Anh – Pháp ký Hiệp ước Hợp tác quân sự và thử nghiệm vũ khí hạt nhân

Thứ Tư, 17/11/2010, 10:35
Anh và Pháp đã đồng ý ký kết hai hiệp ước thân thiện giữa hai quốc gia bao gồm hợp tác quân sự rộng rãi hơn và hợp tác thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Theo đó, an ninh của Anh và các vùng lãnh thổ ở hải ngoại của nước này sẽ nằm trong quyền kiểm soát của Pháp.

Theo thỏa thuận, một trung tâm nghiên cứu sẽ được thành lập tại Anh để phát triển công nghệ và một trung tâm khác ở Pháp có nhiệm vụ tiến hành thử nghiệm. Điều đó có nghĩa là mỗi quốc gia vẫn còn kiểm soát những đầu đạn của mình, và những bí mật hạt nhân (vốn được giữ kín trong suốt 5 thập niên qua) cũng sẽ không được chia sẻ.

Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng sẽ phác thảo những kế hoạch (tại cuộc gặp cấp cao ở London) cho một lực lượng viễn chinh phối hợp Anh - Pháp với lữ đoàn gồm khoảng 5.000 binh sĩ của mỗi bên và sẽ huấn luyện chung mỗi năm bắt đầu từ năm 2011. Người phát ngôn của Chính phủ Anh gọi đây là những biện pháp "thiết thực": "Cuộc gặp cấp cao này đánh dấu một mối quan hệ song phương Anh - Pháp đang được tăng cường. Mối quan hệ của chúng ta là quan hệ đối tác chiến lược, cùng nhau giải quyết những thách thức lớn nhất mà cả hai quốc gia đang phải đối mặt".

Cuộc gặp cấp cao diễn ra vào hai tuần sau khi chính quyền Anh thông báo cắt giảm chi phí cho quân đội để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia. Theo kế hoạch, việc cắt giảm số lượng đầu đạn dành cho hệ thống tên lửa hạt nhân Trident sẽ tiết kiệm được 750 triệu bảng Anh trong vòng 4 năm. Các máy bay phản lực lên thẳng Harrier, tàu chỉ huy HMS Ark Royal của Hải quân Anh và những máy bay gián điệp Nimrod cũng sẽ chấm dứt hoạt động, nhưng 2 chiếc hàng không mẫu hạm mới vẫn được dự trữ.

Việc chấm dứt hoạt động của Harrier và Ark Royal có nghĩa là sẽ không có chiếc máy bay nào cất cánh từ hàng không mẫu hạm của Anh cho đến năm 2019. Và 42.000 việc làm trong quân đội và Bộ Quốc phòng Anh sẽ bị cắt giảm vào năm 2015. Nhưng kế hoạch này sẽ không gây ảnh hưởng đến mối quan hệ đặc biệt của Anh đối với Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox cho biết, giới truyền thông tỏ ý hết sức quan ngại về ý tưởng quân đội Anh sẽ chịu sự chỉ huy của Pháp. Ông nói: "Theo hệ thống hiện thời của NATO, quân đội chúng ta có thể chịu sự chỉ huy của Thổ Nhĩ Kỳ hay Ba Lan. Do đó điều này không có gì mới và cũng không ảnh hưởng đến quan hệ đặc biệt của chúng ta với Mỹ".

Với thỏa thuận mới, các tướng lĩnh Pháp sẽ nắm quyền chỉ huy Lực lượng Không quân đặc nhiệm Anh (SAS). Vào giữa tháng 10/2010, một tài liệu rò rỉ của chính quyền Pháp tiết lộ phần lớn những chiếc xe tăng, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của Pháp đang trong tình trạng không còn sử dụng được và khả năng quốc phòng của nước này cũng đang "xuống cấp trầm trọng". Từ năm 2020, khi Anh có chiếc hàng không mẫu hạm mới của riêng mình, hai quốc gia sẽ thỏa thuận sử dụng chiếc tàu mới này hoặc chiếc Charles de Gaulle của Pháp ở ngoài biển. Điều đó có nghĩa là khi chiếc tàu của Anh đang được sửa chữa thì sự bảo vệ quần đảo Falkland sẽ phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ chính quyền Pháp.

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Trong một bài diễn văn, Tổng thống Pháp nói: Trung tâm thử nghiệm hạt nhân ở Valduc, miền Đông nước Pháp, sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2014. Và cơ sở thí nghiệm Valduc sẽ làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Anh - Pháp đặt trụ sở ở Aldermaston, hạt Berkshire miền Nam nước Anh. Nhân lực sẽ bao gồm "vài chục" chuyên gia Anh và Pháp nhưng chi phí mà hai quốc gia bỏ ra cho sự hợp tác hạt nhân này sẽ vào khoảng vài triệu euro. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói, các nhà khoa học của hai quốc gia sẽ làm việc để bảo đảm "khả năng hoạt động, độ an toàn và an ninh trong thời gian kéo dài của các kho vũ khí hạt nhân của chúng ta".

Thủ tướng Anh Cameron nói: "Tôi thật sự tin tưởng việc thỏa thuận liên kết với Pháp trong lĩnh vực quốc phòng là lợi ích lâu dài của cả hai quốc gia. Và những ai lo ngại sự liên kết này sẽ dẫn đến sự hình thành một quân đội EU là không đúng". Michael Clark, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) nói, sự hợp tác quân sự giữa Anh và Pháp đã có từ thời Chiến tranh thế giới thứ 2, bởi vì "cả hai quốc gia từng có những vấn đề giống nhau, có cùng những mối quan tâm giống nhau".

Tuy nhiên, sự hợp tác Anh và Pháp sẽ có ảnh hưởng lớn đến NATO bởi vì hai quốc gia có thể tiến hành những chiến dịch nằm ngoài khuôn khổ của tổ chức này, nhưng theo lời các quan chức cao cấp thì điều đó vẫn tốt hơn là cho phép EU phát triển quân đội riêng. Thủ tướng Anh Cameron nói: "Điều này sẽ không là sự kích thích dẫn đến việc thành lập quân đội EU, điều mà chúng ta chống đối... Tôi luôn cho rằng quốc phòng phải là vấn đề giữa các chính quyền với nhau"

Diên San (tổng hợp)
.
.