Biển Đông có yên tĩnh sau Hội nghị Bali?

Thứ Ba, 09/08/2011, 14:20

5 ngày hoạt động ngoại giao sôi động với đỉnh điểm là Diễn đàn khu vực ASEAN-ARF, diễn ra ngày 23/7/2011, tại Bali, Indonesia, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và các đối tác thu được kết quả đáng ghi nhận nhất là Trung Quốc và ASEAN đã đạt được đồng thuận sau gần 10 năm đàm phán, về bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tạo cơ sở cho việc thảo luận về một bộ luật mang tính ràng buộc.

Trong khuôn khổ bài báo này chỉ tìm lời giải cho 2 câu hỏi: vì sao Bắc Kinh chấp nhận ký vào bản thảo thuận trên và liệu sau đây tình hình biển Đông có yên tĩnh?

DOC là tên viết tắt tiếng Anh của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông, được ký kết ngày 4/11/2002 tại Phnôm Pênh, Campuchia, giữa các nước ASEAN và Trung Quốc nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Mục đích của văn bản này là nhằm thúc đẩy một môi trường hòa bình, ổn định và hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực biển Đông và tạo điều kiện cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này một cách hòa bình và lâu dài. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc về vấn đề biển Đông.

Sở dĩ từ khi tuyên bố DOC được ký năm 2002 đến nay, các bên vẫn chưa thể đạt được một văn bản hướng dẫn thực thi cụ thể là do hai bên bất đồng về cách thức tiến hành: ASEAN muốn bàn bạc, thống nhất với nhau trước, sau đó mới bàn với Trung Quốc; trong khi Trung Quốc không đồng ý “nói chuyện” với ASEAN như là một khối. Mọi nỗ lực của Hiệp hội Đông Nam Á nhằm thúc đẩy Bắc Kinh thực thi lời cam kết đều bị gạt bỏ, đúng theo lập trường không thương thuyết đa phương của mình.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không ngần ngại dùng uy thế của mình để tạo ra tình trạng chia rẽ trong ASEAN trên vấn đề biển Đông, giữa các nước có tranh chấp với Trung Quốc và các nước không dính dáng gì đến hồ sơ này. Nhóm nước thứ hai này được coi là dễ dàng chiều ý Bắc Kinh hơn vì không muốn mất quyền lợi kinh tế thương mại. Thí dụ mới nhất cho thấy điều này là thất bại gần đây của cuộc họp ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh, Trung Quốc (tháng 12/2010) cho dù mục tiêu đề ra được cho là rất khiêm tốn: thông qua dự thảo bản hướng dẫn thực hiện DOC.

Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 ở Bali (Indonesia).

Thế mà lần này, Trung Quốc đã chấp thuận ký vào bản hướng dẫn thực thi DOC với ASEAN. Trung Quốc ký bản thực thi DOC để ngăn cản Mỹ can thiệp vào biển Đông? Vào đúng ngày Trung Quốc và ASEAN đạt được đồng thuận về dự thảo hướng dẫn thực thi DOC, Bắc Kinh lên tiếng nhắc lại lập trường của mình là không chấp nhận để cho Mỹ can thiệp vào hồ sơ này. Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc, ra ngày 20/7/2011, cho rằng Mỹ nên đứng ngoài những căng thẳng do tranh chấp ở biển Đông. Thực ra, những tuyên bố này của Trung Quốc không có gì mới so với trước đây, nhưng căng thẳng tại biển Đông trong thời gian qua, xuất phát từ những quyết đoán và hành động đơn phương thể hiện chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông. Tất cả những động thái này đã buộc một số nước Đông Nam Á kêu gọi sự can thiệp của Mỹ. Đáp lại, Mỹ tuyên bố sẵn sàng nâng cao khả năng phòng thủ của Philippines, đồng minh của Mỹ.

Theo giới quan sát, trước mắt, việc đạt được thỏa thuận về bản hướng dẫn thực thi DOC, cho dù chỉ ở mức tối thiểu, cũng là một bước tiến và như nhận định của một nhà ngoại giao ASEAN, được Hãng tin Kyodo của Nhật Bản trích dẫn, thì sự năng động của Mỹ buộc Trung Quốc phải đối thoại với ASEAN về hồ sơ biển Đông.

Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu thỏa thuận ASEAN - Trung Quốc về vấn đề biển Đông có phải là bước khởi đầu trong tiến trình giải quyết các tranh chấp hay đó chỉ là một chiêu hoãn binh của Trung Quốc? Nhận định về điều này, Rory Medcaff, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy, Australia, cho biết thực ra thỏa thuận ASEAN - Trung Quốc phải được xem là bước thứ hai trong việc giải quyết các tranh chấp tại vùng biển này sau khi Tuyên bố DOC được ký kết năm 2002. Do đó, thỏa thuận mới lần này chỉ là bản hướng dẫn thực hiện DOC và chưa có nhiều hứa hẹn. Điều tối quan trọng hiện nay là làm sao để Trung Quốc chi tiết hóa các quy định về hành vi ứng xử trên thỏa thuận chung và bắt đầu việc thương lượng trên cơ sở đó.

Nhìn một cách khách quan, việc mang vấn đề biển Đông ra để thảo luận ở một diễn đàn mang tầm quốc tế lần này cũng là một bước tiến tích cực.

Cái khó nằm ở chỗ DOC chỉ là văn bản chính trị không có chế tài để xử lý vi phạm. Các điều khoản cũng chưa đầy đủ để kiềm chế hành động của các bên và một số điều khoản chưa rõ ràng để quy chiếu. Việc hai bên đạt được thống nhất về văn bản hướng dẫn DOC chỉ là bước nhỏ trong quản lý tranh chấp biển Đông. Văn bản chỉ thể hiện là Trung Quốc và ASEAN có thể ngồi đàm phán và đạt được thỏa thuận với nhau. Cả DOC và văn bản hướng dẫn này không đủ hiệu lực để ngăn ngừa các hành vi làm phức tạp, căng thẳng tình hình của các bên. Thực tiễn cho thấy hai công cụ cơ bản này không đủ để quản lý hiệu quả các tranh chấp và không đủ hiệu lực để duy trì ổn định ở biển Đông. Do đó rất cần có một văn bản mới có giá trị pháp lý quy định đầy đủ các điều khoản điều chỉnh hành vi của các bên liên quan thì mới có thể giúp quản lý hiệu quả tranh chấp biển Đông.

Liệu tình hình căng thẳng tại biển Đông có dịu bớt sau khi Hội nghị Bali chấm dứt hay không?

Văn Bôl (tổng hợp)
.
.