Argentina: Tổng thống Cristina Kirchner phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này

Thứ Năm, 27/12/2007, 10:30
Vừa lên nhậm chức chưa được tuần lễ, bà Cristina Fernandez de Kirchner đã phải đối diện với “thử thách” đầu tiên, đó là việc Mỹ cáo buộc một số người đã mang tiền của Chính phủ Venezuela sang Argentina để đóng góp ủng hộ bà tranh cử tổng thống(!). Bà Kirchner gọi lời cáo buộc vô căn cứ của người Mỹ là “một thứ chính trị tồi”.

Sự việc tưởng chừng chẳng có gì để nói nếu như các công tố viên một tòa án liên bang khu vực Miami của Mỹ không đưa ra các cáo buộc vô căn cứ một cách thiếu trách nhiệm như trên.

Phát biểu trước báo chí tại dinh Tổng thống Argentina hôm 13/12, bà Kirchner nói: “Có những thứ chính trị rác rưởi đang làm kìm hãm sự phát triển và tính nghiêm túc của các mối quan hệ quốc tế”.

 Bà Kirchner nói thêm rằng, chính người Mỹ đã “chế biến” ra câu chuyện ly kỳ về vụ “cái vali tiền mặt” rồi mang nó “quẳng sang nhà người” (Argentina) để trả đũa cho việc bà duy trì mối quan hệ hữu nghị với Venezuela của Tổng thống Hugo Chavez.

Phản ứng gay gắt của bà Kirchner xuất phát từ lời cáo buộc của Văn phòng Chưởng lý liên bang Mỹ tại Miami rằng, vụ 5 người Mỹ bị bắt trong vụ scandal mang lậu hàng trăm ngàn USD tiền mặt vào Argentina xảy ra hồi tháng 8/2007 là “điệp viên” của Venezuela và mục đích cũng như nơi nhận số tiền nói trên là chiến dịch tranh cử của bà Cristina Kirchner.

Xin nhắc lại vụ việc xảy ra vào ngày 4/8/2007: Công dân Mỹ tên Guido Alejandro Antonini Wilson (New York Times biết người này có 2 quốc tịch Mỹ-Venezuela) sống tại bang Florida đã bị hải quan sân bay Buenos Aires bắt giữ khi y vừa xuống máy bay với vali lèn cứng 800.000 USD tiền mặt. Người này đến Buenos Aires trên chuyến bay từ Caracas, Venezuela.

Vụ việc đã không được xử lý đến nơi đến chốn, và Antonini chỉ bị trục xuất về Mỹ. Bẵng đi 4 tháng, ngày 12/12, Tòa án liên bang khu vực Miami bỗng ra quyết định truy tố và mở cuộc điều tra đối với 5 người, trong đó có Antonini, bị bắt tại Mỹ vì bị nghi ngờ “mang tiền của Chính phủ Venezuela vào Argentina để ủng hộ tranh cử bất hợp pháp”(!).

Tuyên bố của tòa án Miami đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ cả 2 nước ArgentinaVenezuela. Bộ trưởng Thông tin Venezuela William Lara và Bộ trưởng Tư pháp Argentina Anibal Fernandez đều gọi đấy là “trò tuyên truyền kiểu... Mỹ".

Kể từ khi các lãnh đạo cánh tả trong khu vực giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống để lên nắm quyền trong vài năm trở lại đây, Mỹ Latinh đã bắt đầu “rẽ phải”.

Và các lãnh đạo thiên tả này cũng bắt đầu phát triển các mối quan hệ đa dạng với Chủ tịch Fidel Castro và đất nước Cuba, trong đó, Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela được xem là người có quan hệ thân thiện nhất với Chủ tịch Fidel Castro.

Trong khi một số nước vẫn còn dè dặt về việc đặt quan hệ nhiều mặt với Cuba do e ngại chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, thì Venezuela là nước duy nhất trong khu vực dám đứng bên cạnh Cuba, và ông Hugo Chavez là vị lãnh đạo Mỹ Latinh duy nhất dám lên tiếng ủng hộ và bênh vực đường lối xã hội chủ nghĩa của Cuba.

Và cứ y như rằng, hễ quốc gia thiên tả nào trong khu vực tỏ vẻ thân thiện với Cuba và Venezuela, thì quốc gia đó thế nào cũng bị Mỹ tìm cách “phá”. Đã không ít lần Tổng thống Venezuela Chavez phải lên tiếng tố cáo những hành động can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của mình.

Hầu như các lần xảy ra sự cố (đảo chính, biểu tình chống đối đòi trưng cầu dân ý về tổng thống,...) do phe đối lập gây ra đều có đồng tiền và bàn tay đạo diễn của Washington.

Bà Fernandez de Kirchner đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Argentina diễn ra hôm 28/10, và đã chính thức nhậm chức vào ngày 10-12, trở thành nữ Tổng thống dân cử đầu tiên của Argentina.

Sự kiện bà Cristina lên làm Tổng thống Argentina thực ra đã được nhiều người dự báo từ cách nay một năm, khi đó bà Cristina là thượng nghị sĩ, còn phu quân bà là Tổng thống Nesto Kirchner. Vì thế, vợ chồng Kirchner từng được xem là “đôi uyên ương quyền lực” mạnh nhất, nổi tiếng nhất khu vực kể từ thời Tổng thống Juan Peron.

Giới phân tích cho rằng, người Mỹ đã hy vọng bà Cristina thay đổi đường lối thiên tả, thân Venezuela của ông Kirchner, và hy vọng tính “chân yếu tay mềm” của phụ nữ dễ bị chi phối, nhưng rốt cuộc điều họ hy vọng đã không xảy ra – bà Cristina không những tiếp tục đường lối thiên tả của phu quân mà còn tuyên bố một cách cứng cỏi ngay sau lễ nhậm chức rằng “Cristina là Cristina!".

Guido Antonini-kẻ bị bắt với 800 ngàn USD tiền mặt.

Tại Argentina, vụ việc đang đe dọa gây ra một cơn bão chính trị lớn. Các thế lực đối lập sẽ không bỏ qua cơ hội này để gây khó dễ cho bà, nhất là việc bới móc lại quá trình vận động tranh cử tổng thống vừa qua.

Không những thế, các nhà phân tích còn cho rằng, lời cáo buộc của Tòa án Mỹ đang gieo rắc mối nghi ngờ trong khu vực Mỹ Latinh về việc Chính phủ Venezuela đã bí mật dùng tiền ủng hộ các cuộc tranh cử tổng thống để tạo ảnh hưởng chính trị trong khu vực.

Tuy nhiên, thực tế cho đến nay đã chứng minh rằng các kế hoạch phá hoại của "thế lực đen" có thể gây khó khăn nhất định cho các lãnh đạo thiên tả nhưng không thể làm thay đổi được sự chọn lựa của công chúng trong khu vực.

Gần đây, các nước khu vực Mỹ Latinh đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, sự ra đời của Ngân hàng Phương Nam (Banco del Sur) mới đây không chỉ đánh dấu một bước đi xa hơn của Mỹ Latinh ra khỏi quỹ đạo của phương Tây trong vấn đề kinh tế, tài chính, mà còn là một biểu hiện của sự độc lập hơn về mặt chính trị trước các thế lực can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ - nước lâu nay vẫn nỗ lực tìm cách đưa Mỹ Latinh trở lại vị trí “sân sau” của mình nhưng không thành công

Văn Trương (tổng hợp)
.
.