực gây tranh cãi này và không thể giải quyết hai vấn đề này thông qua “mặc cả”.

Theo một số phân tích, Anh và EU có mong muốn khác nhau đối với cuộc đàm phán. Anh hy vọng đạt được một thỏa thuận tương đối linh hoạt thông qua đàm phán, tức là trước hết phải đạt được một khu cơ bản và sau đó chia nhỏ các lĩnh vực. Trong khi đó, EU hy vọng đạt được một bộ quy tắc hoàn chỉnh thông qua đàm phán và thực hiện các biện pháp kiểm soát tương đối chặt chẽ, do đó, từ hai phía đã hình thành hai luồng quan điểm đối lập.

Nhiều người cho rằng thái độ cứng rắn của Anh có tính toán đến việc gây sức ép với EU. Nếu thực sự xuất hiện cục diện Brexit không có thỏa thuận thì cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống của người dân ở Anh. Tuy nhiên, việc hoàn thành các cuộc đàm phán về kinh tế và thương mại với EU có liên quan đến khả năng cầm quyền hợp pháp của Thủ tướng Boris Johnson. Vì vậy, đây là vấn đề chính trị, chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế. Việc chính quyền ông Boris Johnson có những động thái cứng rắn, vì thế mà có thể hiểu được.

Theo một số nguồn tin, EU hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trước tháng 11 để Quốc hội có thời gian rà soát pháp lý và phê duyệt trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Theo tờ Telegraph, đại diện 27 nước thành viên EU dự đoán Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von de Leyen sẽ có bài phát biểu quan trọng vào ngày 16-9, mở đường cho nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ can thiệp vào cuộc đàm phán đang bế tắc.

Về phần mình, nước Anh có vẻ gấp rút hơn. Reuters dẫn văn bản của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết nước này đã ấn định ngày 15-10 là thời hạn cuối cùng để đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU. Nếu không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, cả hai bên nên chấp nhận thực tế, sau đó tiếp tục tính toán.

Ông Johnson cũng nói rằng nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, Anh sẽ thiết lập quan hệ thương mại với EU như với Australia và “đó sẽ là một kết cục tốt đẹp”. Tờ Telegraph dẫn lời của phát ngôn viên Chính phủ Anh cho biết nước này đang chuẩn bị để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và công dân đều sẵn sàng chuẩn bị cho sự kết thúc của giai đoạn chuyển tiếp trong bất kỳ tình huống nào - bên ngoài liên minh thuế quan; bên ngoài thị trường chung duy nhất hoặc bên ngoài EU.

Một “mô hình Australia” ở mức độ lớn đồng nghĩa với Brexit không thỏa thuận. Trong trường hợp này, Anh và EU sẽ giải quyết các vấn đề thương mại trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Một thỏa thuận không hoàn chỉnh sẽ tác động tiêu cực đến thương mại song phương giữa Anh và EU trong tương lai, bao gồm cả sự suy giảm quy mô thương mại, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, vận chuyển, trao đổi nhân viên và dòng chảy của vốn.

Cùng lúc với EU, các cuộc đàm phán thương mại của Anh với các nước như Mỹ cũng đang được thúc đẩy. Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại với quy mô lớn. Chính phủ Anh mong muốn thông qua dỡ bỏ hàng rào thương mại với Mỹ, Anh sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ 3 sản phẩm có thế mạnh là cá hồi, pho mát và ôtô. Tổng kim ngạch thương mại Anh - Mỹ đạt 221 tỷ bảng (khoảng 293 tỷ USD) năm 2019. Chính phủ Anh dự đoán nếu hai nước đạt được thỏa thuận thương mại tự do, quy mô thương mại song phương sẽ tăng thêm khoảng 20 tỷ USD nữa.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.