CATP HCM khởi tố bắt tạm giam Trung úy CSCĐ tấn công CSGT:

Bài học về sự buông lỏng ý thức kỷ luật

Thứ Hai, 08/08/2011, 15:23

Căn cứ trên mức độ vi phạm pháp luật, chiều 4/8, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Trần Đại Phúc về hành vi chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, Công an TP HCM và các đơn vị cũng đang khẩn trương tiếp tục xác minh làm rõ đối với các cán bộ chiến sĩ (CBCS) có liên quan đến vụ việc. Ai vi phạm đến đâu sẽ bị xử lý kỷ luật đến đó.

Vụ Trung úy CSCĐ Trần Đại Phúc dùng ống nước tấn công Thượng sĩ CSGT sau khi bị  dừng  xe, thổi phạt vì  vi phạm luật giao thông đã  làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân, làm xấu đi hình ảnh của Lực lượng Công an trong mắt nhân dân. Nó cũng là lời nhắc nhở khiêm khắc về thực hiện nghiêm lễ tiết, tác phong, cung cách - văn hóa  ứng xử của người chiến sĩ Công an  cả trong công tác lẫn trong sinh hoạt, tiếp xúc với nhân dân. Chính vì thế, dư luận đã rất quan tâm đến cách xử lý của lãnh đạo Công an  Tp HCM sau vụ việc.

Ngay từ  đầu, lãnh đạo Công an TP HCM đã đánh giá, đây là  một vụ bê bối không thể chấp nhận được và dứt khoát  phải được xử lý thật  nghiêm minh. Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành -  Giám đốc Công an TP HCM đã lập tức chỉ đạo các đơn vị Công an có liên  quan  điều tra  làm rõ ngay  vụ việc với quan điểm là tuyệt  đối không du di, không bao che, sai phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó. Ông nhấn mạnh: "Công an trước hết phải là một công dân, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo luật định, không có chuyện vì là công an thì bị xử nặng hơn hay được xử nhẹ hơn. Bên cạnh đó, những người là công an còn phải chịu kỷ luật của lực lượng, mức cao nhất là tước danh hiệu Công an nhân dân".

Sau khi  khẩn trương tiến hành xác minh làm rõ vụ việc, ngày 4/8/2011, Giám đốc Công an TP HCM đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân của Trần Đại Phúc. Đảng ủy và lãnh đạo đơn vị CSCĐ nơi Trần Đại Phúc công tác cũng  đã  ra quyết định khai trừ đối tượng ra khỏi Đảng. Ngay sau  đó, căn cứ trên mức độ vi phạm pháp luật, chiều 4/8, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Trần Đại Phúc về hành vi chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, Công an TP HCM và các đơn vị cũng đang khẩn trương tiếp tục xác minh làm rõ đối với các cán bộ chiến sĩ (CBCS) có liên quan  đến vụ việc.  Ai vi phạm  đến đâu  sẽ  bị xử lý kỷ luật đến  đó.

Cách  xử lý  khẩn trương, nghiêm minh, đúng người đúng tội của Công an TP HCM đã nhận  được sự đồng tình, đánh giá cao  của xã hội và dư luận. Nó thể hiện sự nghiêm túc, đúng mức trong việc quản lý và xử lý CBCS khi  có sai phạm  của lực lượng CAND, phù hợp với tinh thần, chủ trương của cuộc vận động "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".

Cũng  cần  nói rõ, quyết định kỷ luật của  BGĐ Công an TP HCM đối với chiến sĩ  sai phạm là do chính mức độ sai phạm của cá nhân trong vụ đáng phải chịu hình thức kỷ  luật và mức  độ xử lý của luật pháp một cách phù hợp. Nó thể hiện sự nghiêm túc, đúng mức trong việc  quản lý con người của Lực lượng Công an. Đó là việc cần  làm, phải làm, hoàn toàn không vì sức ép của dư luận hay bất kỳ vấn đề  nào khác.

Kỷ luật dành  cho một vài cá nhân, nhưng ảnh hưởng xấu của vụ việc thì vẫn chưa  chấm dứt và để lại nỗi buồn cho toàn lực lượng. Vụ việc  lẽ ra  sẽ không trở  nên quá nghiêm trọng như thế, nếu tất  cả các cá nhân  có liên quan - đều  là CBCS công an -  biết kiềm chế, đúng mực hơn trong việc ứng xử  với nhân dân  và với  đồng đội. Là một sĩ quan Công an, lẽ ra Trần Đại Phúc  phải luôn ý thức về việc chấp hành nghiêm quy định của luật pháp. Nhưng chủ quan, coi nhẹ vấn đề, anh ta  đã không làm như vậy. Vì đi mua bánh mì cách  nhà không xa, Phúc đã không  đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy  tham gia giao thông, không nghĩ đến hậu quả tai hại của việc thiếu tôn trọng luật lệ giao thông.

Vụ việc cũng sẽ ít nghiêm trọng và ầm ĩ hơn, nếu Thượng sĩ CSGT Văn Thành Luân dừng xe của người phạm lỗi khi tham gia giao thông với đúng quy định về tác phong, điều lệnh. Việc anh này dùng gậy điều khiển giao thông đập lên vai Trần Đại Phúc  để yêu cầu dừng xe, xử lý đã tạo nên sự bức xúc, dẫn đến vụ va chạm. Cách "bày tỏ sự bất  bình" bằng cách rút ống nước tấn công CSGT khi  bị dừng xe của Trần Đại Phúc đã khiến mức độ nghiêm trọng của vụ việc  trở nên không còn kiểm soát được, tạo  một  hình ảnh xấu trong mắt người qua đường, trong mắt  nhân dân và toàn xã hội. Càng nghiêm trọng hơn, bởi cả hai cá nhân trong vụ xô xát đều là Công an. Khi  lao vào nhau, họ đã hoàn toàn quên câu "Đối với  đồng nghiệp phải thân ái giúp đỡ', một trong những điều mà lẽ ra họ tuyệt đối không được phép quên.

Đối với  cá nhân CBCS vi phạm, kỷ luật  đã được công bố, sai phạm rồi sẽ được xử lý. Nhưng đối với đơn vị chủ quản  của  họ và toàn lực lượng  Công an thì  sẽ còn rất nhiều việc phải  làm. Chính Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP HCM, người ký quyết định kỷ luật đối  với Trần Đại Phúc cũng  đã khẳng định: "Cuộc vận động "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" cần phải làm thường xuyên, liên tục, đi sâu vào từng cán bộ chiến sĩ".

Mặt khác, sau vụ việc, thực tế cũng đã phản ánh rất rõ ràng: mọi hành  vi, tác phong, cách ứng xử của CBCS công an đều luôn được đặt dưới sự giám sát của người  dân, của  các cơ quan tổ chức. Mọi sự lơ là, thiếu sót dẫn đến hành vi  vi phạm của CBCS công an, trước hay sau  cũng bị phát hiện và phản ánh. Đó  sẽ là một trong những cơ sở để Lực lượng Công an tiếp thu và  chấn chỉnh đội ngũ

Dù đau xót  và đáng tiếc nhưng Công an TP HCM đã nghiêm túc trong việc lắng nghe dư luận và chấn chỉnh đội ngũ một  cách kịp thời, quyết liệt

PV ANTG
.
.