Bầu cử Lebanon: Đụng độ giữa phe ủng hộ với phe chống Syria

Thứ Năm, 16/06/2005, 07:26

Cuộc bầu cử quan trọng đặc biệt trong lịch sử Lebanon đang được tổ chức. Ở khu vực Beirut, phe Saad Hariri (con của cựu Thủ tướng Rafik Hariri bị ám sát ngày 14/2/2005) thắng thế nhưng ở cuộc bầu cử tiếp theo ngày 5/6 tại Nam Lebanon, cán cân nghiêng về phe Hezbollah (thân Syria).

Tiến trình cuộc bầu cử đi theo 4 giai đoạn: ngày 29/5, vòng bầu cử đầu tiên được tổ chức tại Beirut; ngày 5/6 tại Nam Lebanon; ngày 12/6 tại thung lũng Beirut và Núi Lebanon; và ngày 19/6, khu vực Bắc Lebanon sẽ đi bầu.  

Đây là lá phiếu Quốc hội mang tính lịch sử của Lebanon, được thực hiện lần đầu tiên kể từ năm 1975 trong bối cảnh không có sự can thiệp của Syria. Lá phiếu này nói lên điều gì? Nó cho biết cụ thể chính kiến của người Lebanon, rằng dứt khoát “đoạn tình” Syria hay là không thể.

Ở một nước bị phủ bởi quá khứ nội chiến và là nơi có 18 hệ tôn giáo khác nhau, sự quyết định tất nhiên không dễ dàng. Ở nhóm chủ trương kiên quyết tạo ra bộ mặt chính trị mới cho Lebanon (không dây dưa Syria), đại diện là Saad Hariri, 35 tuổi, con trai cố Thủ tướng Rafik Hariri. Bên phe ủng hộ tiếp tục quan hệ truyền thống với Syria, có Hezbollah. Tất cả cùng tham gia cuộc chiến giành 128 ghế Quốc hội.

Theo thỏa thuận ngừng chiến (cuộc nội chiến (kéo dài hơn 16 năm, từ ngày 13/4/1975 đến 13/10/1990), Quốc hội Lebanon được chia đều cho người Thiên Chúa giáo lẫn Hồi giáo. Đến đây, cần nhắc lại vài chi tiết lịch sử để có thể thấy tính phức tạp của cuộc bầu cử lần này.

Năm 1943, Lebanon được trao trả độc lập và các thủ lĩnh tôn giáo (Maronite, Shiite, Sunni) cùng ký Hiệp ước quốc gia, ghi rằng Quốc hội sẽ luôn được phân bổ ở tỉ lệ 6 Công giáo và 5 Hồi giáo; tổng thống luôn là Maronite; thủ tướng là Sunni và chủ tịch Quốc hội là Shiite. Cam kết này chỉ được thực thi một khi Maronite chiếm 50% dân số trở lên. Tuy nhiên, đến thập niên 1970, dân số Maronite chỉ chiếm 1/3 tổng dân số quốc gia. Phe Hồi giáo đề nghị được chia nhiều quyền lực hơn để thể hiện sự lấn át dân số của họ. Maronite từ chối, đồng thời thành lập quân đội riêng để củng cố thế lực. Phản hồi, Hồi giáo (Shiite và Sunni) cũng tổ chức bộ máy quân sự...

Ngày 1/6/1987, Thủ tướng Rashid Karami bị ám sát. Tổng thống Pierre Gemayel chỉ định tướng Michel Aoun (Maronite) lên thay. Điều này vi phạm Hiệp ước quốc gia (quy định thủ tướng phải là Hồi giáo Sunni) và do đó, các nhóm chính trị Hồi giáo phản đối, đồng thời đưa ra ứng cử viên Selim al-Hoss. Lebanon lại bị chia làm hai, giữa một chính phủ Công giáo tại Đông Beirut và chính phủ Hồi giáo tại Tây Beirut (và không có tổng thống)...

Tháng 1/1989, một ủy ban liên hợp gồm Liên minh Ảrập (Kuwait giữ ghế chủ tịch) cùng Arập Xêút, Algeria và Moroc đề xuất cuộc họp các nghị sĩ Lebanon tại Taif (Arập Xêút). Tháng 10 cùng năm, phác thảo Hiệp định Taif ra đời, mang nội dung rằng ghế Quốc hội được chia đều cho Công giáo và Hồi giáo, ghế tổng thống thuộc về Công giáo (nhưng giảm quyền hạn) đồng thời tiếp tục duy trì lực lượng quân sự Syria.

Trở về nước, các ông nghị Lebanon chuẩn y Hiệp định Taif và bầu Rene Mouawad (Maronite) làm tổng thống. Chỉ vài tuần sau, Rene Mouawad bị ám sát và được kế nhiệm bởi Elias Hrawi (cho đến năm 1998). Tháng 8/1990, Quốc hội và tổng thống tân cử quyết định sửa đổi một số điều Hiến pháp, trong đó có việc nới rộng 108 ghế Quốc hội (50/50 cho Công giáo và Hồi giáo). Tháng 5/1991, tất cả các nhóm vũ trang được yêu cầu giải giáp, trừ Hezbollah (và đây chính là một trong những gút mắc lớn của chính trị Lebanon hiện tại)...

Câu chuyện cũ kể trên là cái nền chính trị gây phức tạp cho câu chuyện bây giờ. Trong cuộc bầu cử lần này, có cả sự tham gia của cựu Thủ tướng Michel Aoun (người từng kiên quyết chống Syria và bị Syria đưa sang Pháp, trở về nước vào ngày 7/5 sau 15 năm lưu vong). Tuy nhiên, dù chống Syria nhưng Michel Aoun cho biết ông không thành lập liên minh với Saad Hariri.

Không khí cuộc bầu cử càng thêm phần căng thẳng khi một số chính khách ủng hộ Syria tuyên bố tẩy chay bầu cử, trong đó có Emile Lahoud Jr. (con Tổng thống Emile Lahoud) và cựu Thủ tướng Omar Karami (từ chức vào tháng 2/2005 trước loạt biểu tình của công chúng).

Phần mình, Saad Hariri tin rằng phe đối lập của mình có thể giành được 80-90 ghế Quốc hội, chiếm tỉ lệ cao nhất và do đó, Saad (hạng 548 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes) có khả năng trở thành gương mặt sáng giá tranh chức thủ tướng. Saad quan hệ tốt với giới chính trị phương Tây, từng nói chuyện với Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng như Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney (Saad học tại Đại học Georgetown University - Washington DC với bằng cử nhân thương mại quốc tế).

Tuy nhiên, phe Hezbollah chẳng vừa. Vòng bầu cử ngày 5/6 tại Nam Lebanon đã chứng kiến chiến thắng của cánh chính trị Hezbollah. Gút lại, cuộc chiến đã đến hồi căng thẳng và chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Dù vậy, một chiến thắng của Hezbollah sẽ không đem lại ngạc nhiên, bởi thanh thế tôn giáo của tổ chức chính trị cực kỳ phức tạp này

Lê Thảo Chi (Tổng hợp)
.
.