Ở Australia, thị trường truyền thông đông đúc thứ ba thế giới sau Ai Cập và Trung Quốc, nhưng News Corp vẫn nắm đến 58% thị phần cả báo in, truyền hình và báo điện tử (với ba cái tên quen thuộc là The Australian, Sky News và báo điện tử news.com.au). Chú “cá mập” News Corp đã mặc nhiên tung hoành như chốn không người, và đặc biệt là thường hay vượt qua ranh giới đưa tin tức để can thiệp vào chính trị nhằm phục vụ cho mục đích, lý tưởng của mình.
 |
Nhân viên đài ABC xuống đường phản đối việc cựu Thủ tướng Turnbull can thiệp việc sa thải nữ phóng viên Emma Alberici.
|
Không chỉ có cựu Thủ tướng Turnbull của đảng Tự do, các cựu Thủ tướng Kevin Rudd và Julia Gillard của Công đảng cũng từng bị dính đòn của News Corp. Ông Rudd là một trong số ít chính khách dám công khai nói thẳng về sự thao túng chính trị của News Corp. Ông Rudd kể, hồi còn tại nhiệm, ông đã nhiều lần cảnh báo, nhắc nhở các thành viên nội các chính phủ ông phải xem News Corp như một thế lực chính trị ở Australia và cần phải khống chế nó để tránh họa vào thân.
Thế nhưng nội các lúc đó, bao gồm cả bà Gillard (khi đó là Phó Thủ tướng), đã đồng loạt phản bác lại quan điểm của Rudd. Ngày nay không còn tham gia chính trị nữa, nhưng ông Rudd vẫn không ngừng theo dõi và gióng tiếng cảnh báo trên Twitter về sự nguy hiểm của News Corp đối với nền chính trị không chỉ riêng Australia mà nhiều nơi khác trên thế giới (nhất là Mỹ). Ông đặc biệt gọi tập đoàn này là “khối u của nền dân chủ” thế giới.
Ông Rudd nhìn thấy những màn thao túng chính trị đáng sợ của News Corp. Ông kể mình đã từng nghe nói đến việc News Corp đeo bám “bà đầm thép” Margaret Thatcher, rồi đến ông Tony Blair sau này.
Ở Australia, ông Rudd chứng kiến News Corp của Rupert “hành hạ” ông John Howard như thế nào khi nhận thấy ông này có khả năng thất bại trước một ngôi sao đang lên. Hiểu vấn đề và với ý tưởng “thuần hóa” con hổ News Corp, ngay trước kỳ bầu cử năm 2007, ông Rudd đã bay đến New York gặp Murdoch để “du thuyết” về một số việc hai bên cần hiểu nhau nhằm tạo sự hài hòa trong mọi hoạt động khi ông lên nắm quyền. Thời điểm đó, tình thế cho thấy Công đảng chắc chắn sẽ giành chiến thắng.
Chris Mitchell, một cựu Tổng biên tập tờ The Australian (thuộc News Corp) kể lại giai đoạn trước khi ông Rudd lên nắm quyền, cả hai có mối quan hệ cá nhân khá thân thiết. ông Rudd thường hay trao đổi, tham khảo ý kiến Mitchell về một số vấn đề về chính sách điều hành đất nước, cụ thể như chính sách về quan hệ lao động giữa giới chủ và công nhân… Ông Rudd ngỏ ý muốn tờ báo của Mitchell góp sức cho việc thay đổi chính sách theo ý muốn của mình, vì thế ông muốn Mitchell thuyết phục các cây bút bình luận của tờ báo nói tốt về chính sách do ông đề xuất.
Tuy nhiên, khi ông Rudd lên nắm quyền, mối quan hệ nồng ấm giữa ông với tờ báo đã nhanh chóng kết thúc. Vài tuần lễ đầu, ông Rudd đã phát hiện những dấu hiệu rạn nứt quan hệ. Mitchell bày ra chuyên mục phỏng vấn độc quyền trên số chủ nhật hàng tuần nhằm tạo ưu thế cạnh tranh với các tờ báo khác. Ông Rudd không mặn mà lắm với ý tưởng này, và ông đã từ chối tham gia. Điều này khiến Mitchell bực mình. Hai người vốn là bạn thân lâu năm, nhưng những rạn nứt trong công việc bắt đầu khiến họ dần xa nhau.
Mitchell đáp trả Rudd bằng hành động không tham gia diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh 2020 do ông Rudd chủ trì. Tiếp đến, mặc dù Thủ tướng Rudd ưu ái cho phép Mitchell được tham gia một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhưng sau đó Mitchell vẫn phao tin với các phóng viên của ông ta rằng ông Rudd “gây khó dễ” trong việc cấp phép phát hành tờ báo của ông ta.
Sự tan vỡ mối quan hệ giữa Rudd với News Corp có thể có nhiều nguyên do, nhưng vấn đề chính vẫn là việc ông Rudd đã dám chống lại ý muốn của “ông trùm” trong giai đoạn thế giới đang diễn ra cuộc hủng hoảng tài chính 2008-2009.
Như vậy là bắt đầu cơn “bão” những bài báo tiêu cực về Thủ tướng Rudd tràn ngập mặt báo, đan xen trong đó là những màn đấu khẩu về việc News Corp đưa tin “đúng sự thật” hay ”không đúng sự thật”. Chiếc ghế Thủ tướng của ông Rudd tồn tại chưa tròn 3 năm đã đổ và ông mất chức vào năm 2010. Người lên thay ông là bà Gillard, cấp phó của ông. Đến năm 2013, ông Rudd quay trở lại chiếc ghế Thủ tướng sau khi Gillard sụp đổ, tiếp tục là nạn nhân của truyền thông tương tự.
Thời điểm này, mối quan hệ giữa News Corp và Công đảng hầu như đã tan vỡ hoàn toàn. News Corp đã mở chiến dịch công khai nhắm vào Công đảng. Murdoch duy trì thế của “ông trùm” bằng những bài xã luận đăng trên các tờ nhật báo do ông ta làm chủ. Còn tổng biên tập các tờ báo lãnh nhiệm vụ trực tiếp “đánh” trong chiến dịch. Để đảm bảo chiến dịch được triển khai đúng ý đồ, Murdoch phái Tổng biên tập báo lá cải tin cẩn nhất của mình là Col Allan đến Sydney để tổng giám sát chiến dịch.
Kết thúc chiến dịch bầu cử năm 2013, Kevin Rudd một lần nữa bị News Corp đánh văng. Ông Tony Abbott của đảng Tự do (Liberal) giành chiến thắng vang dội, trở thành Thủ tướng mới của Australia.
An Châu (tổng hợp)