Áp lực cải tổ tại Hội đồng Bảo an

Thứ Ba, 15/03/2011, 15:15
Chán ngán vì những cuộc hội thảo liên miên về việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) mà không đem lại kết quả gì, nhóm G4 gồm Brazil, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản, mới đây đã quyết định tiến hành một chiến dịch phản công mới nhằm đạt được một ghế trong cơ quan quyền lực nhất của LHQ, nơi được coi là “câu lạc bộ của những vị thánh”.

"Áp lực từ nay sẽ gia tăng lên LHQ để các nước thành viên của tổ chức này phải giải quyết những thách thức đem lại từ việc cải tổ HĐBA. Việc cải tổ này ngày càng trở lên cấp bách và không thể đảo ngược" - Ngoại trưởng Brazil, Antonio de Aguiar Patriota, nhấn mạnh trong một cuộc họp tại LHQ hồi tuần trước với các đồng nhiệm Đức, Ấn Độ và Nhật Bản.

Nhóm G4 "thề" rằng phải đấu tranh bằng mọi giá để đạt được những kết quả cụ thể trước cuối năm nay và khẳng định đang giành được một số phiếu tán thành tại Đại hội đồng LHQ. Để việc cải tổ thành viên trong HĐBA chính thức có hiệu lực yêu cầu 2/3 số thành viên trong Đại hội đồng tán thành.

Trong 15 nước thuộc HĐBA, chỉ có 5 cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp) có được một "câu thần chú" kép: một ghế thường trực và một quyền phủ quyết. Quy định này được hình thành từ sau Thế chiến II và ngày càng bị các cường quốc mới nổi phản đối. "LHQ phải đại diện cho một thế giới của ngày hôm nay chứ không phải cho một thế giới của thế kỷ trước. Châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi đang gần như không có đại diện trong “câu lạc bộ của các vị thánh" này" - Ngoại trưởng Đức, Guido Westerwelle, nhấn mạnh. Hiện nay Đức đang có một ghế trong HĐBA với tư cách là thành viên không thường trực được bầu cho nhiệm kỳ 2 năm, cũng giống như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Nhưng nhiệm kỳ ngắn ngủi này chỉ nên được coi như một sự an ủi, động viên. Giới ngoại giao đại diện của các quốc gia thành viên không thường trực tại HĐBA thường xuyên có cảm giác bị các nước thành viên thường trực đối xử như những "du khách". "Hai năm là quãng thời gian quá ngắn ngủi, chỉ đủ để hiểu được sự vận hành của HĐBA, các quy định và mánh khóe của các nước, sau đó bạn phải sắp xếp hành lý nhường ghế cho người khác. Không được là thành viên thường trực, số phận của chúng tôi luôn bị người khác quyết định. Vấn đề của châu Phi và Trung Đông hiện nay đang chiếm phần lớn chương trình nghị sự của HĐBA và đáng lý hai khu vực này phải có tiếng nói quyết định cho số phận của họ" - Dire Tladi, cố vấn pháp lý của Nam Phi tại LHQ nhận định.

Tập hợp trong Liên đoàn châu Phi, các nước thuộc lục địa đen yêu cầu ít nhất 2 ghế thường trực trong HĐBA cho châu Phi, cũng như thêm 2 ghế không thường trực thay vì 3 như hiện nay. Quan điểm này của châu Phi cũng gần giống với quan điểm của nhóm G4. Nhóm này bảo vệ ý kiến về một HĐBA mở rộng với 25 thành viên thường trực (thêm 4 thành viên G4 và 2 quốc gia châu Phi). Tuy nhiên, việc cải tổ cơ quan quyền lực này mặc dù được nêu lên từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển gì. Những tranh luận đầu tiên về việc mở rộng HĐBA bắt đầu từ năm 1995! Lý do là vì các quốc gia ủng hộ việc cải tổ lại không thống nhất được quan điểm với nhau.

Một cuộc họp của HĐBA LHQ.

Để chống lại G4, nhiều nước trong đó có Argentina, Pakistan, Mexico và Italia đã thành lập nhóm "Liên minh vì thỏa thuận chung", và bác bỏ ý kiến đưa thêm những thành viên thường trực mới, nhất là khi ứng viên lại là một hay nhiều quốc gia thù địch. Pakistan không muốn Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của HĐBA. Mexico và Argentina không muốn sự lên ngôi của Brazil. Trung Quốc từ chối Nhật Bản gia nhập câu lạc bộ. Tại châu Phi, Nam Phi, Nigeria và Ai Cập lại tranh giành đại diện châu lục.

Trước thực tế này, HĐBA hiếm khi bị thúc giục phải tiếp nhận những thành viên mới. Trung Quốc và Nga tỏ quan điểm trung lập, trong khi Mỹ cũng không có ý kiến gì về việc cải tổ này. Duy chỉ có Anh và Pháp, do cảm thấy vai trò của họ tại cơ quan quyền lực này ngày càng bị suy yếu nên hối thúc việc mở rộng.

Cũng có ý kiến cho rằng, HĐBA không cần phải mở rộng vì càng "lắm thầy thì nhiều ma". Đó là quan điểm của Đại sứ Congo tại LHQ, Atoki IIléka. "Nói thẳng ra việc giữ nguyên HĐBA như hiện nay không phải là điều dở. Tôi không chắc rằng một hội đồng mở rộng sẽ hiệu quả hơn. Trong cuộc khủng hoảng tại Congo, đầu tiên chúng tôi nhờ vả đến Đại hội đồng LHQ nhưng không đạt kết quả nào. Tất cả các nước thành viên ở đây đều đã có đồng minh của mình và họ tự trung hòa lẫn nhau. Với HĐBA, 5 thành viên là đủ, vì như vậy công việc sẽ dễ dàng hơn" - Atoki Iléka nói.

Trong khi đó, Paul James, Giám đốc Tổ chức Global Policy Forum, lại gợi ý một hướng khác: những chiếc ghế thành viên thường trực trong HĐBA nên chia theo khu vực địa lý, chẳng hạn Liên minh châu Âu 1 ghế, Liên minh châu Phi 1 ghế... Điều này xem ra có vẻ công bằng hơn và cũng tránh được những đấu đá hiện nay giữa các nước ủng hộ việc mở rộng HĐBA

M.T. (tổng hợp)
.
.