Bán đảo Triều Tiên: Thắp lại hy vọng đàm phán

Thứ Ba, 09/08/2011, 14:35

Hai cuộc gặp bên lề Hội nghị An ninh khu vực ASEAN (ARF) tại Bali, Indonesia đã khơi mào cho một hy vọng về những chuyển biển sắp tới trên bán đảo Triều Tiên. Hai miền Triều Tiên sẽ "tái họp", trong khi Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cũng sẽ đến Washington trong một ngày gần đây để bàn về khả năng nối lại đàm phán 6 bên.

Một trong những cuộc gặp đáng chú ý nhất của phái đoàn CHDCND Triều Tiên bên lề Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) tại Bali, Indonesia, là cuộc nói chuyện trực tiếp tay đôi giữa Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Young-ho và Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Wi Sung-lac diễn ra hôm thứ Sáu 22/7/2011. Đó là một cuộc nói chuyện được Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Wi Sung-lac mô tả là "xây dựng và bổ ích". Sau cuộc nói chuyện, Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Yong-ho thông báo với báo chí rằng, 2 bên đã đồng ý "thúc đẩy tiến trình tái khởi động đàm phán 6 bên càng sớm càng tốt".

Tuyên bố nêu trên đã thắp lại tia hy vọng về việc tái khởi động đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các vòng đàm phán đã bị đổ vỡ vào năm 2008 sau khi phái đoàn CHDCND Triều Tiên bỏ ra khỏi phòng họp vì bị Mỹ và các đồng minh chỉ trích xung quanh các vụ thử tên lửa tầm xa. Kể từ đó, quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên liên tục leo thang căng thẳng với việc CHDCND Triều Tiên bị nghi thử đầu đạn hạt nhân lần thứ 2 và nhất là vụ chìm tàu khu trục Cheonan của Hàn Quốc vào tháng 3/2010 mà phía Hàn Quốc đổ lỗi cho CHDCND Triều Tiên mặc dù không có bằng chứng xác thực. Thêm hàng loạt hành động khiêu khích của Hàn Quốc, như việc lắp đặt lại hệ thống loa phát thanh công suất lớn dọc giới tuyến vùng Phi quân sự (DMZ). Tháng 11/2010, lại xảy ra cuộc đấu pháo trên đảo Yeonpyeong làm chết 4 người Hàn Quốc.

Bán đảo Triều Tiên đã từng cận kề bờ vực chiến tranh sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tuyên bố trả đũa mạnh tay "kẻ gây hấn" ở miền Bắc. Đáng chú ý hơn, ngay trước khi xảy ra cuộc đấu pháo, Bình Nhưỡng đã mời Giáo sư người Mỹ Siegfried Hecker (Đại học Stanford) đến tham quan một cơ sở làm giàu uranium mới. Tất cả những động thái liên tục này đã khiến cho Hàn Quốc có vẻ bị mất phương hướng. Và căng thẳng đã được giải tỏa nhanh chóng sau khi Trung Quốc đưa ra đề xuất mới để nối lại đàm phán 6 bên nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Trưởng phái đoàn đàm phán CHDCND Triều Tiên Kim Kye-gwan vào thượng tuần tháng 4/2011.

Cũng cần nhắc lại về kết quả chuyến làm khách tại Bắc Kinh của ông Kim Kye-gwan. Theo báo chí Hàn Quốc, phía Trung Quốc đã đưa ra đề xuất trọn gói cho tiến trình tái khởi động đàm phán 6 bên, bao gồm 3 bước đàm phán: bước một, hai miền Triều Triên sẽ ngồi lại với nhau trong một cuộc họp song phương liên Triều; bước hai là cuộc họp song phương Mỹ - Triều; và bước ba là mở lại hội nghị 6 bên bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, 2 miền Triều Tiên và Nhật Bản.

Theo giới quan sát, có thể xem cuộc gặp giữa thứ trưởng ngoại giao 2 miền Triều Tiên tại Bali hôm 22/7 vừa qua là một động thái thực thi gói đề xuất nêu trên của Trung Quốc. Bước thứ hai trong gói đề xuất là một cuộc họp Mỹ - Triều tại Washington cũng đang được chuẩn bị và sẽ diễn ra trong thời gian tới sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra lời mời đối với Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan (hôm 25/7, ông Ri Yong-ho đã được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân CHDCND Triều Tiên thay ông Kim, do đó ông Ri sẽ là người đi Washington). Sau cuộc họp ở Washington sẽ là hội nghị 6 bên.

Việc 2 miền Triều Tiên có những động thái hướng đến việc tái khởi động đàm phán 6 bên đã tạo nên một hy vọng cứu vãn cho hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Á đang ngày càng trở nên bất ổn do việc Trung Quốc liên tiếp tạo nên những tranh chấp căng thẳng trên các vùng lãnh hải của nhiều nước trong khu vực.

Tuy nhiên, hiện hãy còn sớm để hy vọng quá nhiều vào một chuyển biến mang tính đột phá trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới. Về nguyên tắc, việc cải thiện quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên được đặt lên điều kiện hàng đầu để tạo nền tảng cho đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiêu đạt được thành công. Muốn có được điều kiện này, người ta mong chờ 2 nước Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ lại phải thực hiện những bước đi xây dựng niềm tin trước khi bước vào đối thoại chính thức để tạo ra bước đột phá đáng kể trong giải quyết những bất đồng.

Thái độ ứng xử của Hàn Quốc cũng đóng vai trò quan trọng để quyết định đàm phán 6 bên có thật sự tái khởi động hay không. Phía CHDCND Triều Tiên đã tạo ra một bước đi tích cực đối với đề xuất nối lại đàm phán. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc lại tiếp tục đòi hỏi CHDCND Triều Tiên "xin lỗi" vì vụ chìm tàu Cheonan và vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong - điều mà Bình Nhưỡng kiên quyết bác bỏ. Nếu cứ tiếp tục đòi hỏi "ngoài lề" như thế này trong khi lại muốn Bình Nhưỡng "nghiêm túc" trong thiện chí trở lại đàm phán e rằng thật khó mà thuyết phục CHDCND Triều Tiên, chứng tỏ Mỹ và Hàn Quốc vẫn muốn áp đặt "luật chơi" một chiều và buộc CHDCND Triều Tiên phải "theo" mình, như vậy lại càng không thể đạt được mục tiêu giải quyết vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một cách ổn thỏa

An Châu (tổng hợp)
.
.