Ánh sáng hoà bình lại le lói ở Trung Đông

Thứ Sáu, 26/07/2013, 10:45

Ngoại trưởng John Kerry, sau chuyến thăm thứ 6 tới Trung Đông, vừa mang về Mỹ một hy vọng: Palestine và Israel sẽ gặp nhau trong nay mai ở Washington để bàn về chuyện chung sống hòa bình. Nhiều chính phủ Mỹ gần đây đều thất bại trong việc tái lập hòa bình tại Trung Đông, liệu ông Kerry có làm được điều siêu phàm?

"Tôi nghĩ ông John Kerry đã đạt được một thành công thật đáng kể. Ông ta đã làm được điều mà 3 năm qua không ai làm được cả, đó là đưa 2 bên Palestine và Israel nói chuyện trực tiếp trở lại với nhau" - Uri Savir, người từng dẫn đầu đoàn đàm phán Israel trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước cho biết. Không chỉ ngợi khen, ông Savir còn ví von điều Ngoại trưởng Mỹ đã làm là điều chỉ có "siêu nhân" mới làm được.

Lời ngợi khen này được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ báo tin trong tuần trước. Đại diện của Israel và Palestine sẽ gặp nhau tại Washington để nối lại cuộc đàm phán hòa bình bị đứt đoạn từ năm 2010. Mục tiêu không thay đổi: sẽ có một quốc gia Palestine thành hình, sống hòa bình bên cạnh quốc gia thù nghịch cũ là Israel.

Khi loan báo tin này trước khi rời Jordan ngày 20/7 để về lại Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ cũng báo trước đây là điều "không dễ làm" nhưng tin tưởng cả 2 chính phủ đều biết rất rõ "ước mong của người dân và của cả thế giới" là chiến tranh phải chấm dứt, không thể tiếp tục bắn giết nhau như 6 thập niên qua. Vẫn theo lời ông Kerry, cuộc gặp ở Washington dù vẫn chỉ là bước đầu "nhưng không thể chậm trễ hơn nữa".

Kể từ ngày được Tổng thống Barack Obama giao phó trách nhiệm điều khiển ngành ngoại giao Mỹ, mục tiêu quan trọng nhất ông Kerry đặt ra là tìm hòa bình cho Trung Đông. Vừa tuyên thệ nhậm chức xong, ông gọi điện thoại nói chuyện ngay với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Mahmoud Abbas để thông báo "quyết tâm" tìm giải pháp cho vùng đất lúc nào cũng được xem là một trong những "điểm nóng" của thế giới. Để làm điều này, trong 4 tháng trời ông đến Trung Đông cả thảy 6 lần.

 

Thủ tướng Israel Netanyahu (thứ hai từ trái qua) họp nội các ngày 21/7 vừa qua.

Những nỗ lực của ông đã đem lại kết quả như chính ông trông đợi, cho dù các trở ngại trên đường đi đến hòa bình vẫn không thay đổi. Vẫn là chuyện Israel phải ngưng ngay kế hoạch đưa dân định cư Dải Gaza, ở Bờ Tây sông Jordan và khu vực họ đang chiếm đóng ở phía Đông Jerusalem, vẫn là chuyện phía Palestine đòi hỏi bản đồ quốc gia tương lai của họ phải bao gồm những vùng đất đã có từ trước ngày cuộc chiến 1967 xảy ra. Đó là những điều Tổng thống Bill Clinton đã không làm được hồi năm 2000, kế đến là Tổng thống George W. Bush cũng thất bại hồi năm 2008, và một số nhà quan sát chính trị cũng dè dặt nghĩ rằng Ngoại trưởng Kerry khó có thể giải quyết được, bất kể ông nỗ lực đến mức nào.

"Tôi trân trọng những nỗ lực Ngoại trưởng Kerry đã thể hiện, nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có những tiến triển đáng kể" là nhận xét của ông Khaled Elgindy đang làm việc cho Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Đông của Brookings Institution. Lý do khiến ông Elgindy phải ngần ngại vì lập trường căn bản của cả 2 bên chẳng có gì thay đổi cả. Người từng giữ vai trò cố vấn đặc biệt cho Chính phủ Palestine từ năm 2004 đến 2009 nói tiếp:  "Cả 2 phía đều giữ vững lập trường, thành quả chỉ đến khi nào họ đồng ý nhượng bộ".

Ngày 20/7, Israel đã đồng ý trả tự do cho các tù nhân Palestine trong khuôn khổ của một thỏa thuận khung để tái tục các cuộc hòa đàm do Mỹ làm trung gian. Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Israel Yuval Steinitz nói, một số người Palestine dính líu đến khủng bố và bị giam hơn 20 năm sẽ được trả tự do.

Từ lâu, người Palestine đã yêu cầu trả tự do cho các tù nhân bị giam giữ trước khi ký kết Hiệp ước Oslo vào năm 1993. Đây là một thỏa thuận hòa bình cột mốc với Israel. Tuy nhiên nhà cầm quyền Palestine lo ngại là Israel không đồng ý ranh giới năm 1967 như là căn bản đối với một quốc gia Palestine tương lai.

Nhà lập pháp Palestine Mustafa Barghouti nhận định: Israel phải rút khỏi lãnh thổ chiếm được trong cuộc Chiến tranh 6 ngày vào năm 1967: "Điều chúng tôi yêu cầu là một cam kết bằng văn bản của Mỹ là khuôn khổ của những cuộc thương thuyết và những từ để tham khảo phải bao gồm những ranh giới 1967, và một quy định rõ ràng về giải pháp hai quốc gia, theo đó một quốc gia Palestine sẽ tự do, có chủ quyền và liên tục".

Israel mô tả biên giới năm 1967 là không thể chống giữ được và cho biết thêm là trong bất cứ một hiệp ước hòa bình cuối cùng nào, Israel vẫn giữ lại những khu định cư lớn tại Bờ Tây và Đông Jerusalem. Hôm 20/7, ông Steinitz nói với Đài Phát thanh Israel là chính phủ ông không đồng ý về những đòi hỏi quan trọng khác của Palestine, như là ngưng việc xây dựng các khu định cư tại Bờ Tây và vùng Đông Jerusalem đang tranh chấp.

Chữ "nhượng bộ" ở đây có nghĩa là "hai bên chấp nhận chính trị", theo giải thích của bà Mariell Constanza của Viện ADC, một tổ chức chuyên tranh đấu cho quyền lợi của người Arập. "Từng có lúc lãnh đạo hai bên đồng ý gặp nhau hàng tháng, sau đó dần dần họ lơ là vì thấy có gặp nhau cũng chẳng đi tới đâu cả".

Bà Constanza nhắc lại sau Hội nghị Quốc tế Annapolis hồi năm 2007 - "Chính Tổng thống George W. Bush cũng nghĩ là sẽ nhìn thấy bản hiệp định hòa bình Israel - Palestine trước ngày rời Nhà Trắng, nhưng niềm hy vọng đó chỉ nhóm lên được vài tháng rồi tắt ngúm". Lý do: "Chẳng bên nào chịu nhường bên nào, thành ra đổ vỡ là điều đương nhiên phải xảy ra".

Cựu phụ tá Cố vấn An ninh quốc gia Elliott Abrams, người được Tổng thống George W. Bush đích thân chọn để đại diện Mỹ trong cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông 2008, chia sẻ kinh nghiệm từ sự thất bại này: "Khi bước vào cuộc đàm phán, cả Thủ tướng Netanyahu lẫn Tổng thống  Abbas đều gặp những khó khăn chính trị nội bộ, đẩy 2 ông đến chỗ không thể làm gì được cả vì lúc nào họ cũng bị áp lực, sợ bị chỉ trích là nhượng bộ nhiều quá". Chính áp lực đó "đã bó tay hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine, thất bại là điều có thể đoán trước". Lần này thì sao?

Ông Abrams trả lời: "Tôi thấy rõ ràng ông Kerry muốn cuộc đàm phán hòa bình diễn ra nhiều hơn là ông Netanyahu và ông Abbas" vì cả 2 nhà lãnh đạo Israel và Palestine "đều chưa giải quyết được chuyện trong nhà của họ". Ngày 21/7, tại buổi họp nội các, Thủ tướng Israel trấn an với nội các của ông rằng, bất kỳ kết quả nào tại cuộc đàm phán sắp mở lại với Palestine cũng được đưa ra trước nhân dân để trưng cầu ý kiến. Còn ông Abbas thì vẫn chưa phải là lãnh đạo của toàn thể người Palestine, vẫn phải chia sẻ quyền hành với lực lượng Hamas.

Như vậy, phải chăng ánh sáng hòa bình chỉ mới le lói? Một viên chức thân cận của Ngoại trưởng John Kerry vừa nhún vai vừa trả lời: "Cuộc đàm phán nào cũng khởi đầu bằng hy vọng, và dù có le lói ở cuối đường hầm đi chăng nữa thì cũng nên gặp nhau để thảo luận, còn hơn là để cho ngọn đèn bị dập tắt"

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.