Australia: Bế tắc chính trị sau bầu cử

Thứ Năm, 26/08/2010, 21:55
Australia đang đứng trước bế tắc chính trị sau khi kết quả bầu cử Hạ viện hôm 21/8 cho thấy không đảng nào ở vào thế đa số. Kết quả không dứt khoát kể trên khiến cho chính trường Australia mất ổn định và để có được đa số, một trong hai chính đảng lớn phải chiêu dụ được các dân biểu độc lập hay trong đảng Xanh. Giới phân tích nói rằng thành phần tân Chính phủ Australia sẽ không được quyết định, ít nhất là trong hơn một tuần nữa.

Hơn 14 triệu cử tri Australia ngày 21/8 đã đi bầu toàn bộ 150 ghế ở Hạ viện với nhiệm kỳ 3 năm và bầu lại 40 ghế trong tổng số 76 ghế của Thượng viện với nhiệm kỳ 6 năm (trừ 4 ghế dành cho Vùng lãnh thổ thủ đô và Vùng lãnh thổ phía Bắc có nhiệm kỳ 3 năm). Sau tổng tuyển cử, Chính phủ mới sẽ được thành lập dựa trên Hạ viện và người lãnh đạo của đảng nào chiếm được 76 ghế ở Hạ viện trở lên sẽ trở thành thủ tướng với nhiệm kỳ 3 năm. Đúng theo dự đoán của các nhà quan sát, kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Australia rất khít khao.

Theo Đài Truyền hình nhà nước ABC, cả hai đảng Lao động và Bảo thủ đều chỉ giành được 73 ghế dân biểu, thấp hơn con số 76 cần thiết để nắm đa số tại Hạ viện. Đây là một kết quả chưa từng thấy từ 70 năm nay tại Australia. Trước tình trạng này, đương kim Thủ tướng thuộc đảng Lao động, bà Julia Gillard, hôm 22/8 cho biết đã tiến hành các cuộc thương thảo bước đầu với 4n ứng cử viên độc lập và một nhà lập pháp của đảng Xanh về việc thành lập một chính phủ thiểu số, nhưng chưa đạt được một thỏa thuận nào.

Báo chí Australia ngày 22/8 đồng loạt đưa tin đảng Lao động đã bị thua trên hầu hết các mặt trận ở tất cả các tiểu bang. Điển hình là tại Queensland. Ở Australia, khi nói tới Queenslad ai cũng biết đó là nơi đã đưa ra một vị thủ tướng trong nhiệm kỳ vừa qua, đó là ông Kevin Rudd. Lần này người dân ở tiểu bang Queensland đều tẩy chay đảng Lao động một cách dữ dội bởi vì người dân ở Queensland tin rằng tân nữ Thủ tướng Julia Gillard là người đã “đâm sau lưng chiến sĩ” và là người đã đẩy ông Kevin Rudd, người thuộc tiểu bang Queensland, ra khỏi chính trường Australia. Chính vì vậy, đa phần cử tri Queensland đều bầu cho đảng Tự do hoặc các đảng nhỏ khác.

Ông Kevin Rudd trước đây được dân chúng ủng hộ rất cao trong suốt 2 năm đầu cầm quyền. Nhưng trong 6 tháng gần đây, dân chúng Australia hết ủng hộ Thủ tướng Kevin Rudd vì 3 lý do. Thứ nhất, là sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Copenhague, lập trường về biến đổi khí hậu của ông Kevin Rudd bị yếu hẳn về đối nội. Ông Kevin Rudd từng tuyên bố rằng vấn đề biến đổi khí hậu là thách đố đạo đức lớn nhất trong thế kỷ XXI, nhưng sau Hội nghị Copenhague, ông Rudd đã phải hủy bỏ chương trình của mình. Do đó người dân Australia coi ông là người không biết giữ lời hứa.

Thứ hai, liên quan tới vấn đề tạo lập lại ngân sách thặng dư, ông Kevin Rudd khi đó dự trù sẽ đề ra một luật mới đánh vào lợi nhuận cao của các công ty khai thác hầm mỏ. Điều này làm cho ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và công nhân Australia đồng loạt phản đối vì nếu luật trên được thực thi các công ty hầm mỏ của Australia sẽ di chuyển tư bản ra nước ngoài để không phải chịu thuế, khi đó công nhân hầm mỏ tại Australia sẽ mất việc.

Thứ ba, từ khi lên nắm quyền ông Kevin Rudd đã thay đổi chính sách về di trú, tị nạn và bảo vệ biên giới. Điều này đã làm cho cử tri ở ngoại thành các thành phố lớn lo sợ. Trước sự mất uy tín trầm trọng, lãnh đạo bảo thủ trong đảng Lao động đã âm mưu lật đổ ông Kevin Rudd và khi phát động phong trào này, họ đưa Phó thủ tướng khi đó là bà Julia Gillard ra ứng cử, và làm một cách rất chớp nhoáng. Chỉ trong 12 giờ đồng hồ, những lãnh đạo thiên hữu trong đảng Lao động đã "thanh toán" ngay ông Kevin Rudd. Thực sự thì ông Kevin Rudd bị mất chức chứ ông cũng không có cơ hội để từ chức.

Bên cạnh đó còn có những yếu tố phụ khác dẫn tới tình trạng Hạ viện treo như hiện nay, đó là trong suốt cuộc bầu cử vừa qua khi quảng cáo trên các đài truyền hình hoặc phát thanh, hai chính đảng hiện nay đều không cho thấy rõ được chính sách của mình một khi trúng cử. Trong tất cả 24 clip quảng cáo của mỗi bên đưa lên quảng cáo trên tivi thì có đến 19 clip đều dùng để bôi nhọ đảng đối lập của mình chứ không đưa ra một chính sách nào hữu hiệu. Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng chẳng có gì ngạc nhiên khi số người ủng hộ cho đảng Tự do hay đảng Lao động trước đây nay quay sang ủng hộ cho các đảng nhỏ khác, điển hình là cho đảng Xanh và những người thuộc các đảng độc lập.

Trong tình hình hiện nay, giới quan sát nhận định Chính phủ Australia đang trong tình trạng mất ổn định và không loại trừ khả năng, cử tri Australia sẽ phải đi bầu cử lại để chọn ra một đa số dứt khoát trong Hạ viện. Lãnh đạo đảng Xanh cho biết ủng hộ đảng Lao động để thành lập liên minh, tuy nhiên một số thành viên trong đảng Xanh lại tỏ vẻ phản đối một số chính sách của đảng Lao động. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Tự do, Tony Abbott, đang mồi chài các đảng viên độc lập nhằm thành lập một chính phủ thiểu số. Như vậy có thể thấy, hai chính đảng tại Australia lại đang lệ thuộc vào các đảng nhỏ. Các đảng này tuy chiếm số ghế không nhiều trong Hạ viện nhưng trước tình thế hiện nay họ lại trở thành những người quyết định vận mệnh của đất nước.

Theo các nhà phân tích thì đây là điều vô cùng nguy hiểm. Giả sử hôm nay đảng Lao động có thể liên minh với đảng Xanh, nhưng nếu ngày mai đảng Xanh không hài lòng với chính sách của đảng Lao động, họ quay ngược lại thế cờ để ủng hộ cho một đảng khác thì lúc đó Australia sẽ rơi vào tình trạng buộc phải giải tán Hạ viện và bầu cử lại. Đây là điều mà cho đến nay cả bà Thủ tướng Julia Gillard và lãnh đạo liên minh đối lập vẫn chưa biết phải ứng xử ra sao và kết quả cho đến giờ vẫn chưa có mà phải dời lại đến ngày 27/8 tới

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.