Bầu cử Tổng thống Iran: Ai sẽ là đối thủ của ông Mahmoud Ahmadinejad?

Thứ Sáu, 27/03/2009, 12:15
Cựu Tổng thống Iran Mohammad Khatami mới đây đã chính thức khẳng định sẽ không tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6 tới. Quyết định này của ông Khatami, người được coi là ứng cử viên có uy tín nhất trong phe cải cách, rất có thể sẽ làm giảm sút nghiêm trọng vị thế và cơ hội của phe này, đồng thời gia tăng thêm khả năng tái đắc cử của đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Giờ đây, ứng cử viên chính từ hàng ngũ các chính trị gia theo đường lối tự do sẽ là cựu Thủ tướng Mir-Hossein Mousavi, người từng lãnh đạo chính phủ trong thời gian cuộc chiến tranh Iran - Iraq.

Theo các trợ lý của ông Khatami, quyết định bất ngờ trên được đưa ra dựa trên quan điểm phải đoàn kết được các cử tri xung quanh một ứng cử viên duy nhất của phe cải cách. "Ngài Khatami tin rằng - những lá phiếu bầu cho chúng tôi sẽ không bị chia rẽ vì quyền lợi của đất nước" - người đứng đầu Ủy ban tranh cử Mohammad Ali Nadjafi đã tuyên bố như vậy.

Chiến lược tranh cử của phe cải cách trước đó đã dự tính rằng, đến tháng 5 - tất nhiên còn tùy theo diễn biến của chiến dịch tranh cử - 2 trong số 3 ứng cử viên theo đường lối tự do sẽ rút khỏi cuộc đua để tất cả số phiếu ủng hộ họ sẽ được dồn cho ứng cử viên sáng giá nhất trên cương vị lãnh đạo đất nước.

Tuy nhiên Mousavi, người trong suốt 20 năm gần đây luôn nằm ngoài "quỹ đạo" của chính trường Iran, mới đây đã khẳng định không có ý tuân theo chiến lược chung này và sẽ "chiến đấu" tới cùng. Trong trường hợp này, vị thế của phe cải cách chắc chắn sẽ bị suy yếu. Đó là lý do khiến ông Khatami quyết định rời bỏ cuộc đua để ngăn ngừa nguy cơ phân tán phiếu bầu cho phe cải cách.

Cựu Tổng thống Iran Mohammad Khatami - cựu Thủ tướng Mir-Hossein Mousavi.

Bất chấp quyết định không ra tranh cử, cựu Tổng thống Iran vẫn hứa hẹn sẽ tiếp tục hoạt động trên chính trường, đồng thời kêu gọi nhân dân Iran tích cực tham gia vào cuộc bầu cử đã được ấn định vào ngày 12/6 tới đây.

Nhiều quan sát viên lo ngại rằng, việc Khatami rút lui sẽ làm giảm bớt rất nhiều cơ hội chiến thắng của phe cải cách, do ông chính là một thủ lĩnh có uy tín cao nhất thuộc phe này. Người dân Iran vẫn chưa quên về thời gian cầm quyền của ông Khatami (trong giai đoạn 1997-2005), từng được đánh giá cao về sự ổn định kinh tế và quyền tự do cá nhân rộng rãi hơn.

Vào tháng 2 vừa qua, khi ông Khatami tuyên bố sẽ ra tranh cử, các nhà phân tích đều có nhận định chung cho rằng, chính trị gia này sẽ là một đối thủ cạnh tranh quyết liệt với đương kim Tổng thống Ahmadinejad, người đại diện cho phe theo đường lối bảo thủ ở Iran.

Những hy vọng thực sự về chiến thắng của Khatami cũng được nhắc tới tại Washington, nơi Nhà Trắng trông chờ việc lên nắm quyền của một ứng cử viên theo đường lối tự do sẽ giúp đơn giản hóa đi rất nhiều tiến trình dẫn tới đối thoại trực tiếp.

Đương kim Tổng thống Ahmadinejad hiện chưa chính thức tuyên bố về dự định ra tranh cử nhiệm kỳ hai, nhưng một trong những cố vấn thân cận nhất của ông này hồi cuối tháng 1 vừa qua đã khẳng định về khả năng này. Giờ đây, với sự rút lui của Khatami, cơ hội chiến thắng của ông Ahmadinejad được đánh giá sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, cần phải nhắc đến một yếu tố có tác động không nhỏ tới quyết định trong lá phiếu của các cử tri Iran - đó là lãnh tụ tinh thần Ali Khomeini sẽ ủng hộ cho ứng cử viên nào. Trong khi từ trước đó, ông Khomeini đã bày tỏ sự ủng hộ cho chính Mahmoud Ajmadinejad.

Trước bước ngoặt diễn biến bất ngờ này, phe cải cách rõ ràng cần phải xem xét lại chiến lược tranh cử nếu muốn chiến thắng. Rất có thể ứng cử viên tổng thống thứ ba là nhà hoạt động tôn giáo Mehdi Karroubi (đang có được sự ủng hộ đông đảo của người dân) cũng sẽ quyết định từ bỏ cuộc đua. Trong trường hợp này, Mousavi sẽ trở thành ứng cử viên duy nhất từ hàng ngũ cải cách.

Theo nhận định của các chuyên gia, Mousavi hiện cũng có không ít sự hậu thuẫn khá nặng ký. Trong quá khứ, ứng cử viên này đã thể hiện mình khá tốt trên cương vị người đứng đầu chính phủ giai đoạn 1981-1989, khi đang diễn ra cuộc chiến ác liệt giữa Iran với quốc gia láng giềng Iraq. Giờ đây, Mousavi cũng đang có chân trong "Hội đồng chuyên gia", một cơ quan cố vấn có ảnh hưởng của Giáo chủ Ali Khomeini.

Theo Gala Riani, chuyên gia phân tích của IHS Global Insight (London): "Hậu quả quyết định rút lui của Khatami có thể sẽ trở nên nghiêm trọng, nhất là khi quyết định tham gia tranh cử của ông đã có được sự hưởng ứng đáng kể. Trong một thời gian dài, cựu Tổng thống luôn được nhìn nhận như một ứng cử viên duy nhất, có khả năng cạnh tranh thực sự với ông Ahmadinejad. Việc ông Khatami rút lui sẽ làm cho kết quả chiến dịch tranh cử tại Iran trở nên khó dự đoán hơn". Cũng theo lời của chuyên gia này, vấn đề nảy sinh hiện nay là 2 ứng cử viên còn lại là Mousavi và Karroubi liệu có thu hút được đủ số phiếu ủng hộ hay không.

Nhưng mặt khác, cũng theo chuyên gia Riani, nhận định của ông Khatami cũng có lý ở khía cạnh cho rằng, sự xuất hiện của cả 3 ứng cử viên trong chiến dịch tranh cử sẽ làm giảm bớt cơ hội của phe cải cách để có thể chiến thắng phe bảo thủ. Dù sao, những cơ hội chiến thắng thực tế của Mousavi hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra được phỏng đoán. Thực tế cho thấy, các cuộc bầu cử tổng thống tại Iran từ trước đến nay vẫn có truyền thống là cực kỳ khó dự đoán kết quả

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.