Tổng thống Mỹ và đối sách trước khủng hoảng Iraq:

Bỏ thì thương, vương thì tội

Thứ Ba, 08/07/2014, 18:40

Nếu liên kết những tuyên bố mà người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra trong quãng thời gian tính từ khi tình hình nhiễu loạn bắt đầu xảy ra ở Iraq từ đầu tháng đến nay có thể thấy Tổng thống B. Obama đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Như vào đầu tuần trước, ông còn cho biết đang "cân nhắc mọi lựa chọn" nhằm giúp Iraq giữ quân nổi dậy ngoài bán kính 80km của Baghdad, nhưng bác bỏ khả năng đưa bộ binh trở lại.

Phe Cộng hòa được thể lại đua nhau chỉ trích Tổng thống về sự sụp đổ quá nhanh của hệ thống an ninh Iraq mà Mỹ đã đổ hàng tỉ đôla để đào tạo và trang bị vũ khí cho quân đội, lực lượng an ninh nước này trước khi rút quân khỏi đây vào năm 2011. Đến cuối tuần, ông lại nói: Iraq là một nước độc lập nên phải tự giải quyết mọi vấn đề của họ!

Tuy nói vậy nhưng ông đã ra lệnh cho một tàu sân bay và 2 tàu chiến khác tới tuần tra các vùng biển ngoài khơi Iraq. Tên lửa hành trình và máy bay khi được lệnh xuất kích thì sẽ nhằm các mục tiêu là quân nổi dậy Hồi giáo ISIL vốn đã chiếm được một số thành phố ở Iraq.

Bước sang năm thứ 6 của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama lại đối mặt với nước cờ khó gỡ mang tên Iraq.

Loay hoay “bắt cóc bỏ đĩa” ở phương Nam

Ngày 18/6, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey cho biết Chính phủ Iraq đã chính thức đề nghị quân đội Mỹ hỗ trợ về mặt không quân trong cuộc đương đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL). Thông tin này được giới truyền thông xác nhận cùng với diễn biến ông Obama đã có cuộc gặp với các nghị sĩ hàng đầu trong Quốc hội Mỹ để thảo luận về cuộc khủng hoảng Iraq.

Thông điệp của Nhà Trắng đưa ra sau cuộc gặp nhắc lại nội dung: "Tổng thống Obama đã xem lại các nỗ lực hỗ trợ lực lượng an ninh và quân đội Iraq nhằm ngăn chặn mối đe dọa ISIL, trong đó bao gồm các lựa chọn về tăng cường hỗ trợ an ninh", nhưng cũng loại trừ khả năng không kích ISIL bởi ông Obama, được sự khuyến cáo của giới chức quân sự, cho rằng Mỹ thiếu thông tin tình báo đáng tin cậy trong việc xác định các mục tiêu. Trước mắt, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ cho triển khai lực lượng đặc nhiệm nhằm huấn luyện và cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Iraq.

Ngày 19/6, ông Obama tiếp tục khẳng định sẽ không đưa quân đội Mỹ tái tham chiến ở Iraq nhưng “để chống lại những tên khủng bố đang đe dọa đến cuộc sống người dân Iraq”, Washington sẵn sàng cử 300 cố vấn quân sự đến đây. Hành động quân sự ngắn hạn này là "biện pháp tình thế" trong khi chờ đợi Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki mở rộng thành phần chính phủ hiện nằm trong tay người Hồi giáo dòng Shiite.

"Quyền lực không giới hạn" mà Quốc hội Iraq trao cho Thủ tướng Nouri al-Maliki chưa biết sẽ được phát huy như thế nào, chỉ biết rằng hàng ngàn người Shiite từ Baghdad cho tới khắp miền Nam Iraq đều sẵn sàng tham gia lực lượng an ninh để chống lại các chiến binh Hồi giáo ISIL.

Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Iraq Maliki.

Cả Mỹ lẫn Iraq và Iran đều xem ISIL là mối đe dọa tới lợi ích và an ninh của những nước này, nó mang nhiều mối nguy rõ rệt không khác gì mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Al-Qaeda. AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định: Sự trỗi dậy của các phiến quân "đâm cành mọc nhánh" từ tổ chức Al-Qaeda có căn nguyên từ cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003. Bởi lẽ, chính cuộc xâm lược này đã để lại khoảng trống quyền lực và các cuộc xung đột sắc tộc ở Iraq kéo dài.

Hệ quả tồi tệ đang diễn ra ở Iraq là "bản cáo trạng đối với chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm G.W. Bush" khi năm 2003, ông Bush đã viện cớ Baghdad có liên hệ với Al-Qaeda để phát động cuộc chiến tranh. Lợi dụng tình thế này, các lãnh đạo giáo phái ở Iraq trong suốt hơn 10 năm qua tha hồ nổi lên cát cứ khiến Iraq càng tả tơi, manh mún.

Cựu Thủ tướng Tony Blair, người hợp sức với Mỹ đưa nước Anh vào cuộc chiến tranh Iraq chối đây đẩy và "tố cáo ngược" rằng, tình trạng bè phái trong Chính phủ Iraq chính là một trong những nguyên nhân khiến Baghdad không có sự đồng thuận và chính phủ nước này sẽ chỉ biết kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài nếu bị ISIL hoặc lực lượng người Kurd tấn công.

Theo các nhà phân tích, tổ chức ISIL có tính cơ động cao, gọi là "phiến quân" nhưng họ được tôi luyện và trang bị kỹ càng. Trên tờ (Washington Post của Mỹ, ông Douglas Ollivant thuộc Tổ chức Nước Mỹ mới (New America Foundation) nhận xét: ISIL còn mang đặc điểm điều hành của một chính phủ như điều hành các cơ sở giáo dục, tòa án và dịch vụ, treo cờ trắng - đen của tổ chức này tại các cơ sở mà họ kiểm soát. Tại một địa danh mà họ vừa chiếm được, ISIL còn cho hoạt động một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng!

ISIL đã củng cố sức mạnh bằng việc quy nạp hàng nghìn tình nguyện viên nước ngoài ở Syria, và cả một số từ châu Âu và Mỹ. Ước tính hiện có hơn 10.000 người nằm dưới sự điều khiển của tổ chức này. Để có nguồn lực tài chính, tổ chức này cũng không ngừng mở rộng các hoạt động cướp phá và hồi tháng 2 vừa qua, ISIL đã chiếm quyền kiểm soát giếng khí Conoco có giá trị ước tính hàng trăm nghìn USD/tuần từ nhóm Jabhat al-Nusra tại Deir Ezzor ở Syria.

Ẩn họa mới từ phương Bắc

Trong lúc lực lượng an ninh của Iraq đang vất vả đối phó với phe nổi dậy Hồi giáo thì ở miền Bắc, khu vực tự trị phương Bắc đang chuẩn bị nền tảng cho một nhà nước độc lập. Quân đội Kurdistan với tên gọi Peshmergas (Những người xem thường cái chết) đã giành lại đa số vị trí ở miền Bắc do quân đội Iraq bỏ rơi, mở rộng thêm khu vực do người Kurd kiểm soát.

Người Kurd cũng vừa vượt qua một giai đoạn quan trọng trong chặng đường tiến đến độc lập kinh tế bằng cách tăng cường sự hợp tác chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ (TNK). Tháng 5 vừa qua, họ đã bắt đầu xuất khẩu dầu khí nhờ một ống dẫn dầu xuyên qua TNK mà doanh thu sẽ chảy vào một tài khoản ngân hàng của người Kurd chứ không phải vào ngân khố Iraq.

Nước Mỹ đã tiêu tốn hàng trăm triệu đôla để trang bị và huấn luyện cho lực lượng an ninh Iraq.

Từ đầu 2014 Thủ tướng Nuri Al-Maliki đã đối phó với tham vọng dầu hỏa của người Kurd bằng cách hủy bỏ phần trợ cấp hàng tháng từ ngân sách quốc gia. Iraq cũng đệ đơn lên Tòa án Trọng tài quốc tế kiện TNK vì đã thúc đẩy việc xuất khẩu đó mà Baghdad xem như là buôn lậu, đồng thời đe dọa sẽ kiện bất cứ ai mua số dầu xuất khẩu trên.

Trong không khí căng thẳng như thế, người Kurd không còn muốn hỗ trợ về quân sự dưới bất kỳ hình thức nào cho Thủ tướng Maliki. "Chính phủ Iraq đã giữ người Kurd làm con tin và đừng trông mong vào bất kỳ một sự trợ giúp nào từ phía người Kurd, mà không nhắc đến một số yêu cầu của họ" - một cố vấn người Kurd giấu tên cho biết. Lực lượng Peshmergas khẳng định rằng họ không cố giành lại lãnh thổ mà ISIL đang kiểm soát.

"Tại đa số các khu vực, chúng tôi để yên cho họ và họ cũng để yên cho chúng tôi, cũng như dân thường" - tướng Shaukur Zibari của Peshmergas cho biết. Trong suốt nhiều năm, Chính phủ Mỹ đã cố đàm phán nhằm hòa giải Chính phủ Iraq và người Kurd nhưng những nỗ lực đó đều vô vọng vì cả 2 phía luôn có các quan điểm đối nghịch nhau về tương lai của đất nước Iraq.

Trong khi Thủ tướng Maliki hô hào cần thiết lập một sự kiểm soát tập trung -  đặc biệt là về các tài nguyên dầu hỏa chiếm 95% nguồn lợi quốc gia, thì phía Kurd lại đòi hỏi hiến pháp phải quy định cho họ một quy chế tự trị gần như hoàn toàn.

Thời gian gần đây, không khí đã căng thẳng đến mức các thủ lĩnh Kurd đã tỏ ý rằng nếu không có sự nhượng bộ từ phía Thủ tướng Maliki, họ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập, và kết quả hầu như là thắng lợi trong bối cảnh tinh thần ái quốc Kurd đang dâng cao. Sự căng thẳng càng trầm trọng hơn do các mâu thuẫn về lãnh thổ. Sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, nhiều nhóm sắc tộc đã đòi hỏi một dải đất băng ngang đất nước, lợi dụng sự bỏ ngỏ  của vấn đề biên giới chính thức giữa Kurdistan và Iraq.

Tâm điểm biểu trưng của mâu thuẫn này là thành phố dầu hỏa Kirkuk mà nhiều người gọi là "Jerusalem của người Kurd". Ngày 10/6 vừa qua, khi quân đội quốc gia rút lui, cờ Kurd đã được giương lên thay cho quốc kỳ Iraq, và phát ngôn viên người Kurd Jabbar Yawar tuyên bố rằng lực lượng Kurd giờ đây kiểm soát thành phố Kirkik và khu vực lân cận". Nhiều giới chức Kurd cho biết rằng ngay cả những giếng dầu của Iraq giờ cũng đang nằm dưới quyền của binh lính Kurd.

Trong khi cố kiện toàn lãnh thổ, người Kurd vốn không có bờ biển nên cần phải có một lá phổi kinh tế, và vì thế họ quay sang TNK. Trong năm qua họ đã xây một ống dẫn dầu đến biên giới TNK và ký các thỏa ước nhằm quản lý việc xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt đến Địa Trung Hải.

Sự vội vã của TNK trong việc khuyến khích sự tự trị đó đánh dấu một bước ngoặt ngoạn mục của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Trước đây, chính quyền TNK từng lo ngại một Kurdistan độc lập sẽ làm gương cho người Kurd thiểu số tại TNK. Nhưng cuối cùng, ông Erdogan đã bị thuyết phục xét về những quyền lợi chung và nhất là do nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của TNK. Ngoài ra Kurdistan hiện đang giữ vai trò là vùng đệm giữa TNK và miền Nam Iraq trong bối cảnh phe nổi dậy ISIL đang lớn mạnh.

ISIL là ai?

Theo báo Guardian của Anh, ISIL- Islamic State of Iraq and ash-Sham (Nhà nước Hồi giáo ở  Iraq và vùng Cận Ðông) là một tổ chức siêu cực đoan không kém cạnh mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Hiện do một người Iraq có tên Abu Bakr al-Baghdadi dẫn dắt, ISIL là tiền thân của Cộng hòa Hồi giáo Iraq (ISI) - một nhánh Al-Qaeda ở Iraq. Khi cuộc nội chiến Syria mới leo thang thì sự dính líu của ISI với cuộc xung đột này ban đầu chỉ mang tính gián tiếp. Abu Muhammad al-Joulani, một thành viên ISI, đã thành lập tổ chức Jabhat al-Jabhat al-Nusra vào giữa năm 2011 mà sau đó trở thành nhóm thánh chiến chính trong cuộc chiến Syria. Joulani nhận được sự ủng hộ và tài trợ từ ISI và cả Baghdadi.

Tuy nhiên, sau đó Baghdadi muốn giành ảnh hưởng lên tổ chức Jabhat al-Nusra đang ngày càng vững mạnh bằng cách mở rộng trực tiếp hoạt động của ISI vào Syria và ISIS được hình thành vào tháng 4/2013. Sự khác biệt cả về tư tưởng lẫn chiến lược đã dẫn tới những mâu thuẫn  gay gắt ngay trong hàng ngũ lãnh đạo.

ISIS trở nên quá cực đoan và tàn bạo trong con mắt của không chỉ Jabhat al-Nusra mà cả Al-Qaeda, dẫn tới việc thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đã lên tiếng yêu cầu ISIS rời Syria và trở về Iraq. Khi đó, ISIS đã để mất vị trí ở Syria vào tay Jabhat al-Nusra và các hệ phái của tổ chức này. ISIL hiện đã kiểm soát một vùng đất trải dài từ rìa phía tây thành phố Aleppo của Syria tới thành phố Falluja ở miền Tây Iraq và giờ đây là thành phố Mosul ở miền Bắc Iraq.

Đinh Linh - Minh Luân (tổng hợp)
.
.