BRICS trên đường thành khối mạnh nhất thế giới

Thứ Hai, 03/04/2017, 18:15
Ý tưởng mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) bằng cách kết nạp những nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ... có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống do chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ để lại. Nếu có thêm “vây”, BRICS có thể đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong thế giới đang phát triển và cũng không ít rắc rối.

Thậm chí, BRICS có thể trở thành khối quan trọng nhất toàn cầu trong tương lai.

Chuyển từ đối trọng phương Tây sang “quyền lực hiệu quả”

Ý tưởng mở rộng BRICS đang dần trở thành hiện thực khi mà lần đầu tiên từ năm 2005, mục tiêu “Chống chính sách bảo hộ” bị xóa sổ trong thông cáo chung kết thúc cuộc họp trong 2 ngày 18-3 đến 19-3 của các bộ trưởng tài chính nhóm G20 tại Baden-Baden (Đức). Đây là một tín hiệu xấu cho thương mại toàn cầu.

Năm 2001, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Goldman Sachs Jim ONeil lần đầu tiên đưa ra khái niệm “BRIC” - gồm chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của các nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Đến năm 2009, nhóm này tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Nga, và tới năm 2010, BRIC đổi tên thành BRICS do có sự tham gia của Nam Phi.

Để tạo ra một thị trường rộng lớn trong một mối liên kết mạnh mẽ hơn, không phụ thuộc vào thị trường Mỹ, Trung Quốc đề xuất từ các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nay xem xét kết nạp các nước Pakistan, Bangladesh, Iran, Nigeria, Hàn Quốc, Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Việt Nam vào khối này.

Đài Sputnik dẫn phân tích quốc tế Adrián Zelaia, Tổng Giám đốc công ty tư vấn Ekai Center cho rằng, ý tưởng mở rộng Nhóm BRICS bằng cách kết nạp thêm những nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống do chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ để lại.

Tại Hội nghị BRICS mới tổ chức ở Trung Quốc năm 2017, Trung Quốc đã đề xuất BRICS mở rộng để có thêm các nước thành viên. Ảnh: China Daily.

Theo chuyên gia Zelaia, điều rất logic là cơ hội mở rộng BRICS đã xuất hiện trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, và điều đó có thể được xem như phản ứng về việc Mỹ từ bỏ chiến lược bá chủ thương mại. Ông nói Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đóng vai trò duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP đã tạo ra khoảng trống và BRICS có thể đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong thế giới đang phát triển.

Thời điểm hiện nay là hết sức quan trọng bởi vì sẽ có những thay đổi căn bản trong tư duy hợp tác, từ chỗ BRICS được xác định là “một biểu tượng của lực đối trọng phương Tây”, thì tình hình có thể thay đổi theo hướng “quyền lực hiệu quả” và nhóm BRICS có thể dẫn đầu trật tự kinh tế thế giới, chứ không chỉ làm lực đối trọng.

“Tung hoành” khắp các châu lục

Ông Zelaia nhận xét rằng nếu BRICS tăng đáng kể số lượng thành viên và tiếp tục quá trình này, thì ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa của nhóm sẽ tăng lên. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm BRICS mới đây, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tiêu Thiệp nhấn mạnh BRICS thường xuyên phối hợp thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực tài chính và có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong nhóm cũng như nền kinh tế thế giới, đồng thời góp phần cải thiện khả năng quản trị nền kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Tiêu Thiệp cho biết rằng trong những năm gần đây, BRICS đã có những thành tựu mang tính bước ngoặt, như thành lập Ngân hàng Phát triển mới BRICS và thỏa thuận Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung, là những nền tảng quan trọng giúp tăng cường và sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác tài chính giữa các nước BRICS.

Trong khi đó, bình luận về mô hình phát triển của BRICS mới, ông Zelaia nhấn mạnh rằng BRICS “phát triển theo mô hình cơ bản” vượt ra ngoài phạm vi thương mại. Nhiều quốc gia trong danh sách do Trung Quốc đề xuất đang tích cực phát triển quan hệ thương mại với nhau, do đó việc các nước đồng ý gia nhập BRICS sẽ không tác động mạnh đến nền tảng thương mại của họ. Ông nói mô hình phát triển BRICS bao gồm không chỉ các mối liên hệ thương mại mà còn cam kết đầu tư chiến lược trong tương lai.

Thêm một yếu tố hết sức quan trọng nữa là hầu hết các nước trong danh sách của Trung Quốc đề xuất đều có mối liên kết với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xuyên suốt lục địa Á-Âu. Cơ sở hạ tầng sẽ là “đòn bẩy” phát triển các nước. Vì theo triết lý truyền thống của Trung Quốc, những mất mát của một nước không nhất thiết mang lại lợi nhuận cho nước khác, điều quan trọng nhất là khuyến khích tất cả các bên đề xuất sáng kiến và tạo ra các dự án vì lợi ích chung.

BRICS mới sẽ viết nên lịch sử

Tạp chí Le Point của Pháp cho rằng: “Không như các nước G7, năm quốc gia là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã chứng tỏ là họ có năng lực hành động”. Không tính các nước mới do Trung Quốc đề xuất, riêng các nước trong nhóm BRICS có đặc điểm chung là dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh, chiếm 26% diện tích lãnh thổ toàn cầu và 42% dân số thế giới (khoảng 3 tỷ người). Đây cũng là các nền kinh tế đang nổi, có tiềm lực lớn, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao.

Trong hơn 10 năm qua, BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Năm 2000, 5 nền kinh tế này chỉ chiếm hơn 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nhưng chỉ 10 năm sau (năm 2010), con số này đã tăng thành 18% và đến nay, BRICS chiếm 28% GDP toàn cầu.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, tương đương 16.000 tỷ USD. Tổng dự trữ ngoại tệ của các nước BRICS lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 3/4. Nhóm BRICS đã trở thành đầu tàu, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính.

Không chỉ đơn thuần là một tập hợp của một số quốc gia, BRICS còn là sự hội tụ của các quốc gia mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Brazil mạnh về khai khoáng và nông nghiệp; Nga sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ; Ấn Độ duy trì lợi thế về công nghệ thông tin; Trung Quốc nổi tiếng với danh hiệu công xưởng của thế giới; và Nam Phi được xem là một trung tâm tài chính mạnh trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Các nguyên thủ quốc gia nhóm BRICS dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 tại Ấn Độ. Ảnh BTA.

Một khả năng tương tác mạnh mẽ nội khối như vậy đã và đang biến cơ chế từng bị nghi ngờ về sức mạnh khi mới ra đời trở thành một diễn đàn có tiếng nói ngày càng lớn bên cạnh những thể chế như G7 hay G20.

BRICS có một tầng lớp trung lưu khoảng 1,5 tỷ người, nắm 25% sản lượng thế giới và gần một nửa dự trữ ngoại tệ của hành tinh, đủ để các nước BRICS thúc đẩy tăng trưởng nhờ nhu cầu nội địa. Ở cấp độ vi mô, các công ty của khối BRICS cũng đang có những bước đột phá đáng kể, với những tên tuổi đang hoạt động trong các lĩnh vực của tương lai - bao gồm trong nền kinh tế kỹ thuật số với Baidu hay Alibaba có thể chiếm hơn 40% thị trường.

Các chuyên gia nhận định, nếu những nền kinh tế năng động và có số dân đông, thị trường lớn và trải dài khắp các châu lục như Việt Nam, Pakistan, Bangladesh, Iran, Nigeria, Hàn Quốc, Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, BRICS mới hoàn toàn có thể trở thành một đối trọng toàn cầu.

Cho dù Ngân hàng BRICS chưa thể sánh ngang hàng với các thiết chế tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng châu Âu, tuy nhiên, WB dự báo đến năm 2025, danh sách 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có sự thay đổi đáng kể, với thứ tự sắp xếp theo chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần lượt thuộc về Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia.

Trong khi đó, một báo cáo của IMF đưa ra năm 2014 nhận định tổng GDP toàn cầu đạt khoảng 100.000 tỷ USD, trong đó riêng 10 quốc gia hàng đầu thế giới đã chiếm tới 60% con số này và đại lục Á-Âu có tới 8 quốc gia nằm trong tốp 10 nói trên. Cụ thể, Trung Quốc 17.000 tỷ USD, Đức 6.000 tỷ USD, Nhật Bản 5.000 tỷ USD, Ấn Độ 4.000 tỷ USD, Nga 2.500 tỷ USD.

BRICS và cuộc “đọ sức” với phương Tây

Điều đáng chú ý là cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) dường như chưa chú ý đúng mức đến sự phát triển cả về chính trị và kinh tế của BRICS và SCO. Không chỉ chính giới mà ngay cả giới quan sát ở cả Washington lẫn Brussels đều chưa định vị được chính xác vị trí của cái được gọi là “tam giác chiến lược” Nga-Trung-Ấn trên bản đồ chính trị toàn cầu.

Theo đánh giá của LHQ, trong điều kiện phát triển thuận lợi, các nước thành viên BRICS và SCO trong vòng 30 năm tới hoàn toàn có khả năng thách thức khối G7 trên trường kinh tế và chính trị toàn cầu. Còn nếu có BRICS mở rộng, G7 rất có thể sẽ mất vị trí độc tôn.

Cuộc đọ sức mạnh mẽ giữa BRICS với các nước phương Tây trong 6 vấn đề lớn đã và đang âm thầm diễn ra. Đó là những cuộc đọ sức về tỷ giá hối đoái; đàm phán thương mại toàn cầu; cách xử lý mất cân bằng toàn cầu; tranh cãi về khí hậu và năng lượng... chính vì vậy, các nước BRICS luôn tăng cường hợp tác để chống lại các giá trị mà phương Tây áp đặt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, các nước BRICS đang đối mặt với việc nền kinh tế tăng trưởng thấp và việc nâng cao mức độ phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nếu các nước BRICS tăng cường lòng tin và đẩy mạnh hợp tác, thì sẽ vượt qua được những khó khăn và thách thức này.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đưa ra đề xuất 4 điểm nhằm thúc đẩy BRICS đóng một vai trò lớn hơn. Một là, các nước BRRICS cần phải hình thành một môi trường bên ngoài tốt hơn cho phát triển và cùng nhau cải thiện nền kinh tế toàn cầu. Hai là, các thành viên BRICS cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ, cùng nhau đối phó với thách thức. Ba là, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển và hợp tác quốc tế trên cơ sở cùng có lợi, hình thành một kiểu quan hệ đối tác toàn cầu mới. Bốn là, phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy, tối ưu hóa nền kinh tế và nâng cao mức độ phát triển trong dài hạn.

Ngoài ra các nước BRICS còn phải tăng cường liên lạc trong các vấn đề an ninh và chống khủng bố, đảm bảo cuộc sống yên bình cho người dân.

Phải vượt qua chính mình

Cho dù có những thuận lợi, nhưng trong những năm qua, BRICS gặp không ít khó khăn cả từ bên trong lẫn bên ngoài. BRICS đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản đối với tăng trưởng và phát triển.

Giới học giả cũng nhận thấy không ít khó khăn của BRICS. Thứ nhất, đây là một liên kết giữa các quốc gia thuộc các châu lục khác nhau, hầu như không có sự gần gũi về địa lý và mô hình phát triển. Thứ hai, trong một chỉnh thể có vẻ như thống nhất, từng quốc gia thành viên. Các nước lớn đều có mong muốn mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, cạnh tranh thu hút đầu tư, công nghệ của phương Tây và giành giật thị trường tiêu thụ hàng hóa của nhau.

Và cuối cùng, trước khi đến với những tham vọng chung là thiết lập lại một trật tự thế giới mới công bằng và bình đẳng hơn, dần xóa bỏ vị thế độc tôn của Mỹ, từng quốc gia thành viên của BRICS đều mong muốn trở thành thủ lĩnh cấp khu vực ở lục địa mà mình làm đại diện.

Nếu quan sát lịch sử xung đột giữa các nền văn minh, không thể loại trừ khả năng mối quan hệ liên châu lục ở BRICS lại không đi vào một thời kỳ nguội lạnh nào đó. Tuy nhiên, danh sách các ứng viên có thể dẫn đến căng thẳng giữa năm nước thành viên, vì thế BRICS cần rất cẩn thận khi xem xét vấn đề mở rộng, để không phá vỡ sự cân bằng.

Trong nội bộ các quốc gia khối BRICS, họ đang cố hiện đại hóa mô hình kinh tế và xã hội, còn giữa họ với nhau, ngày càng có thêm các dự án nhằm phá vỡ thế độc quyền vốn có của phương Tây. Sau khi hình thành một quỹ tiền tệ và ngân hàng phát triển mới, BRICS đã quyết định thành lập một cơ quan thẩm định độc lập, với mục tiêu là đánh vào thế độc quyền của 3 tập đoàn thẩm định khổng lồ của phương Tây.

Le Point cho rằng, khối BRICS là sáng kiến đầu tiên không đến từ phương Tây trong thời hậu Chiến tranh Lạnh, đang góp phần viết nên lịch sử của thế kỷ XXI.

Nguyễn Hòa
.
.