Bồ Đào Nha: Ngăn chặn khủng hoảng chính trị

Thứ Năm, 11/07/2013, 16:30

Các nhà lãnh đạo Bồ Ðào Nha ngày 4/7 đã cố gắng cứu vãn chính phủ liên hiệp sau khi hai thành viên chủ chốt trong nội các từ chức. Tình trạng khủng hoảng chính trị ở Bồ Ðào Nha đã làm rúng động các thị trường, và các đối tác châu Âu e rằng chính sách khắc khổ sẽ không tiếp tục được. Các chuyên gia nói đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng của khu vực sử dụng đồng Euro còn lâu mới chấm dứt.

Thủ tướng Pedro Passos Coelho đang họp với nhà lãnh đạo của đảng CDS-PP cánh hữu để hàn gắn mối chia rẽ đã bùng phát sau khi Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngoại giao đã từ chức trong tuần này. Sau sự ra đi của Bộ trưởng Tài chính Vitor Gaspar hôm 1/7, ngày 2/7 đến lượt Ngoại trưởng Paulo Portas từ chức, do bất đồng với Thủ tướng Coelho trong chính sách kiệm ước khắt khe của Bồ Ðào Nha.

Ông Coelho cho biết rất bất ngờ trước quyết định này, và từ chối đơn từ nhiệm của ông Portas - nhân vật số hai trong chính phủ và là người lãnh đạo đảng bảo thủ CDS-PP, đối tác của đảng Dân chủ Xã hội trong liên minh trung tả nắm quyền từ năm 2011.

Ramon Pacheco Pardo thuộc bộ phận Nghiên cứu châu Âu và Quốc tế tại Trường đại học King’s, London nói rằng đây là một sự thay đổi cho chính phủ Bồ Ðào Nha, mà cho đến nay dường như vẫn thống nhất trong cuộc vận động tiết kiệm. Theo ông, ở thời điểm này, chưa rõ điều gì sẽ xảy ra, nhưng nếu các cuộc đàm phán thất bại thì có thể có những cuộc bầu cử mới trong thời gian tới.

Tuy vậy, Thủ tướng Pedro Passos Coelho, hôm 2/7 trong một bài diễn văn trang trọng vẫn khẳng định sẽ không từ chức. Ông cố giữ vẻ bình thường khi vẫn đến Berlin tham dự một hội nghị về việc làm cho giới trẻ như đã dự kiến. Thủ tướng Bồ Đào Nha thậm chí còn cam đoan là sẽ cố vượt qua khủng hoảng cùng với đảng liên kết CDS-PP, để duy trì ổn định chính trị của đất nước.

Nhưng các nhà phân tích lo ngại hai đảng này khó thể lại đồng thuận với nhau. Hơn nữa báo chí Bồ Đào Nha còn cho biết Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng An sinh Xã hội thuộc đảng của Thủ tướng Pedro Passos Coelho cũng sẽ từ chức.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Coehlo (trái) và Ngoại trưởng Portas. Ảnh: Reuters.

Nhiều nhà bình luận cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ làm tan rã liên minh đã giúp chính phủ có được đa số trong Quốc hội, để thực thi các biện pháp khắc khổ do châu Âu đòi hỏi trong hai năm qua, nhằm đổi lấy gói cứu trợ 78 tỉ euro. Kịch bản có nhiều khả năng diễn ra nhất là việc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.

Trên lĩnh vực kinh tế tài chính, một số người đã đề cập đến khả năng Bồ Đào Nha phải yêu cầu một kế hoạch cứu trợ lần thứ hai, và rơi vào tình trạng tương tự như Hy Lạp, đang sống nhờ tiền hỗ trợ. Bộ ba Liên hiệp châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu và các chủ nợ của Bồ Đào Nha vào ngày 15/7 tới sẽ họp lại đánh giá các cải cách của nước này, đang bị suy thoái và thất nghiệp kỷ lục. Các cải cách đó là một điều kiện tiên quyết để Bồ Đào Nha được hưởng phần sắp tới trong khoản cho vay quốc tế.

Đầu tháng trước, Thủ tướng Pedro Passos Coelho đã thông báo thêm hàng loạt các biện pháp cắt giảm chi tiêu. Một trong những biện pháp được thông báo là người lao động Bồ Đào Nha không thể nghỉ hưu trước 66 tuổi, giờ làm việc hàng tuần của giới công nhân viên chức nhà nước đang từ 35 giờ phải tăng lên thành 40 giờ. Trong năm tới, chính phủ sẽ cho 30.000 trên tổng số 700.000 nhân viên nghỉ việc.

Thủ tướng Bồ Đào Nha hy vọng với những biện pháp nói trên sẽ tiết kiệm được khoảng 4,8 tỉ euro trong hai năm sắp tới. Mục tiêu sau cùng của Lisbon giảm bội chi ngân sách đang từ 5,5% trong tài khóa 2013 xuống còn 4,4% GDP vào năm tới và 2,5% vào năm 2015.

Chính phủ Bồ Đào Nha đang cố gắng hoàn tất chương trình cứu nguy 102 tỉ USD vào năm tới. Nhưng cuộc vận động tiết kiệm, là một điều kiện cho khoản cho vay của quốc tế, đã khiến nước này lún sâu thêm vào tình trạng suy thoái kinh tế tệ hại nhất từ thập niên 70 của thế kỷ XX. Chuyên gia Pardo nhận định quyết tâm của chính phủ theo đuổi chương trình kiệm ước có thể đang suy sụp. Và nếu Bồ Ðào Nha bắt đầu chuyển ra khỏi chương trình kiệm ước, thì các quốc gia châu Âu khác có thể làm theo.

Ông Pardo nói: “Có nhiều khả năng các nước châu Âu khác, và chúng ta thấy sự kiện này rõ hơn ở Hy Lạp chẳng hạn, các chính trị gia có thể không sẵn sàng tiếp tục các biện pháp cắt giảm này”.

Hậu quả đầu tiên của cuộc khủng hoảng chính trị là lãi suất vay thời hạn 10 năm của Bồ Đào Nha lần đầu tiên kể từ tháng 11/2012 đã vượt qua mức 8%. Christian Schweiger, một chuyên gia về châu Âu tại Trường đại học Durham, nói rằng phản ứng của thị trường là đáng lo ngại. Ông Schweiger nói: “Ðiều này chứng tỏ rằng cuộc khủng hoảng châu  Âu dứt khoát là chưa kết thúc”. Và ông nói Bồ Ðào Nha không phải đứng một mình. Sự bất mãn của công chúng về chương trình kiệm ước lan rộng khắp châu Âu, ít nhất không phải vì các mức thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ. Các nước sử dụng đồng euro có thể chứng kiến tình trạng bất ổn gia tăng.

Tuy vậy trước mắt nhiều nhà phân tích không băn khoăn nhiều về tác động của cuộc khủng hoảng này, vì nhu cầu tài chính Bồ Đào Nha được đảm bảo cho đến cuối năm

MộcThạch (tổng hợp)
.
.