Bê bối nghe lén điện thoại lớn nhất trong lịch sử Italia

Thứ Ba, 03/10/2006, 09:00

Ngày 13/9, Cảnh sát Italia đã tiến hành bắt giữ 21 nhân vật, trong đó có đến 11 người là cảnh sát và sĩ quan quân đội. Tất cả đều bị nghi ngờ tham gia vào một tổ chức gọi là “liên minh của những kẻ xấu” và có dính líu tới một mạng lưới nghe lén điện thoại nhằm thu thập thông tin mật của hàng nghìn người.

Chính phủ trung hữu của Thủ tướng Romano Prodi đang bị đa số dân chúng cũng như các đảng đối lập yêu cầu phải đưa ra lời giải thích rõ ràng về vụ việc này.

Giuliano Tavaroli, người trước đây phụ trách hệ thống an ninh của Telecom Italia và Emanuele Cipriani, người đứng đầu một văn phòng thám tử tư ở Florence bị tố cáo là đứng đầu đường dây nghe lén được thiết lập từ năm 1997 này.

Theo các trát bắt giữ, được báo chí Italia công bố rộng rãi gần đây, thì động cơ của những kẻ chủ mưu vụ bê bối này là hòng thu thập thông tin dữ liệu mật của từng cá nhân và các tổ chức kinh tế cũng như xã hội sau đó dùng chúng như là những công cụ để gây áp lực, ra điều kiện, đe dọa cũng như tống tiền các nạn nhân. Các trát bắt của tòa án còn chỉ rõ nhóm này hoạt động rất có tổ chức và bí mật.

Ban đầu hệ thống nghe lén được thiết lập nhằm kiểm soát nhân sự của Telecom Italia và Pirelli, đây là hai tập đoàn viễn thông lớn nhất Italia, hệ thống nghe lén trên sau này được phát triển để nghe lén các chính khách, doanh nhân, cầu thủ bóng đá hay cả những minh tinh màn bạc. Từ những cái tên như Diego Della Valle, Chủ tịch Tập đoàn Tod's, tới Cesare Geronzi, Chủ tịch Ngân hàng Capitalia, hay Franco Carraro, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Italia cho tới Marco và Carlo De Benedetti, Gilberto Benetton, cựu huấn luyện viên Câu lạc bộ Juventus, Fabio Capello...

Theo nhật báo La Republica, có đến hàng nghìn tên và địa chỉ của các nạn nhân đã được tìm thấy trong các máy tính và tài liệu được cảnh sát thu giữ. Những thông tin liên quan tới các cá nhân chủ yếu là tài khoản ngân hàng, đời tư. Trong máy tính của Tavaroli, cảnh sát còn tìm thấy cả những thông tin bí mật về nhiều bộ.

Trong số những vụ bê bối liên quan tới hệ thống nghe lén điện thoại này trước đây phải kể đến một vụ hoạt động gián điệp chính trị mà nạn nhân là Alessandra Mussolini thuộc đảng cực hữu trong chiến dịch tranh cử vùng năm 2005. Cái tên Tavaroli từng được xuất hiện trong vụ bê bối mua độ các trận đá bóng của giải Calcio. Nhưng Viện Kiểm sát Milan đặc biệt lưu ý tới mối quan hệ nguy hiểm giữa Giuliano Tavaroli và Emanuele Cipriani với nhân vật số hai của Cơ quan chống phản gián quân sự Italia (Sismi), Marco Mancini.

Trong bài xã luận mang nhan đề “cuộc khủng bố nhằm vào nền dân chủ Italia”, báo La Republica số ra ngày 21/9 vừa qua mỉa mai rằng: “Trung tâm hoạt động gián điệp phi pháp trên chưa hề có trong lịch sử đất nước chúng ta”.

Những tiết lộ về vụ bê bối trên được công bố vài ngày sau khi ông chủ Tập đoàn Telecom Italia là Marco Tronchetti Provera từ chức vì bất đồng với chính phủ của Thủ tướng Romano Prodi về việc chính phủ đưa ra một kế hoạch cải tổ lại tập đoàn này kể từ sau khi được tư nhân hóa vào năm 1997.

Vụ bê bối mới đây có thể liên quan tới một vụ án mạng trước đây. Ngày 21/7/2006, cựu phụ trách hệ thống an ninh của chi nhánh Telecom Italia Mobile Adamo Bove đã được phát hiện tử vong sau ngã xuống một chiếc cầu cạn tại Naples, phía nam Italia.

Viện Kiểm sát Naples đã cho mở cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân về cái chết của Adamo Bove, người trước đó đã từng bị các thẩm phán thẩm vấn trong cuộc điều tra liên quan tới mạng lưới nghe lén trên.

Ngày 28/9 tới đây, Thủ tướng Italia Romano Prodi sẽ phải giải trình vụ bê bối trên trước Quốc hội nước này

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.