Biến đổi khí hậu: Những thảm họa

Thứ Ba, 19/11/2013, 18:50

Hội nghị Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP 19) từ ngày 11/11 đến ngày 22/11 ở Warsaw (Ba Lan) đã trở nên nóng hơn với đề tài những hậu quả khốc liệt của thiên tai và sự bất thường trong biến đổi khí hậu khiến cho các quốc gia nghèo, đang phát triển trở thành nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất do kiểu vô trách nhiệm của các nước giàu.

Ngay trong ngày mở đầu Hội nghị COP 19, ngày 11/11, ông Trưởng đoàn Philippines Naderev Sano đã làm cho cả hội trường lặng phắc với bài phát biểu ngắn gọn nhưng xúc động về trận bão kinh hoàng tàn phá quê hương ông, gây ra cái chết thương tâm cho hàng ngàn người, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa. Những câu hỏi nhức nhối được ông Sano đặt ra cho thảm họa thiên tai đổ dồn dập xuống quê hương ông: Tại sao bão đổ bộ vào Philippines cứ ngày càng nhiều hơn, ngày càng mạnh hơn và tàn phá dữ dội hơn?

Ông Sano đã nhắc lại với đại biểu các nước về bài phát biểu của ông tại một hội nghị bàn về biến đổi khí hậu hồi đầu năm nay, khi cơn bão trái mùa Bopha đổ bộ vào Philippines. Khi đó ông đã kêu gọi thế giới hãy hành động ngay, không chần chừ để giảm bớt những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt. Bây giờ, Sano cũng lặp lại lời kêu gọi đó.

“Khủng hoảng khí hậu là một sự điên rồ. Chúng ta có thể ngăn chặn sự điên rồ này ngay tại đây, ở Warsaw" - ông Sano nói. Lời nói của ông Sano càng có sức thuyết phục hơn bởi ngay lúc đó, áp thấp nhiệt đới Zoraida tiếp tục hướng về khu vực vừa bị bão Hải Yến tàn phá. May mắn thay, điều ông lo sợ đã không xảy ra.

Phái đoàn Philippines mặc niệm nạn nhân bão Hải Yến trước khi tham luận tại Hội nghị COP 19.

Để tỏ rõ quyết tâm của mình, ngay sau bài phát biểu, ông Sano đã tuyên bố tuyệt thực cho đến khi nào các đại biểu dự Hội nghị COP 19 tìm ra được giải pháp giảm nhẹ thiên tai - ký kết một hiệp ước khung mới về biến đổi khí hậu thay thế cho Nghị định thư Kyoto đã không còn hiệu lực, hiệu quả trong việc kéo giảm phát thải khí nhà kính.

Theo sau ông Sano, hàng loạt nhà hoạt động bảo vệ môi trường của các quốc gia như Sri Lanka, Ukraina, Ba Lan, Ấn Độ và Mỹ tham gia hội nghị cũng tuyên bố tuyệt thực để ủng hộ Philippines kêu gọi cộng đồng thế giới phải có hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

Thảm họa siêu bão Hải Yến ở Philippines là điển hình thiên tai xảy ra ngay trước thềm Hội nghị COP 19 như một minh chứng hùng hồn nhất về hậu quả của biến đổi khí hậu. Nó đã trở thành đề tài chính được nhiều nước đưa ra để thảo luận, để tranh luận về trách nhiệm chung của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Người ta nói đến sự bất công trong biến đổi khí hậu không chỉ về mặt phát thải khí nhà kính, mà còn về hậu quả của nó. Vì thế, các nước đang phát triển đòi hỏi các nước giàu, phát triển phải có trách nhiệm đối với cuộc chiến chung này.

Xét về mặt lịch sử, các nước giàu, phát triển chính là thủ phạm lâu dài nhất gây ra tình trạng trái đất nóng lên. Các nước này, qua quá trình phát triển các ngành công nghiệp của mình đã thải ra hàng triệu, hàng tỉ tấn khí gây ô nhiễm môi trường, như CO, CO2, CFC,…

Ngay trong thời điểm hiện tại, sự bất công trong việc thải khí gây biến đổi khí hậu cũng đang diễn ra hằng ngày: nước chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu là Philippines chỉ thải ra 0,9 tấn khí cacbon trên đầu người, trong khi nước giàu nhất thế giới, ít chịu thiệt hại hơn là Mỹ lại thải ra đến 17,6 tấn trên đầu người.

Tacloban của Philippines, tan hoang sau bão Hải Yến.

Các loại khí độc hại được thải ra ngày càng nhiều đang làm cho bầu khí quyển của trái đất nóng lên, làm cho các khối băng ở hai đầu cực tan chảy đẩy mực nước biển dâng lên. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, có sự liên quan mật thiết giữa biến đổi khí hậu với sự gia tăng số lượng và cường độ bão ở các quốc gia nằm gần khu vực xích đạo, như Philippines, Việt Nam,…

Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, các quốc gia giàu có, nằm ở vĩ tuyến càng cao (gần cực trái đất) thì nhiệt độ tăng nhiều hơn, nhưng lại chịu ảnh hưởng ít hơn bởi biến đổi khí hậu. Ngược lại, các quốc gia nằm càng gần xích đạo thì chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, nhất là hiện tượng gia tăng cường độ và số lượng các cơn bão ở các khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, cụ thể là cao hơn 15-20% so với mức trung bình toàn cầu.

Bên cạnh đó là tình trạng hạn hán xảy ra ở những quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi. Các nước nghèo ở những vùng trũng sẽ đối mặt với ngập lụt thường xuyên và ngập nặng hơn.

Ở các quốc gia ven biển, người nghèo hơn bị đẩy ra những vùng đất nguy hiểm hơn, sẽ là các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão tố, nước ngập. Biến đổi khí hậu không chỉ gây thiệt hại về người mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế các quốc gia nghèo, đang phát triển như Philippines, Bangladesh...

An Châu (tổng hợp)
.
.