Dự thảo của Bộ Công an về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ:

Bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật

Thứ Tư, 20/03/2013, 18:20

Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Phản biện xã hội luôn luôn là cần thiết, song cũng cần phải khẳng định một cách rõ ràng rằng tính nghiêm minh của pháp luật phải được bảo toàn. PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học & Xã hội Việt Nam bày tỏ quan điểm.

- Với tư cách là Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, PGS. TS có thể chia sẻ mối quan tâm của mình với bạn đọc Chuyên đề ANTG như thế nào?

- Tôi cũng có theo dõi vấn đề những ngày qua. Theo tôi hiểu là bây giờ chúng ta đang xem xét đến việc nới rộng biên độ những tình huống để cho nhà chức trách được phép nổ súng trong một số trường hợp cụ thể. Đúng là một câu chuyện có nhiều khía cạnh để bình luận.

Thứ nhất là hiện nay, mọi người có băn khoăn về xu hướng lạm quyền. Rồi lạm quyền nảy sinh trong tình huống thời gian gần đây người ta lo ngại hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát, ở đâu đó, chỗ nào đó có những hành xử còn vấn đề này khác… Tôi cho rằng là báo chí đang làm tốt việc phản biện ấy. Nhưng cũng đừng cường điệu hóa quá lên!

Chẳng hạn như khi bàn về một tình huống đôi co, đưa ra ví dụ về cái cô gái tát vào mặt chiến sĩ cảnh sát giao thông với cách đặt vấn đề rằng nếu trong trường hợp bị đe dọa như thế mà nổ súng thì sao? Hoặc đưa ra tình huống cũng không đúng mức để mà bàn về việc lo ngại nhân viên công lực lạm quyền… Thì ở đây nhân thể tôi phải nói rằng nhân viên công lực có lạm quyền hay không phụ thuộc vào bản lĩnh của từng trường hợp cụ thể. Rõ ràng việc lạm quyền ấy không có xuất phát điểm từ một cái quy định chung nào cả. Chúng ta quy định một cách hiểu chung, nhưng mỗi cá nhân có thể là tiếp cận theo cách không giống nhau. Nôm na là, hiểu mà không nhuyễn về phạm vi hành xử trong quyền lực của mình sẽ quyết định kết quả ứng đối, hệ quả tương tác giữa nhân viên thi hành công vụ với đối tượng.

Thế rồi mọi người lại bàn đến rằng cho nổ súng thì phải nổ súng vào đâu để ngăn chặn thôi chứ không phải là nhằm tiêu diệt đối tượng? Tôi cho là điều này mọi người bàn quá sâu. Đấy là câu chuyện của lĩnh vực nghiệp vụ rồi, chứ không phải là của giới truyền thông nữa. Đương nhiên là trong khuôn khổ những quy chế, điều lệnh, trong khuôn khổ cho phép thì chắc chắn sẽ không bao giờ bảo là bắn để tiêu diệt cả. Câu chuyện lại đi đến việc bây giờ cũng có người tiếp cận với hình ảnh người thi hành công vụ bị bôi đen, theo nghĩa tiêu cực nên cường điệu lên rằng họ thực hiện hành vi tiêu cực xong rồi tiêu diệt đối tác để… "diệt khẩu" (cười)?

Nếu cứ bình luận theo hướng đấy thì tôi cho là kể cả trong khuôn khổ cũ cũng là vô cùng chứ không phải là chờ đến tận dự thảo này được chính thức hay không! Cho nên là nếu chúng ta quá nhấn mạnh vào xu hướng có nảy sinh tiêu cực, nảy sinh các tình huống thiếu kiểm soát, không kiềm chế, "đánh bùn sang ao" của việc gia tăng thêm các tình huống được phép nổ súng của các nhân viên công vụ, công lực khi thực hiện nhiệm vụ thì tôi nghĩ rằng là chúng ta đang bàn quá sâu, quá chi tiết và thực ra là đã quá thổi mạnh điều đó (khả năng lạm quyền - PV).

Hành vi chống người thi hành công vụ phải bị nghiêm trị. Ảnh: Internet.

- Vậy thì theo ông, vấn đề nào sẽ là mấu chốt trong câu chuyện này?

- Chúng ta phải bàn đến nhiều cái khác nữa. Tạm chưa bàn đến sự bình đẳng, công bằng của người thi hành công vụ khi mà họ không được phép trấn áp ở mức độ mạnh với đối tượng trong nhiều trường hợp lẽ ra phải thế để tránh đáng tiếc xảy ra, và nó xảy ra rồi đấy! Rõ ràng đấy là một sự bất công và cần phải lấy lại công bằng ở đó. Chừng nào trong xã hội, cộng đồng chúng ta chưa nhìn nhận những nhân viên công vụ ấy như là tượng trưng cho quyền uy, tượng trưng cho luật pháp thì vẫn còn chuyện khinh nhờn.

Tôi lấy ví dụ, ở một số nước, một người cảnh sát oai vệ trên đường làm nhiệm vụ, họ đi lừng lững giữa đường và mọi người nhìn thấy: Đấy là công lý! Còn chúng ta thì sao? Có lẽ điều ấy thuộc về định kiến của xã hội chăng? Một mặt, có phải nhân viên công vụ của chúng ta chưa đạt đến tầm, mà cũng có thể chưa đạt đến tầm thật? Đấy là một chuyện. Nhưng còn một bình diện khác, đó là pháp luật đã ủy quyền cho họ, giao cho họ đứng vào chỗ đấy. Ở đây câu chuyện không thể cứ "chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo đen…" được.

Thế nên trong một bức tranh như vậy, chúng ta mới chứng kiến gần đây, nhiều trường hợp nhà chức trách, nhân viên thi hành công vụ bị đặt vào trong tình huống dở khóc dở cười; hoặc là thua thiệt, hoặc là bị trấn áp ngược, bị thương hoặc bị đám đông cuồng nộ xua đẩy mà không được phép sử dụng biện pháp trấn áp tương xứng dẫn đến sự việc bị nhìn nhận một cách méo mó, có khi còn bị hiểu sai hoặc trả giá quá đắt.

Ở đây báo chí nói nhiều về chuyện trả lại cho họ sự công bằng. Nhưng đấy là khi ta đặt vấn đề nhân viên công vụ ở thế ngang bằng với những người dân trong cộng đồng. Còn khi người ta thi hành nhiệm vụ là người ta có những điều khoản đặc biệt riêng. Mình không ủng hộ việc sử dụng súng bừa bãi, nhưng rõ ràng là phải có biện pháp cứng rắn nhất định trong khuôn khổ luật pháp để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Hành vi chống người thi hành công vụ phải bị nghiêm trị. Ảnh: Minh Trí.

- Có vẻ như câu chuyện tranh luận những ngày qua đang đi chệch hướng về vấn đề lo ngại sự lạm quyền đối với nhân viên công vụ cụ thể mà quên mất rằng dù là ai, khi được trao quyền nổ súng tức là họ đại diện cho pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự đại diện ấy?

- Đúng! Hiện nay đúng là người ta vẫn đang lẫn vấn đề cá nhân cụ thể với người được pháp luật giao thi hành công vụ. Họ hiện thân. Còn có thể cá nhân đó có méo mó thì tự thân họ phải trả giá, thậm chí là cả bằng tính mạng, trước pháp luật. Theo tôi thấy là cái độ nhiễm cảm, cái ý thức luật pháp của "thần dân" chúng ta chưa chuẩn. Chúng ta có nhiều tầng giám sát, phát huy đi. Còn chừng nào chúng ta còn chưa nhìn nhân viên công vụ là tượng trưng cho pháp luật, cho công lý thì cái sự bàn này còn mông lung lắm.

Giờ là lúc chúng ta phải lấy lại kỷ cương. Nhờn luật lâu dần trở thành quen, kỷ cương vì thế mà sa sút. Công bằng mà nói, kể cả với một xã hội có tổ chức chặt chẽ đến đâu thì cũng không phải là không còn vi phạm. Ở đâu cũng có người thế này, thế khác và tội phạm thì ở đâu cũng giống nhau. Nhưng rõ ràng nếu sự nghiêm minh phát huy đúng vai trò, người ta sẽ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Đúng là trong quá trình xây dựng một đạo luật, bộ luật cụ thể, mọi người đều có quyền bàn. Nhưng mà có những điều đã đúng rồi, lại cứ vẫn lôi ra để bàn, rồi mổ xẻ theo ý kiến chủ quan thì thật là không phải…

- Có nghĩa rằng chúng ta có thể bàn về câu chữ, chỗ nào chưa chuẩn, chỗ nào cần phải chi tiết thêm… chứ không phải về việc được hay không được nữa. Vậy nên có điều kiện gì kèm theo không, như một cách để giảm bớt những băn khoăn vẫn còn, thưa ông?

- Tôi ủng hộ cho chuyện gia tăng trường hợp được nổ súng. Rất có thể trong tương lai mình lại rút bớt điều khoản, những chương, những mục, những tình huống nào đó không còn phù hợp, nếu tình hình tốt lên. Chứ còn bây giờ, nếu không gia tăng những tình huống đấy (được nổ súng -  PV) thì để tội phạm, yếu tố mất an toàn trật tự, cái xấu tiến công thế này là không được đâu. Trong bối cảnh hiện nay, khi tội phạm gia tăng, khi mà tình trạng chống đối người thi hành công vụ diễn ra một cách phổ biến và ào ạt như măng ngàn gặp mưa xuân, như nấm mọc sau mưa thế này, thì dứt khoát là phải có biện pháp mạnh.

Vấn đề là nguồn nhân lực của đội ngũ được giao nhiệm vụ ấy cũng phải được củng cố. Củng cố theo nghĩa cả về thể chất, kể cả về trí lực, kể cả về nhận thức. Đã đại diện cho pháp luật thì không được dễ dãi… Một khi đã được giao trọng trách thì phải thực sự là hiện thân cho ý chí của pháp luật. Đòi hỏi ấy, theo tôi phải coi là nguyên tắc.

Nhưng cũng không phải rằng chưa đạt được điều đó thì chúng ta không làm thì cũng không phải. Hai chuyện đó là khác nhau. Giống như câu chuyện của ngành tòa án. Nói là số lượng các vụ án không được xử nhiều quá vì là tòa không đủ người để làm, không đủ tòa để làm, thế rồi là tòa án cấp huyện không có năng lực để làm… Nhưng mà vẫn phải phân cấp. Chứ còn nếu như bảo các tòa cấp huyện yếu thế, không giao nhiệm vụ thì lại "loạn". Đấy, câu chuyện này cũng vậy. Nó phải công bằng cho phía thi hành công vụ.

Nhân thể cũng nói luôn, người mình nhiều khi hay bị tâm lý đám đông. Nhân viên thi hành công vụ, trong nhiều trường hợp không cần phải giải thích. Mà thực ra là họ không nên giải thích. Vì sao? Bởi vì không phải nhân viên công vụ nào cũng là các nhà biện thuyết hùng hồn cả. Thứ nữa là không phải mọi dích dắc, trước một vấn đề mà đưa ra sự viện dẫn điều khoản nào đó của những điều luật cụ thể mà có thể diễn giải cho người khác nghe mà đồng thuận được.

Tính từ năm 2002 đến tháng 6/2012, cả nước xảy ra 8.531 vụ việc chống người thi hành công vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm. Trong đó số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 vụ với 11.131 đối tượng.

Còn qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, từ năm 2000 đến tháng 8/2012, hành vi chống người thi hành công vụ đã làm 43 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh; 2.218 cán bộ, chiến sĩ công an khác bị thương. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, toàn quốc xảy ra 422 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 33,5%.

Ở những thời điểm như vậy, không có thời gian mà giải thích. Chúng ta quá câu nệ chuyện đó. Cảnh sát nhà mình lắm khi cũng… cuống! Xã hội chúng ta xây dựng được các bộ mã - những quy ước, những chuẩn mực - thì cũng giống như là cứ "rách áo ăn tiền thôi". Cứ giơ cái thước đo lên, giơ cái kính lên… có thế nào nhìn vào gương nó phản chiếu lại y nguyên thế, thì giải thích làm gì nữa!

- Ông có thấy dường như đang có một chiều hướng gia tăng sự thiếu thiện cảm dành cho lực lượng thi hành công vụ, bởi hơn ai hết đây là lực lượng thường xuyên phải va chạm với nhiều tầng lớp trong xã hội. Trong khi đó, nhiều khi phản hồi lại không nằm ở bản chất vấn đề…

- Tôi đồng ý rằng nếu đi bắt giữ người, hoặc một số việc cụ thể nữa thì phải có sự tham gia đủ các thành phần cộng đồng. Bởi như đã nói, giám sát tốt thì sẽ tránh được lạm dụng. Thế nhưng nên nhớ về bản chất vấn đề lẽ ra phải nhìn nhận nhà chức trách ở bình diện khác. Mọi người đang quá nghiệt ngã với lĩnh vực này… Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, có lẽ do một vài hình ảnh tiêu cực ở đâu đó, cũng không phải là ít đâu. Và rồi giới truyền thông nhảy vào, bị xã hội người ta tung hứng. Khi hình ảnh đáng ra phải sáng ấy bị bôi đen sẽ có tác hại lắm lắm đến tình hình xã hội. Phải để yên cho người ta làm việc chứ!

Trong câu chuyện này còn ẩn chứa một vấn đề nữa, đó là về ý thức luật pháp của xã hội trên cơ sở chúng ta đang hướng tới xây dựng một nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, đây không phải là bài toán của riêng lực lượng Công an. Một khi tính nghiêm minh của pháp luật bị thách đố, thì cần thiết có giải pháp mạnh. Chứ còn ai đó sẽ to mồm nói rằng thế quyền con người ở đâu? Nên nhớ rằng, vào lúc ấy, chính họ (người vi phạm - PV) cũng có cư xử như một công dân chân chính nữa đâu?

- Xin cảm ơn ông!

Việt Ba (thực hiện)
.
.