Biểu quyết của EU về các lãnh thổ bị Israel chiếm đóng: Thời điểm của sự thật đang đến

Thứ Ba, 23/07/2013, 10:50

EU đã biểu quyết một văn bản quy định từ năm 2014 sẽ loại bỏ các lãnh thổ bị chiếm đóng ra khỏi những thỏa ước hợp tác giữa EU với Israel. Thủ tướng Israel Netanyahu bất bình cho rằng đây là một sự áp đặt. Các nhà quan sát cho rằng, nếu Israel không ký thỏa ước với EU để khỏi phải phê chuẩn điều khoản đáng phiền đó, thiệt hại cho nền kinh tế Israel sẽ tính bằng hàng trăm triệu euro, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Israel không hài lòng với quy định mới của EU dự trù từ năm 2014 sẽ loại bỏ các lãnh thổ bị chiếm đóng ra khỏi sự hợp tác giữa EU và Israel. "Chúng tôi không chấp nhận sự áp đặt từ bên ngoài vào biên giới của chúng tôi" - Thủ tướng Netanyahu tuyên bố và đã triệu tập một cuộc họp khẩn các bộ trưởng Tư pháp, Thương mại và thứ trưởng Ngoại giao để bàn về các "đường lối chỉ đạo" mà EU đã thông qua từ tháng 6 và được công bố chính thức trong tuần này.

Những đường lối này quy định "mọi thỏa ước giữa Israel và EU phải nêu rõ ràng và cụ thể rằng sẽ không áp dụng đối với các lãnh thổ bị Israel chiếm đóng vào năm 1967". Những đường lối đó "được áp dụng cho mọi khoản vay và công cụ tài chính do EU tài trợ kể từ năm 2014".

Tuy nhiên, EU đã giảm nhẹ tầm mức của các định hướng đó bằng cách nói thêm rằng sẽ có những sự giải thích rõ ràng "liên quan đến một số rất ít các trường hợp". Những quy định mới này "xác lập một sự phân biệt giữa Israel và những thực thể tại khu Bờ Tây, Đông Jerusalem, Dải Gaza và Cao nguyên Golan", tức các lãnh thổ của Palestine và Syria bị Israel chiếm đóng.

Theo một số quan chức Israel được tờ Haaretz nhắc đến, Israel đang đối mặt với một sự tiến thoái lưỡng nan: hoặc là ký kết một điều khoản viện dẫn các đường lối 1967 mà Chính phủ Israel đã không thừa nhận, hoặc phải từ bỏ nhiều dự án hợp tác quan trọng với đối tác thương mại chính là EU. Kể từ nay, nếu Chính phủ Israel muốn ký kết hiệp ước với EU hoặc một trong số các thành viên EU, họ phải thừa nhận bằng văn bản rằng các khu định cư ở khu Bờ Tây không thuộc về Israel.

Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Youval Steinitz nhắc nhở: không nên đặt nặng ảnh hưởng của đường lối hành chính phiền phức đó vì nó chỉ áp dụng cho các thỏa ước trong tương lai chứ không áp dụng đối với những thỏa ước đã ký kết.

Khu định cư cho người Do Thái ở vùng đất chiếm đóng của Palestine trong khu bờ Tây.

Hôm 16/7 vừa qua, Chính phủ Palestine đã khen ngợi sáng kiến này của châu Âu như là "một giai đoạn rất quan trọng để chặn đứng việc xây dựng các khu định cư và chấm dứt sự chiếm đóng". Hanane Achraoui, thành viên Ban chấp hành của Tổ chức Giải phóng Palestine, tỏ ra vui mừng vì EU "đã có một bước tiến lớn về lập trường khi vượt qua giai đoạn tuyên bố bằng lời để chuyển sang những biện pháp thực tiễn sẽ có hệ quả tích cực đến các cơ hội hòa bình".

Thủ tướng Israel Netanyahu hôm 17/7 đã nói chuyện qua điện thoại với các quan chức châu Âu để thuyết phục họ dời lại quyết định đó hay ít nhất là sửa đổi việc áp dụng. Ông cũng thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và khẳng định rằng, quyết định đó "làm phương hại đến các nỗ lực nối lại đàm phán với Palestine". Giới truyền thông cho rằng, nếu Israel không ký thỏa ước với EU để khỏi phải phê chuẩn điều khoản đáng phiền đó, thiệt hại cho nền kinh tế Israel sẽ tính bằng hàng trăm triệu euro, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Theo bà Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni, đảm trách đàm phán với Palestine, "chính sách trì trệ về vấn đề Palestine đã tạo ra một khoảng trống mà cộng đồng quốc tế cố chui vào. Tôi hy vọng điều này sẽ là một tín hiệu báo động để dẫn đến việc nối lại đàm phán với Palestine".

Tờ Haaretz  nhận định rằng, sự kiên nhẫn của các chính phủ châu Âu đối với Israel đã kết thúc và "thời điểm của sự thật" đang đến gần. "Chính phủ Israel phải quyết định xem có sẵn sàng tiếp tục đặt tương lai đất nước hiểm nguy bằng cách theo đuổi việc chiếm đóng không". Còn tờ Yediot Aharonot dẫn lời các quan chức cấp cao của Israel cho rằng, sáng kiến của EU có sự phối hợp với chính quyền Mỹ nhằm khuyến cáo Chính phủ Israel nên mềm dẻo hơn để nối lại đàm phán.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định rằng, Israel và Palestine đang đến gần việc nối lại đàm phán sau khi ông đã gặp gỡ với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Trước khi sang Palestine, Ngoại trưởng John Kerry đã nhất quyết giúp nối lại việc đàm phán vốn đã đình trệ từ năm 2010.

"Bằng những nỗ lực lớn lao và kiên quyết, chúng tôi đã giúp giảm thiểu các bất đồng giữa Israel và Palestine một cách đáng kể" - ông tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Amman (Jordan)

Mặc Lâm (tổng hợp)
.
.