Anh mở lại Đại sứ quán tại Iran: Thêm cơ hội hòa giải

Thứ Hai, 07/07/2014, 17:00

Ngoại trưởng Anh William Hague hôm 17/6 đã công bố trước Quốc hội Anh kế hoạch mở lại Đại sứ quán tại Tehran, Iran, sau gần 3 năm đóng cửa vì bạo loạn. Đây là một diễn biến mới có thể tạo ra bước ngoặt trong quan hệ giữa Iran với Anh và các nước phương Tây nói chung.

Vai trò quan trọng của Iran trong các khủng hoảng Iraq

Ngoại trưởng Anh cho rằng, thời điểm hiện tại đang chín muồi cho việc mở lại Đại sứ quán Anh ở Iran. Tuy nhiên, ông Hague cũng đưa ra 2 vấn đề lớn khiến ông bận tâm nhất khi triển khai kế hoạch mở lại Đại sứ quán. Thứ nhất, nhân viên làm việc trong Đại sứ quán Anh có được an toàn và an ninh hay không, và thứ hai là họ có bị cản trở khi thi hành nhiệm vụ hay không.

Theo Ngoại trưởng Hague, Iran là một quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực Trung Đông, một khu vực luôn biến động, dễ bùng phát những bất ổn về an ninh, vì thế việc nước Anh duy trì Đại sứ quán tại Tehran là rất cần thiết. Việc mở lại Đại sứ quán đồng nghĩa với việc quan hệ ngoại giao song phương Anh - Iran cũng sẽ được nối lại, nhưng tiến trình để các mối quan hệ được bình thường hóa cần phải có thời gian.

Tuyên bố mở lại Đại sứ quán của Ngoại trưởng Hague là động thái tích cực nhất sau loạt động thái tích cực từ cả hai phía Anh và Iran trong thời gian qua. Kể từ khi ông Hassan Rouhani được bầu làm Tổng thống vào tháng 6/2013, Tehran bắt đầu đưa ra một loạt cử chỉ thiện chí về phía các quốc gia đang đối đầu với mình, đặc biệt là sự tương tác giữa Iran với các nước phương Tây đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn, nhất là trong đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Những cuộc gặp bên lề Đại hội đồng LHQ khóa 68 tháng 9/2013 giữa Tổng thống Iran Rouhani với lãnh đạo các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Anh.

Tháng 10/2013, Anh và Iran bắt đầu có những động thái tích cực đầu tiên, với việc mỗi nước đề cử đại sứ lưu động để cùng nhau hợp tác hướng đến việc cải thiện quan hệ song phương và mở lại các đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước. Sắp tới, Thứ trưởng Ngoại giao Anh William Burns sẽ có cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân với đồng nghiệp Iran tại Vienna, trong loạt đàm phán cuối cùng giữa Iran với các đối tác P5+1 nhằm soạn thảo nội dung thỏa thuận hạt nhân chính thức để tiến hành ký kết vào hạn chót ngày 20/7 tới. Đây sẽ là cơ hội tốt nhất để phương Tây cải thiện quan hệ ngoại giao với Iran, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong nhiều vấn đề nóng bỏng trong khu vực.

Giới bình luận nhận định, trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang có nhiều bất ổn, nhất là cuộc khủng hoảng an ninh tại Iraq đang diễn biến phức tạp, việc nước Anh mở lại Đại sứ quán tại Tehran có thể được xem như một cơ hội không chỉ cho Iran mà cho cả các đồng minh phương Tây. Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu ngay sau khi ông Hague công bố kế hoạch mở lại Đại sứ quán rằng, ông ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Iran.

Điều này không chỉ có lợi cho nước Anh mà còn có ích cho nước Mỹ trong việc tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng an ninh tại Iraq. Iran hiện đang trở thành đối tác quan trọng mà Mỹ và các đồng minh cần đến để giải quyết bất ổn an ninh tại Iraq. Các giáo chủ lãnh đạo ở Iran theo dòng Hồi giáo Shiite có nhiều ảnh hưởng đối với phái Hồi giáo Shiite ở Iraq.

Đặc biệt, thời gian gần đây, giữa Iran (Shiite) và Arập Xêút (Sunni) đang có dấu hiệu hòa giải sau chuyến thăm Riyadh của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vào đầu tháng 6-2014, hứa hẹn tương lai hợp tác giữa 2 cường quốc hàng đầu trong khu vực đại diện cho 2 phái Hồi giáo Shiite và Sunni. Đây là cột mốc quan trọng có thể giúp ích cho các nỗ lực giải quyết khủng hoảng tại Iraq của Mỹ, vì hiện tại Riyadh đang làm căng với Washington xung quanh cách Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng tại Syria (Arập Xêút muốn Mỹ mạnh tay hơn nữa, thậm chí dùng vũ lực quân sự đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad).

Ảnh hưởng của Iran ở Iraq không chỉ là vấn đề kinh tế, mà quan trọng nhất là về tôn giáo. Tehran từng là "thánh địa" giáo huấn cho nhiều giáo chủ và đại giáo chủ dòng Shiite ở Iraq, từ Moqtada al-Sadr cho đến các đại giáo chủ Mahmoud Hashemi Shahroudi và đại giáo chủ đương nhiệm Ali al-Sistani. Sự lên ngôi của phái Shiite ở Iraq kể từ khi Tổng thống Saddam Hussein (theo dòng Sunni) bị lật đổ đã củng cố vững chắc thêm ảnh hưởng của Iran tại đây.

Tình báo Mỹ đã nắm được thông tin cho rằng, Iran đã và đang chi hàng triệu USD mỗi tháng để duy trì một lực lượng dân quân Shiite khoảng hơn 1.000 người ở Iraq nhằm chống lại các lực lượng Sunni và Kurd. Chỉ cần các lãnh đạo tôn giáo ở Iran ra chỉ thị, các lực lượng Shiite ở Iraq sẽ sẵn sàng đáp lời. Trong tình hình cuộc khủng hoảng hiện nay ở Iraq, Iran vẫn chưa có động thái gì, ngoài việc lên tiếng không ủng hộ Mỹ không kích các mục tiêu ở Iraq.

Thăng trầm trong quan hệ giữa Iran với phương Tây

Quan hệ ngoại giao giữa Anh và Iran đã bị tạm treo sau vụ hàng ngàn sinh viên và người biểu tình Iran bao vây, tấn công Đại sứ quán Anh vào tháng 11/2011. Nguyên nhân châm ngòi cho vụ bạo loạn được cho là do nước Anh áp đặt lệnh cấm vận trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Người Iran vẫn tự hào về việc đất nước họ có khả năng làm giàu uranium cho mục đích hòa bình trong khuôn khổ quy định tại Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng hoạt động đó đã bị phương Tây, trong đó có Anh và Mỹ, nghi ngờ Tehran lợi dụng chế tạo bom hạt nhân.

Cấm vận, trừng phạt là công cụ được Mỹ và các đồng minh sử dụng phổ biến để gây áp lực lên các quốc gia nhằm buộc phải hành xử theo ý mình. Đối với người Iran, việc sử dụng công cụ đó đã gây nên những tác động tiêu cực không chỉ cho Iran mà còn tác dụng ngược đối với chính các quốc gia áp dụng lệnh trừng phạt. Vụ việc người Iran phản đối và đập phá Đại sứ quán Anh vào năm 2011 đã phản ánh thực tế việc lạm dụng công cụ cấm vận, trừng phạt kinh tế đã không được người dân Iran chấp nhận. Vụ việc đã khiến cho London tức giận và đóng cửa Đại sứ quán, tạm treo quan hệ ngoại giao với Iran.

Trong quá khứ, quan hệ giữa Iran với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã có những lúc thăng trầm qua từng giai đoạn lịch sử. Trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979, quan hệ giữa Mỹ và Iran cũng tương đối bình thường. Năm 1953, Chiến tranh lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới Iran, với việc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hỗ trợ Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI6) thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Iran Mohamed Mossadegh, đưa cựu vương Shah Mohammad Reza Pahlavi trở lại nắm quyền, từ đó mở ra một thời kỳ quan hệ nồng ấm giữa Iran với Mỹ, Anh và các nước đồng minh phương Tây kéo dài 26 năm. Mỹ đã giúp Iran thành lập cơ quan tình báo vào năm 1957. Sự hậu thuẫn của Mỹ giúp Iran mở rộng khai thác dầu mỏ và kinh tế phát triển vượt bậc.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người mở ra cơ hội cải thiện quan hệ Anh – Iran.

Đáp lại, Quốc vương Iran Pahlavi chính thức công nhận sự tồn tại của Israel. Tuy nhiên, trong mối quan hệ nồng ấm ấy vẫn tồn tại những mâu thuẫn nhỏ. Đó là việc Iran từ chối giúp đỡ Mỹ trong việc hạ giá dầu mỏ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu thập niên 70 thế kỷ XX. Từ đó, mâu thuẫn giữa Quốc vương Pahlavi và chính quyền Mỹ ngày càng sâu sắc, Mỹ ngày càng gia tăng tần suất "nói xấu" Quốc vương Pahlavi trong các vấn đề nhân quyền, dân chủ, mặc dù trên bình diện chính thức Mỹ vẫn ủng hộ Iran. Trong một sự kiện năm 1977,  Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ca ngợi Iran là "ốc đảo bình yên" trong khu vực Trung Đông.

Sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử quan hệ giữa Iran với Mỹ và phương Tây chính là cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại Iran. Người dân Iran ngày càng bất bình trước cách hành xử thô bạo của vương triều Pahlavi và tình trạng tham nhũng, cai trị độc tài đã châm thêm mồi lửa cho cơn giận bùng nổ trong dân chúng. Đó là khởi nguồn mạnh mẽ thúc đẩy nên cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini khi đó đang lưu vong ở nước ngoài đã quay trở về nước để lãnh đạo cuộc cách mạng thành công, thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ngay sau khi lên nắm quyền, đại giáo chủ Khomeini ngay lập tức ra tuyên bố gọi Mỹ là "Đại Sa-tăng".

Tháng 11/1979, các lực lượng dân quân Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt và giam giữ 52 con tin người Mỹ và phương Tây trong 444 ngày. Cuộc khủng hoảng con tin đã kết thúc bằng một chiến dịch giải cứu thảm họa. Mỹ bắt đầu trừng phạt Iran bằng cách phong tỏa tài sản Iran ở Mỹ, và từ đó cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Trong 35 năm đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Iran, Mỹ và một số đồng minh phương Tây đã có nhiều vụ việc va chạm gay gắt. Thập niên 80 chứng kiến cuộc chiến giật dây giữa Mỹ và Iran. Năm 1980, Mỹ hỗ trợ cung cấp khí tài quân sự cho Iraq của Tổng thống Saddam Hussein xua quân xâm chiếm Iran, gây nên cuộc chiến Iran - Iraq kéo dài 8 năm (kết thúc năm 1988), khiến cho 1,5 triệu người chết.

Để đáp trả, Iran phái sát thủ thực hiện hàng loạt vụ ám sát các nhân vật quan trọng thân Mỹ. Iran hậu thuẫn tổ chức Hezbollah ở Liban trong cuộc nội chiến Liban, và chính Hezbollah bị nghi là thủ phạm đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Beirut năm 1983… Năm 1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu mỏ trên phạm vi toàn cầu đối với Iran.

Giai đoạn ông Mohammad Khatami lên làm Tổng  thống Iran, Mỹ dỡ bỏ bớt một phần lệnh cấm vận. Tuy nhiên, bầu không khí đối thoại cởi mở đó kéo dài chưa bao lâu đã bị phủ mây đen bởi sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 và ngay sau đó là việc ông Mahmoud Ahmadinejad lên thay ông Khatami làm Tổng thống Iran. Thế giới hậu 11-9 với chính sách chống khủng bố đầy bạo lực và giả dối của Tổng thống Mỹ Goerge W. Bush đã làm cho quan hệ Mỹ-Iran trở nên xấu hơn bao giờ hết.

Cuộc đối đầu căng thẳng xung quanh việc Mỹ và đồng minh phương Tây và Israel cáo buộc Iran phát triển vũ khí hạt nhân khiến cho Iran tuyên bố không công nhận Israel và đòi "hủy diệt Israel", và Iran ngày càng bị Mỹ và đồng minh phương Tây, kể cả LHQ gia tăng áp lực cấm vận kinh tế, gây nên những tác động tai hại đối với đời sống xã hội của Iran nhưng vẫn không thể khuất phục được Iran chịu ngưng chương trình hạt nhân.

Từ khi ông Barack Obama lên thay George W. Bush làm Tổng thống Mỹ, và đặc biệt từ khi ông Hassan Rouhani lên thay ông Ahmadinejad làm Tổng thống Iran từ tháng 6/2013, đối thoại càng cởi mở hơn, và hai bên đã tạo được bước tiến dài trong tiến trình đàm phán hạt nhân. Những cái bắt tay ngày càng nhiều hơn, chặt hơn và nồng ấm hơn, đã dẫn đến kết quả đáng khích lệ là hiệp ước sơ bộ về chương trình hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 và đang chuẩn bị hoàn tất tiến trình đàm phán, ký kết hiệp ước hạt nhân chính thức vào ngày 20/7 tới

An Châu (tổng hợp)
.
.