Báo nước ngoài ca ngợi Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Thứ Năm, 16/04/2020, 10:58
Trong bài đăng mới đây mang tựa đề “Sự giúp đỡ làm nổi bật quan hệ Việt Nam - EU thời COVID-19”, tờ The Diplomat khẳng định việc Việt Nam quyên góp 550.000 chiếc khẩu trang hỗ trợ các nước châu Âu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã nêu bật chính sách ngoại giao rộng mở và cách tiếp cận đa phương của Việt Nam.

Việt Nam sẵn lòng giúp đỡ các nước khác trên cơ sở song phương và đa phương trong khả năng tốt nhất của mình, đồng thời vẫn cảnh giác đối phó với thách thức COVID-19 ngay trong nước khi chưa để xảy ra ca tử vong nào.

Ấn tượng nhờ chủ động, nhất quán

Tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) uy tín của Anh cho hay, khi hầu hết 96 triệu dân Việt Nam đang chào đón tết Nguyên đán 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại một cuộc họp của Chính phủ tuyên chiến với Coronavirus chủng mới. Căn bệnh khi đó đang hoành hành ở Trung Quốc và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo sẽ sớm đến Việt Nam. Nhà lãnh đạo cho rằng, chiến đấu với dịch bệnh như với kẻ thù. Kể từ đó, Việt Nam đã chứng minh mô hình hiệu quả trong việc ngăn chặn căn bệnh này ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng quyết tâm cao của lãnh đạo.

Thay vì bắt tay vào thử nghiệm hàng loạt loại thuốc, vốn là phản ứng mấu chốt của các nước giàu có như Hàn Quốc đối với dịch bệnh, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly những người nhiễm bệnh và theo dõi các mối liên hệ thứ hai và thứ ba. Ngoài đẩy mạnh truy dấu vết của những người bị nhiễm bệnh, các biện pháp còn bao gồm kiểm dịch bắt buộc và kêu gọi các sinh viên y khoa, các bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu tham gia chống dịch.

Bài đăng ca ngợi Việt Nam của tờ The Diplomat.

“Việt Nam là một xã hội đoàn kết”, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra nói. Theo giáo sư Carl Thayer, đây là quốc gia có lực lượng an ninh lớn, quân đội tiên phong và có một chính phủ từ trên xuống rất giỏi trong việc ứng phó với thiên tai.

Phản ứng của Việt Nam trước đại dịch rất ấn tượng. Chính phủ đã dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vào ngày 1-2 và các trường học ở hai thành phố lớn nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và hầu hết các tỉnh khác được thông báo sẽ đóng cửa sau tết. Ngày 13-2, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc phong tỏa một khu dân cư rộng lớn. Chính quyền đã áp dụng kiểm dịch 21 ngày tại một phần của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có hơn 10.000 người sinh sống, sau khi các trường hợp được phát hiện trở về từ Vũ Hán.

Thời điểm nước láng giềng Thái Lan đang bị chỉ trích vì phản ứng ngớ ngẩn với Coronavirus và Myanmar - nơi tuyên bố không mắc bệnh cho đến khi báo cáo 2 trường hợp đầu tiên mới đây - phản ứng của Việt Nam đã được các quan chức y tế khen ngợi. Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội, đã ca ngợi Việt Nam vì sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình phản ứng. Tuy nhiên, thành công của Việt Nam nhờ phối hợp chặt chẽ giữa nhân viên y tế và quân sự, những người giám sát và xâm nhập, cùng mạng lưới cung cấp thông tin nhà nước - những biện pháp này Mỹ và châu Âu khó làm được.

Một cuộc khảo sát gần đây của Nielsen Vietnam, công ty nghiên cứu thị trường, cho thấy phần lớn số người được hỏi là những người có nhận thức cao về các triệu chứng COVID-19. Các nỗ lực của chính phủ để chống lại COVID-19 đã thu hút được sự ủng hộ của mọi người, được đánh giá qua các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, cổ vũ các nhân viên y tế và một thông điệp lan truyền mạnh được sử dụng: “Ở nhà là yêu nước!”. Ngoài ra, những ai tuyên truyền sai về COVID-19 bị nhắc nhở, xử phạt

Luôn sẵn sàng cho các tình huống

Trang liberationnews.org của Mỹ vừa có bài viết nhận định Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia điển hình về cách ứng phó chủ động với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo bài viết, là nước láng giềng tiếp giáp với Trung Quốc - tâm dịch đầu tiên của virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã “có màn thể hiện ngoạn mục” trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch.

Bài viết nêu rõ thành tích chống dịch của Việt Nam đã được quốc tế, trong đó có WHO và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ghi nhận vì mô hình phòng chống dịch bệnh toàn diện, chi phí thấp. Bài viết dẫn lời đại diện WHO tại Việt Nam, tiến sĩ Ki Dong Park đánh giá Chính phủ Việt Nam đã “luôn chủ động và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống”.

Bài viết lưu ý, ngày 1-2, khi Việt Nam ghi nhận trường hợp thứ sáu dương tính với virus SARS-CoV-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phân loại đây là bệnh truyền nhiễm loại A có thể lây truyền rất nhanh và lan truyền rộng với tỷ lệ tử vong cao. Chính phủ Việt Nam cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quốc gia để đẩy nhanh phản ứng trước đại dịch. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã nhanh chóng giới thiệu ứng dụng để người dân khai báo tình trạng sức khỏe và cập nhật thông tin về dịch bệnh...

Bài viết nêu rõ để đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng, Việt Nam đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 111,55 triệu USD, bao gồm các chi phí cho người lao động trong khu cách ly hoặc đang phục hồi sau khi mắc bệnh. Theo bài viết, Việt Nam có mật độ dân cư đông đúc và người dân có nguy cơ cao tiếp xúc với mầm bệnh.

Điều này đòi hỏi một hệ thống y tế công cộng đủ mạnh để kịp thời ứng phó với những thách thức mới nổi và nhanh chóng phổ biến thông tin. Nhờ hệ thống y tế tập trung vào sự an toàn và sức khỏe của người dân, Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Năm 2003, WHO từng tuyên bố Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngăn chặn thành công dịch SARS.

Bài viết còn đề cập tinh thần hợp tác của người dân Việt Nam bắt nguồn từ một hệ thống xã hội nhấn mạnh vào nỗ lực tập thể và sự thống nhất của các quyết sách. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi mọi doanh nghiệp, mọi người dân, mọi khu dân cư phải là một pháo đài ngăn chặn dịch bệnh. Lời hiệu triệu này đã khơi dậy ý thức dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam.

Nguyễn Hoàng - A.N.
.
.