Bê bối tham nhũng lan rộng sau vụ từ chức của Thủ tướng Hàn Quốc

Thứ Hai, 27/04/2015, 18:20
Ngày 21/4 vừa qua, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Wan-koo chính thức nộp đơn từ chức lên chính phủ sau một loạt các cáo buộc ông nhận tiền hối lộ trong thời gian tranh cử vào vị trí hiện tại mặc dù ông luôn phủ nhận những ám chỉ này. Vụ việc trở nên phức tạp sau khi Sung Wan-jong, Chủ tịch Tập đoàn Keangnam, tự tử hôm 9/4 và để lại bản danh sách những nhân vật nhận tiền từ người này, trong đó có tên của Thủ tướng Lee Wan-koo, người nắm giữ chức vụ chưa đầy 3 tháng.

Sau khi trở thành Thủ tướng Hàn Quốc hồi tháng 2/2015, Lee Wan-koo nhanh chóng mở “cuộc chiến tổng lực chống tham nhũng". Nhưng không lâu sau khi mở màn rầm rộ, chính ông lại trở thành người bị cáo buộc tham nhũng và phải sớm ra đi trước sức ép chính trị ngày càng tăng.

Ám chỉ tham nhũng cho rằng Thủ tướng Lee đương nhiệm và cựu lãnh đạo phe bảo thủ đảng cầm quyền Saenuri đã nhận số tiền lên đến 30 triệu won tiền mặt (khoảng 28.000 USD) trong chiến dịch vận động tranh cử cách đây 2 năm. Tuy nhiên, Thủ tướng Lee luôn phủ nhận việc này.

Theo luật Hàn Quốc, các chính khách không được phép nhận hơn 100.000 won tiền đóng góp tranh cử. Người vạch trần vụ bê bối này chính là Sung Wan-jong, cựu Chủ tịch Tập đoàn Keangnam và thành viên đảng Saenuri.

Norbert Eschborn, lãnh đạo Quỹ Konrad Adenauer ở Seoul, cho biết trước khi tự sát "Sung Wan-jong đang đối mặt cuộc điều tra hình sự về tội biển thủ công quỹ".

Trong bản danh sách để lại của Sung Wan-jong, có tên 8 chính khách cấp cao trong Chính phủ Hàn Quốc kèm theo số tiền hối lộ mà họ nhận được, song bên cạnh tên của Thủ tướng Lee không có con số nào.

Trước khi tự sát, cựu Chủ tịch Sung Wan-jong phát biểu: "Họ luôn nói về cải cách và trừ tận gốc nạn tham nhũng. Nhưng người đầu tiên nên bị trừng phạt thẳng tay chính là người như Lee Wan-koo".

Thủ tướng Lee Wan-koo.

Các vụ bê bối tham nhũng không có gì mới ở Hàn Quốc bởi vì trong quá khứ đã có nhiều quan chức chính phủ nước này bị buộc tội. Giới truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin rất nhiều về nạn tham nhũng ở nước này. Ví dụ, nhật báo Dong-A-Ilbo yêu cầu các chi tiết về tiền đóng góp cho các nghị sĩ cũng như các khoản phí tổn tranh cử khác phải được công bố trực tuyến trong tương lai.

Một bình luận trên tờ Chosun Ilbo đánh giá vụ bê bối tham nhũng là bằng chứng của "sự thiếu trung thực nơi các nhà lãnh đạo Hàn Quốc", và người dân mặc dù không đòi hỏi giới chính khách phải hoàn hảo song họ muốn "nhìn thấy tư cách đứng đắn tối thiểu nơi họ".

Norbert Eschborn cũng nhận định: "Có vấn đề về niềm tin giữa người dân đối với giới chính khách Hàn Quốc”. Có vẻ như Lee Wan-koo không thật sự là ứng cử viên ưa thích đối với nữ Tổng thống Park để thay thế vị trí Thủ tướng tiền nhiệm Chung Hong-won, người đã từ chức sau thảm họa chìm phà Sewol  ngày 16/4/2014 làm chết hơn 300 người.

Lee Wan-koo cũng là một người thân cận với Tổng thống Park cho nên quyết định từ chức của ông sẽ làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của bà. Các chuyên gia nhận định sự "ra đi" liên tục của các thủ tướng Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã bộc lộ sự lãnh đạo yếu kém của Tổng thống Park. Và khó khăn sắp tới đối với bà Park Geun-hye là chọn tìm người thay thế Lee Wan-koo.

Thục Miên (tổng hợp)
.
.