Biển Đen sẽ dậy sóng chạy đua vũ trang?

Thứ Sáu, 27/05/2011, 15:25

Biển Đen sẽ không còn lặng sóng như từ bao lâu nay nữa. Một cuộc chạy đua vũ trang đang chuẩn bị bắt đầu tại vùng biển này sau khi Chính phủ Rumani cho phép Mỹ đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa đạn đạo (ABM) tại nước này. Nga đang thận trọng theo dõi diễn biến để có những bước đi thích hợp.

Tờ Thời báo Moscow ngày 23/5 vừa qua cho biết, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vừa lên tiếng yêu cầu phía Mỹ khẩn trương đưa ra tuyên bố bảo đảm rằng việc xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu sẽ không làm suy yếu kho vũ khí hạt nhân của nước Nga. Ông Medvedev cũng cảnh báo việc Mỹ xúc tiến kế hoạch xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa như thế sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh nước Nga sau năm 2015.

Phát biểu với các tùy viên quân sự nước ngoài, tướng Nikolai Makarov cũng khẳng định những lời bảo đảm của Mỹ rằng "hệ thống lá chắn tên lửa đó… không đe dọa an ninh nước Nga là không có cơ sở". Tướng Makarov cảnh báo nguy cơ “một cuộc chạy đua vũ trang điên rồ" nếu NATO và Nga không đạt được thỏa thuận về vấn đề bảo đảm an ninh của nước Nga.

Trong khi đó, từ đầu tháng 5/2011, hàng loạt sự kiện liên quan đến hệ thống lá chắn ABM đã dồn dập diễn ra tại Rumani. Ngày 2/5, Hội đồng Quốc phòng tối cao Rumani (CSAT) đã chấp thuận việc sử dụng sân bay Mihail Kogalniceanu và cảng Constanta trong Biển Đen làm điểm trung chuyển cho công tác tiếp vận quân sự.

Ngay ngày hôm sau 3/5, Rumani tiếp tục thông báo 2 nước đã đạt thỏa thuận về việc triển khai các tên lửa đánh chặn trong hệ thống lá chắn ABM của Mỹ tại căn cứ không quân Deveselu ở miền Nam Rumani. Các căn cứ trung chuyển tiếp vận tại Rumani còn tạo ra một hành lang thuận lợi khiến Mỹ có thể xây dựng một tuyến trung chuyển đến Afghanistan đi qua Gruzia, Azerbaijan và Turmenistan mà không cần qua lãnh thổ Nga, giúp Mỹ giảm sự phụ thuộc vào Mạng lưới phân phối phương Bắc (NDN) đi ngang qua lãnh thổ nước Nga.

Tại buổi lễ công bố thỏa thuận về lá chắn ABM hôm 3/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Ellen Tauscher đã hết lời ca ngợi Rumani là một đồng minh "có giá trị" của NATO. Giới quan sát nhận định, bước tiếp theo là chính quyền Mỹ sẽ tìm mọi cách để đưa quân đội đến đóng tại Rumani. Mặc dù Rumani đã là một thành viên NATO, nhưng cho đến nay nước này vẫn không để cho quân đội NATO đặt chân lên đất mình. Cũng như ở Ba Lan, sau khi các dàn tên lửa được lắp đặt xong xuôi, vấn đề bảo đảm an ninh cho chúng sẽ là lý do "bất khả kháng" cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Rumani.

Theo kế hoạch của Washington, khoảng 200 đến 500 lính Mỹ sẽ trú đóng tại căn cứ Deveselu theo thỏa thuận về "những tình huống đặc biệt". Và để bảo đảm cho hoạt động của hệ thống tên lửa ABM tại căn cứ Deveselu, Mỹ sẽ phải chi ít nhất 400 triệu USD/năm. Ngày 12/5, tướng Duncan McNabb, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy tiếp vận (USTRANSCOM) đã đến Rumani để hoàn tất những bước thủ tục cuối cùng trước khi các thỏa thuận giữa 2 bên được trình lên Quốc hội xem xét.

Hiện tại, Nga vẫn đang thận trọng theo dõi các động thái của Mỹ và Rumani liên quan đến việc lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa ABM. Bộ Ngoại giao Nga hôm 5/5 đã ra thông cáo nói rằng việc lắp đặt hệ thống ABM có thể đặt ra nguy cơ cho sức mạnh phòng thủ hạt nhân chiến lược của Nga trong tương lai. Điều cốt tử là Mỹ cần phải bảo đảm chắc chắn rằng hệ thống tên lửa đó không nhắm vào sức mạnh hạt nhân chiến lược của Nga.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người cho rằng việc Mỹ lắp đặt hệ thống ABM tại Rumani đang đặt Biển Đen trước một nguy cơ chạy đua vũ trang mới. Theo đánh giá của Đô đốc Viktor Kravchenko, cựu Tổng tư lệnh Hải quân Nga, căn cứ phòng thủ tên lửa mới của Mỹ trên đất Rumani sẽ phá vỡ thế cân bằng sức mạnh trong khu vực Biển Đen.

Đáng quan tâm nhất chính là sự hiện diện của Hải quân và Không quân Mỹ trong Biển Đen sẽ đặt Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol ở thế "bị đe dọa trực tiếp", vì vậy Nga sẽ phải tăng cường "khả năng chiến đấu" cho Hạm đội Biển Đen của mình. Do đó, cho dù Mỹ đã cố trấn an Moskva, nhưng như Giáo sư Konstantin Sivkov tại Học viện Địa chính trị Nga nhận xét, vẫn không ngăn được người Nga xem việc lắp đặt hệ thống ABM tại Rumani của Mỹ là hành động nhằm trực tiếp đe dọa an ninh nước Nga, là thêm một căn cứ quân sự nữa được Mỹ lắp đặt trong chiến lược "bao vây nước Nga". Vì vậy, chắc chắn nước Nga sẽ triển khai một "Kế hoạch B" để giảm thiểu nguy cơ đối với an ninh quốc gia.

Một hệ quả của việc Mỹ triển khai tên lửa vào Biển Đen, như Nga cảnh báo, là các nỗ lực tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu những cuộc thương lượng về các vấn đề liên quan các hệ thống tên lửa ở Ba Lan và nay là Rumani không đạt kết quả. Cho đến nay, các cuộc thương lượng cấp chuyên gia giữa Nga với Mỹ cũng như đàm phán tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu của Nga đều chưa đạt được tiến bộ nào. Điều này đang đặt ra một nguy cơ lớn về việc Nga có thể sẽ không chịu "khoanh tay đứng nhìn" Mỹ tung hoành trong vùng biển lâu nay vẫn được xem là "khu vực riêng" của mình, và chắc chắn sẽ khó tránh khỏi một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có chuyến thăm Iraq vào thượng tuần tháng 5. Chủ đề chính của chuyến đi là tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa Moskva với Baghdad trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc Nga đưa ra một giải pháp giúp các đảng phái Iraq đối thoại hòa giải dân tộc. Bên cạnh đó là việc Nga thúc đẩy các phương án "hợp tác quân sự và kỹ thuật" với Iraq, cũng như sự hợp tác giữa các cơ quan an ninh hai nước trong tình hình mới. Động thái mới này của Nga được xem là nhằm khôi phục lại những hợp tác vốn có giữa Moskva và Baghdad từ thời Liên Xô.

Đặc biệt, động thái thúc đẩy hợp tác của Nga lại diễn ra đúng vào lúc Iraq đang xem xét lại yêu cầu của Mỹ là tiếp tục kéo dài sự hiện diện quân sự tại Iraq sau năm 2011. Theo thông tin báo chí, Baghdad không muốn quân Mỹ tiếp tục ở lại Iraq, vì sự hiện diện đó cho đến nay đã chứng tỏ là không giúp ích được gì cho an ninh và ổn định chính trị của Iraq

An Châu (tổng hợp)
.
.