“Bài toán trắc nghiệm” về sự đoàn kết của ASEAN

Thứ Tư, 27/07/2016, 15:15
Sau 3 ngày nhóm họp tại Lào, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN cuối cùng cũng đã ra được Thông cáo chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh tại Biển Đông mặc dù trước đó đã có nhiều đồn đoán cho rằng hội nghị này sẽ thất bại.

Tuyên bố chung ngày 25-7 của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) diễn ra tại thủ đô Vientiane của Lào bày tỏ hết sức quan ngại về những diễn biến gần đây cũng như hiện nay tại Biển Đông. Mặc dù không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng tuyên bố ghi nhận những quan ngại của một số bộ trưởng về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực, điều đang gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.

Tuyên bố tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua khu vực trên Biển Đông bằng cách không quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm việc thay đổi hiện trạng mà có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng...

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh trong phiên khai mạc hội nghị hẹp các bộ trưởng ASEAN tại Vientiane, Lào.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Tuyên bố chung này không hề nhắc đến quan điểm của ASEAN đối với phán quyết của Tòa Thường trực Trọng tài quốc tế về “vụ kiện đường lưỡi bò” giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.

Hội nghị AMM-49 là cuộc họp mặt đầu tiên của ASEAN sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye ra tuyên bố bác bỏ những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông - nổi bật là đường lưỡi bò 9 đoạn ôm trọn hải lộ chiến lược trung chuyển lượng thương mại toàn cầu trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm.

Trong phiên họp của AMM-49, những bất đồng giữa các quốc gia thành viên, chủ yếu là giữa Philippines, Việt Nam - 2 nước có tuyên bố chủ quyền và lên tiếng mạnh mẽ nhất, và Campuchia - nước có quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc, theo như nguồn tin của Kyodo từ các nhà ngoại giao có thông tin trực tiếp về những thảo luận kín trong cuộc họp tại Vientiane.

Theo các nhà ngoại giao, Campuchia đã yêu cầu các nước thành viên không nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài chống lại Trung Quốc trong Tuyên bố chung. Do đó trong thông cáo chung ra ngày 25-7, các ngoại trưởng ASEAN đã tránh không đưa ra những chỉ trích gay gắt về tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông và không đề cập tới Bắc Kinh.

Về phần Manila, theo đánh giá của một nhà ngoại giao được hãng tin Mỹ Bloomberg ghi nhận, Philippines đã chấp nhận lập trường chung được đưa ra tại Vientiane, tránh để rạn nứt trong nội bộ ASEAN.

Trả lời hãng tin Bloomberg ngày 25-7, một chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á Ian Storey, Viện Nghiên cứu ISEAS của Singapore không ngạc nhiên về thái độ rụt rè của ASEAN. Sau khi Tòa Trọng tài bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với gần hết Biển Đông, Manila mong đợi Hiệp hội Các nước Đông Nam Á tại Vientiane (Lào), bày tỏ lập trường ủng hộ những nỗ lực ngoại giao và pháp lý để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Chuyên gia Tang Siew Mun thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore mạnh mẽ chỉ trích thái độ của Campuchia khi cho rằng động thái của nước này ngăn cản việc đưa tranh chấp Biển Đông vào bản Tuyên bố chung sẽ làm rạn nứt tính đoàn kết của ASEAN.

Điều nguy hiểm nằm ở chỗ Phnôm Pênh không nhìn thấy tầm mức nghiêm trọng của vấn đề và cũng không có ý thức về mặt chiến lược của quyết định này. Thái độ của Campuchia đe dọa đến tương lai của ASEAN và qua đó là cả một mảng quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á với nước láng giềng sát cạnh là Trung Quốc, từ các lĩnh vực kinh tế đến thương mại, chiến lược quân sự.

Theo chuyên gia Tang Siew Mun, Campuchia cần hiểu rằng, Phnôm Pênh là một thành viên của ASEAN và phải xác định vị trí của mình là đứng ở bên trong hay bên ngoài hiệp hội này. Nếu đã là thành viên thì Campuchia phải tỏ thái độ liên đới với các nước còn lại của ASEAN, tránh gây thêm đổ vỡ trong cùng một gia đình. Điều nguy hiểm thứ hai, là Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng đó không chỉ dừng lại ở Campuchia.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và một thành viên đoàn Campuchia tại Hội nghị ASEAN ở Vientiane, Lào ngày 25-7.

Một số thành viên khác cũng đã coi cuộc họp vừa qua là “một bài toán trắc nghiệm” về sự đoàn kết của của ASEAN. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Indonesia trong thông cáo trên mạng, quan niệm thể hiện đoàn kết chặt chẽ trong nội bộ ASEAN là điều hết sức cần thiết để thực hiện những mục tiêu chung của cả khối, và đây sẽ là đòn bẩy cho khu vực.

Bình luận về việc phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế hoàn toàn không được nhắc tới trong Tuyên bố chung, John Blaxland, một chuyên viên cao cấp và chuyên gia về an ninh của Trường Đại học Quốc gia Australia nói rằng, cuộc họp không chỉ là một phép thử cho ASEAN mà còn cho cả Trung Quốc. Chuyên gia này đưa ra nhận định: các phương diện chính trị, kinh tế và xã hội của ASEAN sẽ tiếp tục nhưng trong một thế yếu hơn. Ông cho rằng tương lai của khối này hiện đang đứng trước rủi ro bởi các mối quan hệ giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ngày càng trở nên mong manh hơn và tình thế ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Ông Blaxland giải thích thêm rằng, trong khi các vấn đề về hàng hải ít được Lào và Campuchia chú ý, thì các thành viên khác của hiệp hội như Việt Nam và Philippines lại có thể tìm cách tăng cường những tuyên bố hàng hải của họ thông qua các mối quan hệ mật thiết với Mỹ và các cường quốc có cùng quan điểm như Nhật, Australia và Ấn Độ.

Trung Quốc đã thể hiện được ảnh hưởng đối với khối ASEAN khi làm cho Tuyên bố chung này biểu lộ sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề ủng hộ “hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và tự chủ” về vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các đối tác của khối ASEAN đã nhất trí như vậy trong Tuyên bố chung của hội nghị lần thứ 49 của khối.

Cuối cùng, theo các nhà phân tích, mặc dù có được tuyên bố về Biển Đông song hội nghị ASEAN lần này tại Vientiane có thể coi là thất bại và có lẽ đã đến lúc ASEAN cần nhanh chóng thay đổi luật chơi trong nội bộ, tránh để một quốc gia có thể dùng quyền phủ quyết, buộc cả khối Đông Nam Á phải nghe theo. Vấn đề đặt ra là liệu quốc gia nào trong số 10 thành viên ASEAN có đủ nghị lực để áp đặt những quy tắc mới.

Chuyên gia Jean-Raphael Chaponniere thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) từng nhận định rằng: ASEAN trong thời gian qua vẫn chưa thể xây dựng được một lập trường thống nhất trong vấn đề Biển Đông, một phần do sức ép của Trung Quốc, một phần cũng do chưa có một văn bản pháp lý quốc tế chính thức nào có đủ sức nặng mà các quốc gia Đông Nam Á có thể dựa vào để đưa ra một quan điểm nhất quán. Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể sẽ là một điểm tựa vững chắc để ASEAN củng cố tính đoàn kết chống lại sức ép từ Bắc Kinh.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.