Bầu cử tổng thống Nga: Những thách thức chờ đợi ông Putin

Chủ Nhật, 26/02/2012, 22:35

Đúng vào giai đoạn nước rút cuối cùng của chiến dịch tranh cử, đương kim Thủ tướng Vladimir Putin đã có bứt phá mạnh mẽ vượt qua tất cả những ứng cử viên còn lại (những kết quả thăm dò gần nhất đều cho thấy ông Putin có tới hơn 50% số cử tri ủng hộ). Cơ hội giành chiến thắng của ông Putin, thậm chí ngay từ vòng 1, được đánh giá khá cao.

Ban tham mưu tranh cử của ông rõ ràng đã rút ra được những bài học quý giá từ thất bại của đảng Nước Nga thống nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái. Nhưng điều này không có nghĩa là những bất ổn chính trị tại Nga, ngay cả sau khi Putin thắng cử, đã được giải quyết. Cần có những chính sách đúng đắn để thắng cử, nhưng để điều hành đất nước lại cần có những hành động cụ thể và thiết thực hơn. Đó mới chính là những thử thách thực sự đang chờ đợi Vladimir Putin trong thời gian sắp tới…

Nếu tính từ năm 2000, đây thực chất đã là chiến dịch tranh cử thứ tư của Vladimir Putin. Nhưng cũng chính lần này, đương kim Thủ tướng Nga phải tham gia tranh cử trong những điều kiện bất lợi và khó khăn nhất, điều mà ông Putin khó có thể hình dung khi tuyên bố quay trở lại tranh cử Tổng thống vào tháng 9/2011.

Tình hình thực sự đã có những chuyển biến xấu kể từ tháng 12/2011. Giành được số phiếu ủng hộ thấp hơn đáng kể so với dự kiến trong cuộc bầu cử Quốc hội, đảng Nước Nga thống nhất đã đánh mất vị thế đa số lập hiến tại Duma. Tiếp theo đó là hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô của phe đối lập với cáo buộc có những vi phạm và gian lận trong bầu cử. Tất cả đã tạo ra một bối cảnh bất lợi đáng lo ngại cho chiến dịch tranh cử của ông Putin.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nga và ban tham mưu tranh cử của ông đã biết cách rút ra những bài học nhất định từ những bất lợi trên. Đầu tiên là việc không còn dựa quá nhiều vào "Nước Nga thống nhất", vốn đang bị phe đối lập tập trung chỉ trích. Sau khi được đảng này đề cử làm ứng cử viên Tổng thống, Putin đã biết thể hiện mình theo cách riêng. Ngoài việc không còn gắn liền hoạt động tranh cử của mình với "Nước Nga thống nhất", Putin cũng bày tỏ quan điểm về nhu cầu cải tổ bộ máy của đảng này. Thậm chí còn có một số tin đồn khẳng định, đảng cầm quyền sẽ bị giải thể sau cuộc bầu cử tổng thống?...

Tiếp đó, lực lượng ủng hộ Putin sau những bất ngờ ban đầu về làn sóng biểu tình của phe đối lập đã tìm được những chiêu phản công khá hiệu quả. Những cuộc biểu tình ủng hộ Vladimir Putin bắt đầu được tổ chức rộng khắp, với quy mô và số lượng ngày càng tăng vào sát thời điểm nước rút của chiến dịch tranh cử. Nhiều thủ lĩnh phe đối lập bị chỉ trích là "mối đe dọa về một cuộc Cách mạng cam tại Nga", bị cáo buộc thông đồng với Mỹ, là con rối do Washington giật dây.

Về phần mình, những người dân xuống đường ủng hộ Vladimir Putin đã giương cao nhiều biểu ngữ kêu gọi duy trì sự thống nhất đất nước. Chiến dịch tranh cử tổng thống đã nhanh chóng trở thành một cuộc trưng cầu dân ý không chỉ về uy tín của ông Putin, mà còn về nhu cầu duy trì sự thống nhất của nước Nga. Nói cách khác, cử tri với lá phiếu bầu cho ông Putin không chỉ đơn giản là chọn lựa một ứng cử viên, mà họ đã góp phần chống lại mối đe dọa gây bất ổn tình hình đất nước. 

Người dân Nga xuống đường ủng hộ ứng cử viên Vladimir Putin .

Nỗ lực và những chính sách tranh cử hợp lý đã giúp đem lại những kết quả đầy lạc quan. Trong ba cuộc thăm dò công luận gần đây nhất với dự đoán chiến thắng dành cho Putin, có tới hai cuộc khẳng định chắc chắn sẽ không cần phải bỏ phiếu vòng hai. Câu hỏi được đặt ra giờ đây là: Vladimir Putin sẽ điều hành đất nước như thế nào sau thắng lợi đã được dự đoán trong cuộc bầu cử sắp tới? Và ông có thể tồn tại trên cương vị Tổng thống trong bao lâu nữa?

Theo các nhà quan sát, những thử thách thực sự mà Vladimir Putin phải đối mặt sẽ đến vào thời điểm hậu bầu cử. Hệ thống chính quyền do chính ông Putin xây dựng từ hồi nửa đầu những năm 2000 bắt đầu bộc lộ nhiều bất ổn cần thay đổi ngay từ trước cuộc bầu cử Quốc hội. Dù gì thì sức mạnh chính quyền vào thời điểm đó đã từng dựa nhiều vào uy tín cao của cá nhân ông Putin. Đương kim Thủ tướng Putin sẽ phải chứng minh được, quyết định quay trở lại điện Kremli của mình là một nhu cầu cần thiết mang tính khách quan. Chính ông sẽ là người không chỉ đưa ra một chương trình hành động rõ ràng mà còn có thể thực thi những chương trình đó.

Một chương trình cải cách chính trị đã được ông Putin khởi động ngay từ thời điểm bắt đầu chiến dịch tranh cử. Giữa tháng 12/2011, Putin chính thức tuyên bố về việc bắt đầu quay trở lại với quy chế bầu cử trực tiếp lãnh đạo các khu vực. Vài ngày sau, đến lượt Tổng thống Medvedev giới thiệu một loạt những đề xuất cải cách triệt để hơn đối với hệ thống chính trị tại Nga. Dự kiến Chính phủ Nga trong thời gian tới sẽ có hàng loạt những thay đổi nhân sự, cho dù Putin từ trước vẫn nổi tiếng là "ngại" thay thế cấp dưới, chỉ ra quyết định trong những trường hợp thực sự cần thiết.

Dù thế nào, Putin trong những bài phát biểu, cũng như bài báo tham gia tranh cử của mình vẫn tìm cách nhấn mạnh một nguyên tắc giải quyết vấn đề bất di bất dịch: đó là phải củng cố chính quyền, củng cố đất nước. Theo quan điểm của ông, vấn đề chính quyền không phải là chủ đề đem ra bàn luận rộng rãi. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ không có những thay đổi chiến lược về chính sách của Moskva trong nhiệm kỳ tới.

Tóm lại, người dân Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục chọn ông Putin với hy vọng một chính trị gia có bản lĩnh sẽ là tiền đề quan trọng giúp duy trì sự ổn định, thống nhất và phát triển của đất nước. Vấn đề giờ đây là ở chỗ, ông Putin sẽ biết chấp nhận thách thức để hiện thực hóa những cam kết tranh cử của mình như thế nào

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.