Châu Âu: Báo động một phong trào cực đoan mới

Thứ Hai, 19/01/2015, 18:10
Xuất hiện tại Dresden (Đức) từ tháng 10/2014 dưới hình thức một cuộc tuần hành và với vẻn vẻn 500 người tham gia, tới nay, sau chưa đầy bốn tháng, phong trào cực đoan “Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hóa phương Tây” (Pegida) đã lôi kéo được khoảng gần 50.000 người.

Tổ chức này từng chỉ trích đạo Hồi, bài xích người tị nạn, đồng thời cáo buộc chính giới Đức làm phai mờ nền văn hóa có nền tảng Cơ Đốc giáo của Đức bằng chính sách đa văn hóa. Nguy hiểm hơn, Pegida đang có xu hướng vươn vòi bạch tuộc sang các nước khác trong khu vực châu Âu và Tây Ban Nha là địa chỉ đầu tiên.

Trong thông báo ngày 14/1, Pegida cho biết đã mở chi nhánh ở xứ sở bò tót. Tài khoản Twitter của nhóm cực đoan này đang theo dõi các tài khoản của một số nhóm cực hữu ở Tây Ban Nha, trong đó có Falange, đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa từng là nền tảng tư tưởng cho chế độ độc tài của trùm phát xít Francisco Franco từ năm 1939-1975.

Sau khi tuyên bố thành lập, Pegida Tây Ban Nha tuyên bố sẽ tổ chức biểu tình với sự tham gia của các thành viên Pegida ở Đức, nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể. Ban đầu, Pegida Tây Ban Nha dự định tổ chức cuộc biểu tình đầu tiên vào ngày 12/1 vừa qua ở thủ đô Madrid nhưng không được giới chức địa phương cho phép.
Phong trào Pegida tổ chức tuần hành ở nhiều thành phố của Đức. Ảnh: DPA.

Theo các chuyên gia, lý do mà Pegida chọn Tây Ban Nha là điểm đến đầu tiên có lẽ là vì, theo thống kê của Liên đoàn các cộng đồng Hồi giáo Tây Ban Nha, nước này có khoảng 1.000 thánh đường, nhiều trung tâm văn hóa Hồi giáo, nhà nguyện và khoảng 2 triệu người Hồi giáo trong tổng số 47 triệu dân. Nếu thành công ở Tây Ban Nha, Pegida có thể vươn xa hơn nữa.

Một lý do khác nữa là, tại Đức, phong trào dường như không còn đất dụng võ. Thủ tướng Đức Angela Merkel và dư luận xã hội Đức đã nhiều lần chỉ trích các nhà lãnh đạo Pegida có tư tưởng định kiến và hận thù sắc tộc.

Phát biểu trước khi tới tham dự lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris, Thủ tướng Merkel khẳng định: Nước Đức không chấp nhận chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa cực đoan hay chủ nghĩa bài ngoại.

Trước đó, trong thông điệp Giáng sinh của mình, Thủ tướng Merkel đã khuyên các công dân Đức là không nên đi theo phong trào này. Đối với bà, phong trào đó chỉ là hận thù và bà cũng đề cập đến khẩu hiệu “Wir sind das Volk” (Chúng tôi là nhân dân) mà các thành viên phong trào Pegida hô vang. Đây là một khẩu hiệu đã được sử dụng trong cuộc cách mạng hòa bình ở Đông Đức vào năm 1989.

Theo bà Merkel, không ai có quyền sử dụng các khẩu hiệu đó nếu mục tiêu là nhằm loại bỏ một người nào đó vì tôn giáo hoặc màu da.

Tối 12/1, tại thành phố Munich, miền Nam nước Đức, dưới khẩu hiệu “Munich đa sắc màu”, khoảng 20.000 đã tuần hành trên các đường phố để bày tỏ mong ước về một xã hội thanh bình, nơi chung sống hòa thuận, bình đẳng không phân biệt tôn giáo, văn hóa và màu da.
Tuần hành tại thành phố Cologne phản đối phong trào Pegida ở Ðức. Ảnh: DPA.

Tham gia vào cuộc tuần hành này, Thị trưởng Munich, ông Dieter Reiter nhấn mạnh, người dân thành phố này cực lực phản đối mọi hình thức bạo lực, phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Tương tự, tại thành phố Leipzig thuộc bang Sachsen, lần đầu tiên khoảng 30.000 người đã tuần hành lên án chủ nghĩa cực đoan, nạn bài người Hồi giáo của Pegida.

Tại Dresden, quê hương của Pegida, cũng có khoảng 25.000 nghìn người xuống đường bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Pháp sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu vừa qua tại Paris. Trong khi đó tại Berlin, hàng nghìn người dân cũng đã có mặt tại khu vực Cổng thành Brandenburg cũng như khu vực trước Đại sứ quán Pháp để bày tỏ sự phản đối chủ nghĩa cực đoan cũng như lên án phong trào chống người Hồi giáo ở Đức.

Giải mã phong trào Pegida, theo các chuyên gia, đây là một phong trào tương đối mới và chưa có công trình nghiên cứu xã hội học nào về nó. Phong trào này, có sự tham gia của thành phần tân phát xít cực đoan, thuộc cánh cực hữu, đang càng lúc càng thu hút thành phần thất nghiệp, giới sinh viên và những người hưu trí, vì ban lãnh đạo cũng như các thành viên của Pegida luôn tỏ thái độ không bằng lòng với chính sách nhập cư của Chính phủ Đức, và lo sợ trước tình trạng người tị nạn tăng cao ở nước này.

Về quy mô hoạt động của Pegida, do phát sinh từ Dresden nên Pegida có vẻ là mạnh hơn ở phía Đông nước Đức, nhất là tại vùng Sachsen. Liên quan tới khả năng ra tranh cử của Pegida, cũng phải ghi nhận sự kiện phong trào này xích lại gần đảng chống châu Âu Alternative für Deutschland (Giải pháp thay thế cho nước Đức), vốn có các quan điểm gần như tương tự với phong trào Pegida.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy là 10% dân chúng Đức sẵn sàng bỏ phiếu cho một đảng nào đó muốn chiến đấu chống lại xu thế Hồi giáo hóa. Điều đó không có nghĩa là các đề tài họ khai thác sẽ gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử sắp tới vì các đảng chính trị sẽ phải xác định lập trường đối với phong trào này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.