Bất ổn mới trên chính trường Thái Lan

Thứ Tư, 11/06/2008, 17:00
Tình hình chính trị tại Thái Lan vẫn căng thẳng sau khi những người ủng hộ phe đối lập tập trung biểu tình hôm 1/6/2008 tại trung tâm thủ đô Bangkok. Việc này diễn ra sau tuyên bố "làm lành" của Thủ tướng Samak Sundaravej tối 31/5/2008 - bãi bỏ việc sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình mà ông đã đưa ra trước đó. Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn tái khẳng định sẽ tiếp tục sửa đổi bản Hiến pháp năm 2007.

Từ những cuộc biểu tình kéo dài...

Mặc dù mới nhậm chức được 100 ngày, nhưng Thủ tướng Samak Sundaravej phải đối mặt với không ít khó khăn. Thứ nhất, biểu tình liên tiếp xảy ra. Làn sóng biểu tình do phe đối lập Thái Lan tổ chức đang làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại nước này. Ông Thaksin Shinawatra khuyến cáo, chính phủ cần hết sức thận trọng trong việc xử lý các cuộc biểu tình để tránh có thể dẫn tới một vụ đảo chính khác.

Giới bình luận cho rằng, do lo ngại những cuộc biểu tình có nguy cơ ngày càng lan rộng nên Thủ tướng Samak Sundaravej đã đưa ra tuyên bố cứng rắn như điều thêm 2.000 cảnh sát cùng với đầy đủ phương tiện dẹp bạo loạn đến khu vực biểu tình tại cầu Makawan Rangsa ở trung tâm thủ đô Bangkok.

Được biết, cuộc biểu tình do Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) lãnh đạo đã bắt đầu được tiến  hành từ hôm 25/5/2008 để phản đối việc sửa đổi Hiến pháp và đòi giải tán chính phủ.

Có lẽ nhận thức được mối nguy hiểm từ lời cảnh báo của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nên Thủ tướng Samak Sundaravej đã lập tức rút lại lời đe dọa dùng vũ lực giải tán những cuộc biểu tình và tuần hành tiếp theo. Tuyên bố này được Thủ tướng Samak Sundaravej đưa ra bài phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia hôm 1/6. Theo đó cảnh sát ngừng mọi hành động giải tán người biểu tình.

Thứ hai, tin đồn về đảo chính. Tư lệnh tối cao quân đội, tướng Boonsang Niempradit xác nhận, họ đã nhận được lệnh sử dụng lực lượng để giải tán đám đông nếu cảnh sát không thể kiểm soát được tình hình. Ông Boonsang Niempradit cũng thừa nhận, không thể đảm bảo quân đội sẽ không tiến hành một cuộc đảo chính khác.

Trước đó (26/5), Tư lệnh lục quân Anupong Paochinda cũng đã bày tỏ lo ngại trước những diễn biến đang xảy ra trong những cuộc biểu tình mới đây. Lãnh đạo PAD Chamlong Srimuang tuyên bố, nếu cảnh sát hành động, họ cũng có quyền tự vệ. Về phần mình, một số người biểu tình đã đội mũ bảo hiểm, đeo mặt nạ khi tham gia cuộc biểu tình hôm 31/5, một hành động được coi là để tự bảo vệ trong trường hợp bị cảnh sát “thẳng tay trừng trị”.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Suan Dusit thuộc Đại học Rajabhat mới công bố (29/5), người dân ở thủ đô Bangkok bắt đầu cảm thấy lo ngại về khả năng xảy ra đối đầu và bạo lực sau khi PAD phát động chiến dịch biểu tình rầm rộ kể từ hôm 25/5 đến nay.

Thứ ba, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp bị hủy bỏ. Ngay sau khi 40 nghị sĩ rút lui, ngày 30/5, bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp từng được trình lên Chủ tịch Quốc hội đã bị hủy bởi theo quy định phải có ít nhất 126 nghị sĩ ủng hộ việc này mới hợp pháp. Đây được coi là thất bại của Thủ tướng Samak Sundaravej bởi ông là người đứng đầu đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), cơ quan khởi xướng vấn đề này.

...Đến những nguy cơ bất ổn

Tình hình căng thẳng hiện nay đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Thái Lan. Nhà kinh tế Amara Sripayak cảnh báo, bất ổn trên chính trường có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại. Được biết, thị trường chứng khoán Thái Lan liên tục sụt giảm sau các cuộc biểu tình rầm rộ vừa qua.

Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Thái Lan cho biết, mặc dù kinh tế Thái Lan đang tăng trưởng do xuất khẩu, nhưng nếu xảy ra bất ổn sẽ ảnh hưởng  đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm nay mà chính phủ đề ra.

Dư luận đặc biệt quan tâm tới tuyên bố “quân đội có thể tiến hành đảo chính” của Tư lệnh quân đội Boonsang Niempradit hôm 29/5 bởi ngay sau đó Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng (Chánh văn phòng) Jakrapob Penkair đã phải từ chức vì bị cáo buộc xúc phạm Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Được biết, quân đội từng viện lý do này để tiến hành đảo chính.

Điều đáng nói, ông Jakrapob Penkair từng là phát ngôn viên của cựu Thủ tướng và thường lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính hồi tháng 9/2006, cũng như luôn bảo vệ ông Thaksin Shinawatra trong suốt thời gian qua.

Theo giới phân tích, chính trường Thái Lan đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sau khi PPP đưa ra kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, cùng tin đồn về một cuộc đảo chính quân sự. Sự ra đi của ông Jakrapob Penkair không đồng nghĩa với việc phe đối lập kết thúc chiến dịch chỉ trích chính phủ do PPP lãnh đạo.

Trong khi những cuộc biểu tình do PAD phát động vẫn đang diễn ra thì Ủy ban Thẩm tra tài sản (AEC) cũng đạt được sự nhất trí trong việc xử lý số tài sản của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Theo đó, ông Thaksin Shinawatra sẽ bị truy tố và số tài sản trị giá 76 tỉ baht (khoảng 2,4 tỉ USD) sẽ bị phong tỏa và sung công.

Dự kiến, AEC sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để chuyển sang Văn phòng Tổng chưởng lý và gửi lên Tòa án theo trình tự tố tụng để sớm đưa vụ này ra xét xử. AEC cho rằng, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã giàu lên một cách bất bình thường và lạm dụng quyền lực để che giấu số tài sản trong Tập đoàn Shin Corp.

Về phần mình, ông Thaksin Shinawatra tiếp tục tuyên bố đứng ngoài chính trường - chỉ tập trung vào việc chống lại những cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cựu Thủ tướng có thể không trực tiếp tham chính thời kỳ đầu bởi còn bận củng cố “chân đế” sau 2 năm xa rời chính trường và ông Thaksin Shinawatra sẽ “tái xuất giang hồ” khi thời cơ chín muồi

Nguyễn Thị Lân (Tổng hợp)
.
.