Biển Đông một năm "sóng gió"

Thứ Tư, 06/01/2010, 17:15
Bruce A. Elleman, Giáo sư Trường cao đẳng Hải quân Mỹ, nhận xét trong cuốn "An ninh và chính trị quốc tế ở biển Đông": "Các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông xem ra rất phức tạp. Tuy nhiên, trong tất cả các nước đang tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở biển Đông, chỉ có TQ liên tục tìm cách xây dựng và củng cố rất nhiều cơ sở hạ tầng để phục vụ các mục tiêu chiến lược cho một ngày nào đó nếu họ cần dùng đến vũ lực".

Biển Đông, nằm ở phía đông nước ta, là biển rìa lớn nhất của Thái Bình Dương, được bao bọc bởi lục địa châu Á, bán đảo Malacca, đảo Đài Loan, Philippines và đảo Kalimantan. Việt Nam là 1 trong 9 nước tiếp giáp với biển Đông (các nước khác là Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Singapore).

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, với diện tích khoảng 3,5 triệu km2 (gấp 8 lần biển Đen và 1,2 lần Địa Trung Hải), biển Đông tạo ra hệ thống đường hàng hải được coi là huyết mạch nối liền châu Âu, châu Phi và Trung Cận Đông với Đông Á và Thái Bình Dương. Hoạt động hàng hải trên biển Đông được xếp hạng vào loại nhộn nhịp thứ nhì thế giới, với khoảng 30% khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển qua đây mỗi năm. Dưới đáy biển Đông là một kho báu tài nguyên thiên nhiên khổng lồ với nhiều loại khoáng sản quý, đặc biệt là dầu khí. Về mặt quân sự, biển Đông có vị trí hết sức trọng yếu trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của nhiều quốc gia. 

Vì vậy, thật dễ hiểu khi những diễn biến liên quan đến tình hình chính trị, an ninh, quân sự và kinh tế trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này luôn trở thành tâm điểm chú ý đối với các nhà hoạch định chính sách, các học giả, các nhà khoa học và giới truyền thông quốc tế mà năm 2009 được coi là một năm đầy biến động, một năm "sóng gió" đối với biển Đông.

Tàu chiến của Trung Quốc "lượn quanh và diễu hành một cách khiêu khích và nguy hiểm sát ngay khu vực chiến lược hạm Mỹ USNS Inpeccbable" (Ảnh do Hải quân Mỹ công bố).

Khởi đầu là vụ các tàu chiến Trung Quốc (TQ) không ngần ngại cản đường tàu thăm dò USNS Impeccable của Hải quân Mỹ trên biển Đông ngày 8/3/2009 mà suýt nữa xảy ra tai nạn. Tiếp đó, hồi trung tuần tháng 6,  một tàu ngầm của TQ đã va vào một chiếc ăngten máy sonar do chiến hạm USS John S. McCain kéo theo, khi chiếc tàu chiến Mỹ này cùng với hai chiến hạm khác của Mỹ  tham gia tập trận với hải quân 6 quốc gia Đông Nam Á.

Hai "sự cố" trên đây, theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đã "làm khơi dậy lại những mối quan ngại trong vùng Đông Nam Á rằng, sự đối chọi chiến lược Mỹ - Trung có thể tác hại đến sự ổn định của khu vực".

Tuy nhiên, sự kiện làm dư luận hết sức ngạc nhiên là ngày 7/5, TQ đã lần đầu tiên trưng ra một bản đồ với 9 đường kẻ ngắt quãng (đường gián đoạn) thể hiện đòi hỏi chủ quyền của họ trên biển Đông kèm theo lời phản đối của họ đối với các hồ sơ đăng ký riêng của Việt Nam và chung của Việt Nam và Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý được trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (UNCLCS) một ngày trước đó.

Người ta ngạc nhiên vì  9 đường kẻ ngắt quãng trên bản đồ do TQ đưa ra tạo thành một vùng có hình chữ U, còn gọi là đường lưỡi bò, bao phủ tới 80% diện tích biển Đông. Đấy chỉ là kích cỡ của cái "lưỡi bò". Còn một khi nổi máu bành trướng hăng hơn, nó mà "liếm" một cái thì có khi hết sạch biển Đông. Tất nhiên, cái bản đồ do TQ tự vẽ không có giá trị pháp lý và đã vấp phải sự phản đối của  nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia có các vùng biển, đảo bị cái "lưỡi bò" tham lam này lấn mất, trong đó có những vùng biển cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cũng trong tháng 5, TQ còn tự đặt ra lệnh cấm đánh cá có hiệu lực từ ngày 16/5 đến 1/8 (sớm hơn một tháng so với những năm trước) trên một khu vực rộng 128.000km2, trong đó có những vùng biển và đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Để bảo đảm việc thực thi lệnh cấm này, họ cho 8 tàu tuần tra đến khu vực, tạo "sức ép" rất lớn, cả trên thực tế và trong tâm lý, đối với hàng nghìn ngư dân Việt Nam thường xuyên hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong năm 2009, đã xảy ra quá nhiều vụ nhân viên vũ trang TQ bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam, thậm chí còn đánh đập họ dã man, cướp bóc tài sản của họ hoặc có trường hợp đâm chìm tàu cá của họ hoặc bắt họ nộp phạt với số tiền mà họ có bán tất cả tài sản cũng không đủ để nộp. Những vụ này xảy ra không chỉ khi ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà ngay cả khi họ vào tránh bão trong các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị TQ chiếm, thể hiện sự vô nhân đạo của các nhân viên vũ trang TQ. Đây chính là những hành động gây bất bình trong dư luận, làm "dậy sóng" trong lòng dân Việt Nam.

Đài RFI của Pháp ngày 22/6 bình luận: "Đây không phải là lần đầu tiên TQ ra lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng biển Đông, nhưng năm nay, Bắc Kinh tỏ thái độ cứng rắn khác thường trong việc buộc mọi người tuân thủ lệnh này bằng cách cử đội tàu hùng hậu xuống tuần tra. Một số vụ bắt giữ và phạt vạ các tàu đánh cá của Việt Nam đã diễn ra".

Giáo sư Ramses Amer, thuộc Trường đại học Stockholm (Thụy Điển), chuyên nghiên cứu về các tranh chấp lãnh hải tại biển Đông, được RFI dẫn lời, cho rằng, "lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh ban hành hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu bảo vệ nguồn cá như họ nêu lên, mà đó là một chiến thuật để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển Đông".   

TQ còn có nhiều động thái khác làm biển Đông "dậy sóng". Ngày 8/11/2009, chính quyền tỉnh Hải Nam (TQ) đã quyết định thành lập Ủy ban thôn trên hai đảo Vĩnh Hưng và Triệu Thuật, tức đảo Phú Lâm và đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam  mà TQ đang chiếm giữ trái phép.

Ngày 26/11, đúng vào ngày khai mạc cuộc Hội thảo quốc tế về biển Đông tổ chức tại Hà Nội, Tân Hoa xã đưa tin các đảo Tây Sa và Nam Sa" (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Và gần đây nhất,  ngày 26/12, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) TQ đã thông qua cái gọi là  "Luật bảo vệ hải đảo" mà Việt Nam coi là "hoàn toàn không có giá trị pháp lý", như tuyên bố ngày 29/12 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta,  vì nó liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở biển Đông.

Chưa hết, năm 2009, TQ còn tăng cường và phô trương lực lượng quân sự trên biển Đông. Giáo sư Carl  Thayer đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng chiến lược của căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam trong việc giúp TQ vươn ra biển Đông và Thái Bình Dương. Theo mô tả của Giáo sư Thayer thì TQ không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về dụng ý của họ, nhưng về năng lực thì đã thấy cầu tàu và bến cảng ở căn cứ này có thể được dùng cho nhiều chiến hạm và một tàu ngầm nguyên tử; và một số công trình khác đang được thực hiện để có thể tiếp nhận những chiến hạm lớn hơn, thậm chí hàng không mẫu hạm. Ngoài ra, vẫn theo giáo sư người Australia này,  TQ cũng đã mở rộng một sân bay  trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, củng cố cơ sở trên đảo Chữ Thập ở Trường Sa...

Giáo sư Thayer cho rằng, sự hiện diện của căn cứ Tam Á với các phương tiện chiến tranh hiện đại như tàu ngầm trang bị đầu đạn hạt nhân và hỏa tiễn liên lục địa sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tương quan lực lượng trong vùng. Ông kết luận: ''Việc Hải quân TQ hiện đại hóa là một thách thức và cũng là mối đe dọa tiềm tàng cho tất cả vùng Đông Nam Á...".

Trong khi phía TQ thực hiện nhiều hành động được coi là gây "sóng"  trên biển Đông, thì chiến dịch tuyên truyền trên các trang mạng của họ cũng đã góp thêm "gió" khi đưa ra nhiều thông tin mang tính kích động hoặc thể hiện tư tưởng nước lớn. Mạng milchina.com ngày 23/5/2009, theo trích dẫn của BBC, đã vu cáo "Việt Nam ăn sống TQ, chuẩn bị chiếm thêm mấy đảo nữa của TQ". Trong khi đó,  mạng Trung quân võng ngày 25/5/2009, vẫn theo BBC, lại lên giọng: "TQ cứng rắn ra lệnh ngừng đánh cá đã 12 ngày mà không có ai dám trái ý TQ" và  "chỉ cần TQ đằng hắng một cái là các nước nhỏ Đông Nam Á sợ "; còn Hoàn cầu thời báo ngày 5/7/2009 thì đưa tin: "92% dân mạng TQ tán thành dùng vũ lực giải quyết vấn đề Nam hải (biển Đông)" v.v. và v.v...

Những việc làm trên đây của phía TQ rõ ràng đã làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất phức tạp trên biển Đông.

Bruce A. Elleman, Giáo sư Trường cao đẳng Hải quân Mỹ, trong cuốn "An ninh và chính trị quốc tế ở biển Đông", do Nhà xuất bản Routledge ở New York ấn hành năm 2009, theo trích thuật của TTXVN, đã nhận xét: "Các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông xem ra rất phức tạp. Tuy nhiên, trong tất cả các nước đang tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở biển Đông, chỉ có TQ liên tục tìm cách xây dựng và củng cố rất nhiều cơ sở hạ tầng để phục vụ các mục tiêu chiến lược cho một ngày nào đó nếu họ cần dùng đến vũ lực".

Với một TQ đầy tham vọng như vậy, biển Đông thật khó bề "lặng sóng"

Lưu Nguyễn
.
.