Bán đảo Triều Tiên ngột ngạt không khí chiến tranh

Chủ Nhật, 07/04/2013, 08:05

Liên tiếp những lời tuyên bố "thách thức" được đưa ra từ CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc à Mỹ; vũ khí đạn dược, thao ược quân sự dồn dập đang khiến bán đảo Triều Tiên nóng ực không khí chiến tranh. Liệu chiến tranh sẽ xảy ra bằng cách này hay cách khác?

Nếu theo dõi thời sự quốc tế thời gian khoảng 4 tháng trở lại đây hẳn ai cũng cảm nhận được bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Thực ra thì quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực từ lâu vốn luôn căng thẳng. Tuy nhiên đợt "phun trào" lần này bắt nguồn từ các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng hồi tháng 12/2012 và 2/2013 và được “kích thích” bởi các biện pháp cấm vận mới của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm vào CHDCND Triều Tiên sau đó.

Từ đó đến nay, tình hình căng thẳng mỗi lúc một gia tăng và đặc biệt đang ở đỉnh điểm (tạm tính đến thời điểm này vì về sau không biết điều tồi tệ có xảy ra không) sau khi Mỹ và Hàn Quốc kiên quyết tổ chức cuộc tập trận quân sự quy mô lớn kéo dài đến cuối tháng 4 này mới chấm dứt. Trong vài tuần qua, Bình Nhưỡng đã tuyên bố vô hiệu hóa Hiệp định đình chiến năm 1953, đe dọa thực hiện một vụ tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nhắm vào lục địa và các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương, cắt đứt hai đường dây nóng với Hàn Quốc, tuyên bố tình trạng chiến tranh và cho biết sẽ tiếp tục tiến hành thử tên lửa trong tháng 4 này.

Hôm 1/4, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ nới rộng kho vũ khí hạt nhân. Tại cuộc họp Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã đặt ra điều được gọi là "lằn ranh chiến lược mới" và tuyên bố rằng: Trong bất kỳ tình huống nào, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng không trở thành một lá bài mặc cả trong lĩnh vực chính trị hoặc kinh tế.

Đây là những phản ứng kịch liệt của CHDCND Triều Tiên đối với những cuộc thao dượt quân sự chung hàng năm giữa Hàn Quốc và Mỹ. Những cuộc thao dượt này bao gồm sự phô trương về sức mạnh trên không của Mỹ, với những phi vụ tầm xa của các loại oanh tạc cơ chiến lược B-52 và B-2. Hôm 31/3, hai chiếc máy bay chiến đấu F-22A Raptor của không quân Mỹ đã bay từ đảo Okinawa của Nhật đến Căn cứ Không quân Osan ở Hàn Quốc. Những chiến đấu cơ tàng hình này đang tham gia cuộc thao dượt "Tiểu ưng" (Foal Eagle) kéo dài cho đến cuối tháng 4. Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc trong tháng này cũng sẽ thực hiện 4 cuộc diễn tập với Thủy quân Lục chiến Mỹ, bao gồm những cuộc thao dượt về đổ bộ và điều động các đơn vị cơ giới.

Sự leo thang căng thẳng từ hai phía đang đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu rằng sẽ có chiến tranh thật xảy ra và khi đó điều gì sẽ xảy đến? Phía Hàn Quốc và Mỹ coi những tuyên bố của CHDCND Triều Tiên ở mức độ nào? Hay vì sao Triều Tiên lần này lại làm căng đến vậy?...

Nếu xét theo chiều dài thời gian, thì đây không phải là lần đầu tiên, CHDCND Triều Tiên đưa ra những tuyên bố như hiện nay. Người ta thậm chí còn cho rằng đây là một thói quen của Bình Nhưỡng. Chỉ có điều những lần này khác hẳn với bức thông điệp của họ kêu gọi một sự hòa giải như hồi đầu tháng 1/2013.

Theo giới quan sát, CHDCND Triều Tiên lúc thì thể hiện ý muốn mở cửa, lúc lại kiên quyết và đe dọa, song cũng không nên coi đó là dấu hiệu của một chính quyền không kiểm soát được mình. Bằng cách đe dọa Mỹ để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ và tỏ thái độ cứng rắn với Hàn Quốc, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un muốn thể hiện rằng, sự im lặng của ông ngay lập tức sẽ bị hiểu là một dấu hiệu suy yếu. Như vậy có thể thấy, hiện nay Bình Nhưỡng vẫn hoàn toàn làm chủ được hành động của mình.

Chiến đấu cơ tàng hình F- 22 Raptor của Mỹ vừa được triển khai tới Hàn Quốc ngày 1/4.

Dù CHDCND Triều Tiên đe dọa rất nhiều, nhưng phần đông giới quan sát đều cho rằng họ thực sự ít có khả năng tấn công vào nước Mỹ bởi vì để làm được điều đó, CHDCND Triều Tiên phải có tên lửa đạn đạo tầm xa. Bình Nhưỡng khẳng định là họ "không khó" để làm được như thế, nhưng trên thực tế chưa có một loại tên lửa nào như thế của họ được thử nghiệm.

Như vậy, một lời tuyên chiến sẽ là tự sát. Tuy nhiên, mọi chiến lược của Bình Nhưỡng đều dựa vào nghệ thuật thương lượng và sự mặc cả. Để làm được như vậy, Bình Nhưỡng phải gây sức ép với các đối phương và gia tăng những mối đe dọa để lái cuộc thương lượng có lợi cho mình. Dù có khiến phương Tây vô cùng bực tức, nhưng cho đến bây giờ, chiến lược này vẫn tỏ ra có hiệu quả: Chính quyền Bình Nhưỡng vẫn đứng vững và mỗi một cuộc khủng hoảng quan trọng đều dẫn đến các cuộc thương lượng dựa trên cơ sở do CHDCND Triều Tiên áp đặt. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận xét rằng: Đây là một chiến lược cực kỳ nguy hiểm bởi vì chỉ với một sai lầm, dù là rất nhỏ, cũng đồng nghĩa với sự tiêu vong.

Song, nếu người ta lãnh đạo một đất nước bị cách biệt với thế giới bên ngoài như CHDCND Triều Tiên thì liệu có còn giải pháp nào khác không? Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế bằng cách đưa ra những lời đe dọa đối với Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ có điều mới là lần này, Bình Nhưỡng có vẻ "cứng" hơn trước đây rất nhiều.

Theo giới phân tích, đó là nhờ vào hai thành tựu công nghệ - quân sự vừa qua: vụ thử hạt nhân ngày 12/2/2013 và vụ thử tên lửa tháng 12/2012. Hai vụ thử này được xem như những kỳ tích và được coi là bằng chứng về một bí quyết công nghệ nào đó, mang lại cho Triều Tiên những lý lẽ mạnh mẽ hơn. Qua đó, Bình Nhưỡng cảm thấy tự tin hơn trong việc thách thức kẻ thù.

Binh sĩ CHDCND Triều Tiên thề sẽ trả đũa bất kỳ hành động quân sự nào của Hàn Quốc và Mỹ.

Về việc Triều Tiên chấm dứt Hiệp định đình chiến với Hàn Quốc, trước hết cần phải nhắc lại rằng mặc dù có hiệp định này, song hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1950. Hiệp định đình chiến chưa bao giờ dẫn đến một hiệp ước hòa bình, và hiến pháp của hai nước về mặt lãnh thổ là vẫn bao hàm toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Về một mặt nào đó, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vẫn chưa chấm dứt, và vì thế, đương nhiên hai nước này chưa hề có mối quan hệ hòa bình.

Ngoài ra, các cuộc tấn công chống Hàn Quốc không phải gần đây mới xuất hiện, mà nó đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử của bán đảo Triều Tiên từ một nửa thế kỷ nay. Và như người ta đã thấy, năm 2010 là thời điểm đặc biệt gay gắt. Nếu nổ ra một cuộc tấn công mới, chắc chắn cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ bị mất tất cả vì Seoul cách khu phi quân sự chỉ 40km và sẽ phải hứng chịu tên lửa của CHDCND Triều Tiên, còn Triều Tiên cũng sẽ chịu hậu quả tương tự.

Người ta cũng không loại trừ khả năng là khi muốn đóng tập hồ sơ Triều Tiên lại, rất có thể là Mỹ hoặc một nước nào khác sẽ tiến hành cuộc tấn công phòng ngừa nhằm vào CHDCND Triều Tiên, nhưng dường như khả năng ấy rất ít xảy ra bởi nếu như vậy, đây sẽ là một sai lầm mang tính chiến lược. Nếu như vậy, khi đó, đương nhiên Triều Tiên sẽ giáng trả bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo nhằm vào Mỹ. Ngoài ra, Bình Nhưỡng sẽ dùng vũ khí thông thường để tấn công giáng trả Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận của Mỹ, và khi ấy, giải pháp tấn công phòng ngừa sẽ làm bùng nổ tình hình với những hậu quả khôn lường.

Cũng có khá nhiều nhận định cho rằng dù đưa ra nhiều lời đe dọa, nhưng lãnh đạo Triều Tiên không thể gây chiến với nước láng giềng Hàn Quốc, bởi tương quan lực lượng hiện không có lợi cho Triều Tiên. Hàn Quốc có một quân đội hiện đại hơn, được trang bị đầy đủ hơn, lại được Mỹ ủng hộ, cộng thêm sức mạnh của 28.000 quân Mỹ đang đóng tại bán đảo Triều Tiên và quân Mỹ đóng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu chiến tranh xảy ra, vấn đề duy nhất đối với Hàn Quốc là những hậu quả của một cuộc chiến tranh như thế sẽ là vô cùng thảm khốc.

Không khí ngột ngạt trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới và không ai có thể dự báo chính xác điều gì sẽ xảy ra. Thế giới đang theo dõi rất sát những diễn biến tại khu vực Đông Bắc Á đầy nguy cơ xung đột này

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.