Bí mật đằng sau vụ 15 binh sĩ Anh bị Iran bắt giữ

Thứ Sáu, 13/04/2007, 09:30

15 binh sĩ Anh bị Iran bắt giữ đã được phóng thích, nhưng cuộc khủng hoảng Anh - Iran lại chuyển sang một diễn biến mới của một cuộc chiến không tiếng súng. Có hay không những điều bí ẩn đằng sau sự kiện khá ầm ĩ này?

Vụ Iran bắt giữ 15 thủy thủ và binh sĩ Anh đã kết thúc sau 13 ngày gây căng thẳng cho quan hệ Anh – Iran. Những người này sau khi trở về Anh, bỗng thay đổi ý kiến khi nói ngược lại toàn bộ những gì mà trước đó họ thừa nhận trên đài truyền hình của Iran thậm chí họ đang lợi dụng cơ hội này để kiếm tiền.

Còn chính quyền hai nước khẳng định không có thỏa thuận bí mật nào cho việc nhanh chóng giải tỏa cuộc khủng hoảng này. Nhưng trên thực tế diễn biến cho thấy, đằng sau sự kiện này có những điều bí mật và đang được dư luận quan tâm.

Việc binh lính hải quân và tình báo quân sự Anh hoạt động ở vùng biển tranh chấp giữa Iraq và Iran lâu nay vẫn diễn ra khá thường xuyên như chính một trong những binh sĩ Anh bị bắt đã nói ở một bản tin của đài Truyền hình BBC trước khi anh ta bị bắt.

Lực lượng biên phòng của Iran cũng thường xuyên hoạt động ở vùng này và việc bắt giữ các binh sĩ Anh dường như đã được Tehran tính toán rất kỹ.

Nhưng quyết định phóng thích những binh sĩ Anh của Tổng thống Iran Ahmadinejad rõ ràng là một cú “đánh” bất ngờ và là một nước cờ có sự tính toán rất kỹ. Ai cũng biết hiện nay Iran đang nằm trong thế bao vây về nhiều mặt, trong đó có cả quân sự của Mỹ, Anh và các nước phương Tây.

Không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày qua, báo chí đưa tin ầm ĩ về việc Mỹ, Anh có thể tấn công Iran. Thậm chí, người ta còn nói rõ cả thời điểm tấn công là rạng sáng ngày 6/4/2007. Những diễn biến này rõ ràng không phải là kiểu tin giật gân của báo chí, mà là một sự “tiết lộ”, tung tin có chủ ý đe dọa Iran.

Trên thực tế là có các cuộc tập trận của Mỹ ở vùng Vịnh, Mỹ tăng thêm quân và tàu chiến đến khu vực này và công bố về việc quân đội Mỹ thử thành công loại bom có sức công phá các tầng ngầm mới... như muốn đe dọa Iran.

Nhưng đó không phải là một cuộc tấn công quân sự nhằm buộc Iran phải thả các binh sĩ Anh, mà chính là một mũi tấn công bằng uy lực nằm trong chiến lược ngăn chặn chương trình sản xuất năng lượng hạt nhân của Iran. Song, cũng không thể tách rời vụ binh sĩ Anh bị bắt ra khỏi kế hoạch tổng thể này.

Có một số tin tức nói rằng, phía Mỹ đã đề nghị Anh dùng biện pháp quân sự để giải quyết “cuộc khủng hoảng con tin” với Iran. Sau khi các binh sĩ Anh được thả, mạng tin trực tuyến của báo The Guardian (Người bảo vệ) của Anh đã tiết lộ thông tin này.

Các nhà quân sự của Lầu Năm Góc nhân cơ hội này, lợi dụng vụ bắt giữ như là một cái cớ để tiến hành một cuộc tấn công quân sự với quy mô hạn chế nhằm phá các cơ sở sản xuất hạt nhân và tiềm lực quân sự của Iran.

Nhưng phía Anh đã khước từ đề nghị này của Mỹ vì London cho rằng, Mỹ nên đứng ngoài vụ xung đột để làm dịu tình hình căng thẳng vốn có. Anh cũng đề nghị Mỹ giảm nhẹ cường độ cuộc tập trận đang diễn ra tại vùng Vịnh Persic.

Chính quyền Anh cũng yêu cầu chính quyền của Tổng thống Bush giảm nhẹ các cáo buộc về mức “nguy hiểm” của Iran để tạo bầu không khí dịu hơn.

Nhưng quyết định thả các binh sĩ Anh của Tehran không chỉ nhằm mục đích đó mà họ còn công khai yêu cầu Mỹ phải thả những người Iran bị Mỹ bắt giữ tại Iraq. Lúc đầu Tổng thống Mỹ đã bác bỏ yêu cầu này. Song, ngay một ngày trước khi Iran thả 15 binh sĩ Anh, thì Mỹ đã thả ông Jalal Sharafi, là Bí thư thứ hai tại Đại sứ quán Iran ở Baghdad, người đã bị các tay súng mặc quân phục quân đội Iraq bắt ra khỏi chiếc xe của mình hồi tháng 1/2007. Hiện quân đội Mỹ ở Iraq vẫn còn giam giữ 5 người Iran.

Đại sứ Iran tại Anh Rasoul Movahedian trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) đã nói: “Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm tự do cho 5 người Iran” Giờ tới lượt London hành động thiện chí để đáp lại việc Tehran  trả tự do cho 15 lính thủy Anh”.

Còn Thủ tướng Anh Tony Blair khẳng định 15 binh lính Hoàng gia Anh được thả đã  “không có thỏa thuận, đàm phán hay hứa hẹn nào” với Iran.

Rõ ràng là cả hai bên đã công khai nói rằng, họ không có “thỏa thuận ngầm nào”. Nhưng lời nói không phải bao giờ cũng đi đôi với việc làm. Trong khi đó hành động đã “nói” lên những bí mật đằng sau lời nói công khai. Khó có thể cùng một lúc diễn ra những việc “tích cực” trùng hợp ngẫu nhiên như thế, nhưng cũng chẳng ai bắt họ phải thừa nhận rằng họ đã có một thỏa thuận ngầm. Phía Anh không muốn bị coi là đã thưởng công cho các hành động của Iran. Còn phía Iran thì cũng không thừa nhận là đã có “sự bồi thường”...

Mặt khác, việc Tổng thống Iran quyết định phóng thích 15 binh sĩ Anh cũng được các nhà quan sát cho đó là một nước cờ chính trị để nâng cao uy tín của chính quyền Iran và cá nhân ông này. Rõ ràng là với quyết định bất ngờ này, ông Ahmadinejad đã khiến cả thế giới chú ý, nhất là trong con mắt thế giới Arập...

Cũng còn đó những bí ẩn sau các diễn biến bất thường trong vụ 15 binh sĩ Anh bị bắt và được thả. Đài Truyền hình Iran đã phát đi những hình ảnh rõ ràng các binh sĩ Anh thừa nhận họ xâm phạm lãnh hải Iran và xin lỗi nhân dân nước này.

Họ phát biểu một cách tự tin và dường như không có một biểu hiện sợ sệt hay là chứng tỏ bị cưỡng bức nói dối cả. Sau khi được về Anh, họ lại trở giọng, nói là họ bị bịt mắt, bị cưỡng ép thừa nhận xâm phạm lãnh hải Iran...

Báo chí Anh đã đặt ra một số câu hỏi mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng rằng: Tại sao các binh sĩ Anh lại dễ bị “tổn thương” (dễ bị bắt) vậy? Liệu tàu Anh có ở trong vùng biển Iran không hay là cáo buộc của Iran là đúng? Các tàu chiến đều có hệ thống radar và định vị rất tinh vi, chính xác cơ mà! Tại sao các binh sĩ Anh lại dễ dàng cộng tác với Iran trong việc tuyên truyền như vậy? Liệu có phải vụ việc trên là một thất bại về công tác tình báo của Anh không?

Nguyễn Khắc Đức (Tổng hợp)
.
.