Bê bối bóng đá tại Italia: Không thể là chuyện ngoại lệ với pháp luật

Thứ Tư, 26/07/2006, 09:35
Chỉ 5 ngày sau khi giành được chiếc cúp vàng thế giới, bóng đá Italia đã phải hứng chịu một cơn sốc nặng nề. Phiên tòa đặc biệt điều tra về những vụ gian lận tỉ số tại giải bóng đá Serie A Italia đã giáng đương kim vô địch Juventus cùng 2 câu lạc bộ nổi tiếng khác (Fiorentina và Lazio) xuống chơi tại Serie B vào mùa bóng tới.

Còn một ông lớn khác của bóng đá Italia là AC Milan bị tước quyền tham dự Champion League. Với những biện pháp mạnh tay này, Thủ tướng Romano Prodi sẽ đi vào lịch sử bóng đá Italia với tư cách một người kiên quyết xóa sạch nạn gian lận trong thể thao... 

Phiên điều trần về vụ tham nhũng trong bóng đá Italia với sự tham gia của 5 thẩm phán đã kết thúc từ ngày 7/7. Tuy nhiên, phán quyết của phiên tòa vừa được công bố vào 14/7 qua dù sao vẫn được coi là “mềm” hơn so với những gì mà công tố viên Francesco Borrelli đề xuất. Trước đó, Borrelli đã yêu cầu phải giáng Juventus xuống tận Serie C, còn AC Milan cũng phải xuống hạng. Dù thế nào thì với phán quyết trên, hậu quả của chiến dịch “Đôi chân sạch” đối với 4 câu lạc bộ bị trừng phạt (đặc biệt là Juventus) có thể coi là những thảm kịch.

Với việc đội bóng thành Turin bị tước hai danh hiệu vô địch vừa qua cùng với 30 điểm sẽ bị trừ trong giải đấu Serie B sắp tới, khả năng thăng hạng của họ sau chỉ một mùa bóng là chuyện gần như không thể xảy ra. Viễn cảnh tương tự là chuyện cũng có thể dự đoán trước đối với Lazio và Fiorentina. Còn đối với AC Milan, khả năng giành được thứ hạng cao của họ trong mùa bóng tới cũng là chuyện xa vời khi bị tụt hậu 15 điểm so với các đối thủ tại Serie A.

Tuy nhiên, số điểm bị trừ cùng với việc mất khả năng ganh đua trong giải vô địch và cúp châu Âu chỉ là “chuyện nhỏ” so với những gì mà 4 câu lạc bộ trên sẽ phải hứng chịu. Nguy cơ rõ ràng nhất là các câu lạc bộ sẽ không thể giữ lại được đội hình những ngôi sao đã giúp họ thành công trong những mùa giải qua.

“Tôi hy vọng rằng, một số cầu thủ chủ chốt của chúng tôi sẽ ở lại. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, nhiều người trong số họ không muốn chơi tại Serie B, và chúng tôi cũng không thể ngăn cản họ muốn chơi ở một giải đấu mạnh hơn” – Chủ tịch Giovanni Gigli của Juventus đã công khai thừa nhận như vậy. Báo chí Italia ngay lập tức đã liệt kê tên một loạt cầu thủ của 4 câu lạc bộ này đã được xếp vào danh sách chuyển nhượng.

Có thể kể tới các tên tuổi lớn như Ginaluigi Buffon, Fabio Cannavaro, Zambrota, Camoranesi, Emerson, Lilian Thuram, Trezeguet, Viera và Ibrahimovic từ Juventus; Toni, Ujfalusi, Bojinov từ Fiorentina; Massimo Oddo, Peruzzi, Mutarelli từ Lazio. Câu lạc bộ không phải xuống hạng AC Milan cũng có khả năng phải chia tay với một vài ngôi sao của họ. Cụ thể như Câu lạc bộ Hoàng gia Real Madrid đã bày tỏ sự quan tâm tới tiền vệ Kaka.

Hậu quả của việc bị trừ điểm và mất các ngôi sao còn kéo theo những thất thu rất lớn về mặt tiền bạc. Giá cổ phiếu của Juventus tại thị trường chứng khoán Milan kể từ khi vụ bê bối nổ ra đã giảm xuống chỉ còn một nửa, đạt tới mức thấp kỷ lục 1,39 euro. Thêm vào đó, việc Juventus, Fiorentina và Lazio phải thi đấu tại Serie B khiến các đối tác của họ sẽ phải xem xét lại các hợp đồng truyền hình, quảng cáo và tài trợ.

Một nguy cơ chắc chắn sẽ xảy ra là mất một số lượng khán giả đáng kể. Nhiều cổ động viên Lazio trong một cuộc tuần hành tại Roma đã thừa nhận, họ không có hứng thú đi xem đội nhà thi đấu tại Serie B. Đó là chưa kể tới việc thất thu do không được tham dự Champion League (trong trường hợp thi đấu thành công, mỗi câu lạc bộ có thể thu được tới 50 triệu euro).

Các câu lạc bộ chịu án phạt còn phải lâm vào tình trạng như “rắn mất đầu”, khi một loạt quan chức lãnh đạo của họ buộc phải từ chức. Tại Juventus, Tổng giám đốc Luciano Moggi và Giám đốc điều hành Antonio Giraudo đã từ chức khi chưa cần có phán quyết của tòa án. Những trường hợp tương tự tại Milan là Phó chủ tịch Adriano Galliani, tại Fiorentina là Chủ tịch Andrea della Valle và Chủ tịch danh dự Diego della Valle, tại Lazio là Chủ tịch Claudio Lotito.

Tất cả những gì đã xảy ra trong tháng qua có thể so sánh với vụ bê bối năm 1980, vẫn được coi là vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử bóng đá Italia. 26 năm về trước, các nhà chức trách đã bắt giữ Chủ tịch Feliche Colombo cùng một loạt các cầu thủ của các câu lạc bộ Lazio, Avellino, Perugia, Genoa và Lecce vì tội đánh bạc và giàn xếp tỉ số.

Trong số những người phải nhận án phạt đáng chú ý có tiền đạo Đội Perugia là Paolo Rossi với mức án treo giò hai năm, người về sau đã trở thành cầu thủ dội bom xuất sắc nhất của World Cup 1982.  Tuy nhiên, vụ bê bối lần này vẫn được coi là vượt trội về quy mô – số lượng đội bị trừng phạt, cũng như các quan chức phải từ chức. Ảnh hưởng nặng nề của nó còn tác động về căn bản đến cán cân thực lực không chỉ tại nền bóng đá Italia, mà còn tới cả châu Âu.
 

Phản ứng của những nhân vật có liên quan đến vụ bê bối đối với phán quyết vừa qua của tòa án là điều không khó dự đoán trước. Tất cả 4 câu lạc bộ bị trừng phạt trên đều cho công bố trên website của những tuyên bố đánh giá quyết định của tòa là “không thể chấp nhận được” hay “cực kỳ thiếu công bằng”. Tất cả đều khẳng định sẽ tận dụng đến cùng quyền kháng án của mình. Riêng cựu Chủ tịch Claudio Lotito của Lazio cho biết sẽ kiện lên Tòa án châu Âu.

Vào thứ năm vừa qua, cổ động viên các câu lạc bộ bị trừng phạt cũng bắt đầu tổ chức các hành động phản đối. Hàng trăm cổ động viên của Lazio đã tập trung ngay cạnh khách sạn, nơi tổ chức tòa án, trong khi một số lượng tương tự các cổ động viên Fiorentina đã phong tỏa tuyến đường tới sân vận động và tổ chức các cuộc tuần hành trên đường phố Florence.

Cho tới giờ vẫn chưa có vụ việc nghiêm trọng xảy ra, ngoài vụ một luật sư của Lazio bị tấn công và một phóng viên ảnh khác phải vào viện do chấn thương sọ não. Tuy nhiên, theo nhận định của cảnh sát, các cuộc tuần hành sắp tới rất có thể sẽ gây ra bạo loạn thực sự.

Tất cả những người dính dáng tới vụ bê bối, trong đó có cả nhân vật chính Luciano Moggi cho tới giờ vẫn kiên quyết bác bỏ các tội danh của mình và của câu lạc bộ. Luật sư Paolo Trofino của ông Moggi quả quyết rằng, không thể dựa vào băng ghi âm 40 cuộc điện thoại của ông này (trong khi Moggi trên cương vị lãnh đạo Juventus gọi hàng trăm cuộc mỗi ngày) để buộc tội ông ta là người dàn xếp tỉ số các trận đấu.

Còn Chủ tịch Milan Sylvio Berlusconi (cựu Thủ tướng Italia) thì tuyên bố, không thể đưa ra phán quyết trước khi làm rõ đến cùng mọi vụ việc - cụ thể như chưa thể làm rõ danh sách các trận đấu đã bị dàn xếp tỉ số dựa trên tên tuổi một số trọng tài bị nghi ngờ gian lận.

Các nhà quan sát nhận định, vụ bê bối bóng đá vừa qua tại Italia chưa mang rõ sắc thái chính trị, cho dù sớm hay muộn chuyện đó sẽ xảy ra. Khi đó, trung tâm của sự chú ý sẽ là tân Thủ tướng Romano Prodi. Về mặt danh chính ngôn thuận, Thủ tướng không dính dáng tới vụ bê bối này, do nó được khởi xướng bởi Ủy ban Olympic và Liên đoàn Bóng đá Italia chừng một tháng sau khi ông Prodi được bầu.

Hiện giờ, ông Prodi luôn tìm cách tránh xa vụ bê bối khi tuyên bố, mình không có quyền gây áp lực lên công việc của tòa án độc lập. Đáng chú ý là ông Prodi đã không tới dự khán trực tiếp trận chung kết tại Berlin, nơi đội Italia đã vượt qua Pháp để giành chức vô địch thế giới sau 24 năm. Nhiều người đã hy vọng, trong cuộc đón tiếp những “người hùng” mới của bóng đá Italia tại dinh Thủ tướng (trong thành phần đội tuyển có cả thảy 13 cầu thủ từ Juventus, Fiorentina, Lazio và AC Milan), ông Prodi sẽ kêu gọi ân xá hay chí ít giảm bớt hình phạt đối với họ. Tuy nhiên, người đứng ra nói lời kêu gọi này lại là Bộ trưởng Tư pháp Clemente Mastella. Còn Romano Prodi vào đúng ngày này đã tuyên bố, “bóng đá Italia cần phải được trong sạch hóa”.

Còn nhớ là tại một trong những bài phát biểu đầu tiên của mình tại thượng viện trên cương vị Thủ tướng, ông Romano Prodi đã nhắc tới vụ bê bối bóng đá trên, gọi nó như là “một phép ẩn dụ đối với tình hình chung tại Italia”, một quốc gia mà “khủng hoảng về đạo đức đã lan sang nhiều lĩnh vực kể cả chính trị”. Chính cuộc khủng hoảng này, theo ông Prodi, đã khiến cho Italia đánh mất vai trò quan trọng trước kia của mình trên bản đồ địa - chính trị thế giới (ý muốn nhắc tới việc Italia đã mất quy chế trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran).

Nếu như ông Romano Prodi quyết tâm làm trong sạch hóa đất nước ngay từ lĩnh vực bóng đá thì đó có thể coi là một nước cờ khá mạo hiểm. Uy tín của đối thủ Sylvio Berlusconi trước đây chủ yếu dựa vào tình yêu của đa số người dân Italia đối với bóng đá (ngay tên gọi đảng Forza Italia của ông ta cũng là khẩu hiệu chung của các cổ động viên Đội tuyển Italia). Ông Romano Prodi ngay khi trở thành Thủ tướng đã muốn thể hiện rõ rằng, bóng đá cũng như các câu lạc bộ nổi tiếng đối với ông không phải là điều ngoại lệ hay thậm chí là thần thánh gì.

Tất cả đều phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp. Đó có lẽ cũng là thông điệp mà tân Thủ tướng muốn gửi tới tất cả những người dân Italia qua vụ bê bối bóng đá này

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.