Kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Bố tôi – Không phải là Đảng viên

Thứ Năm, 30/10/2014, 15:30

Đó là niềm tự hào của gia đình chúng tôi. Thật kỳ lạ! Bởi thế, tôi phải lý giải ngay để tránh sự hiểu lầm của bạn đọc về tư tưởng tác giả bài viết này. Quan niệm của gia đình chúng tôi, bố tôi có là đảng viên hay không, chúng tôi cũng rất tự hào về ông và càng tự hào hơn khi biết ông không phải là đảng viên mà tư tưởng, đạo đức cách mạng, nhận thức về học thuyết Mác - Lênin, lối sống và quan hệ với quần chúng của ông, như một đảng viên cộng sản.

Chính điều đó đã làm không ít bạn bè, đồng đội của tôi và ngay chính bản thân tôi đã hiểu nhầm một thời gian rất dài, khiến tôi phải bí mật xác định thực hư!

Bố tôi tuổi Nhâm Dần (1902). Nếu ông còn sống, năm nay vừa tròn 112 tuổi. Song, ông đã từ biệt gia đình chúng tôi từ năm 1985 ở tuổi 83.

Cuộc đời ông cực kỳ gian nan vất vả. Ông quê gốc xứ Đoài (thuộc Hà Tây cũ), nay thì gọi là ngoại thành Hà Nội. Anh em bạn bè thân thiết thì lại vui đùa bảo tôi: "Anh là quê gốc Hà Nhì - Hà Nhì chính hiệu". Vâng, thì Hà nào cũng là Hà thôi, có sao đâu! Ông sống phiêu bạt, cuối cùng cư trú lâu nhất lại ở một tỉnh miền núi phía Bắc - xã Văn Tiến, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Bây giờ gọi là xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái.

Quê tôi thuộc miền đồng bằng của xứ Quảng Oai cũ (nay là Ba Vì) miền quê thuần nông có pha một chút tiểu thương nho nhỏ. Gia đình tôi nằm trong diện nho nhỏ đó. Bởi, đồng ruộng rộng mênh mông nhưng gia đình tôi một thước cắm dùi không có, nên bố tôi phải bươn chải để nuôi mấy mẹ con tôi. Có lẽ bởi bản năng nghề nghiệp khiến ông phải tự lo bảo vệ cho chính mình. Ông được dân làng xếp loại võ nghệ cao cường là vậy. Bọn trộm cướp sợ ông một phép.

Cũng bởi thế, Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền địa phương đã cử ông làm đội trưởng đội tự vệ làm công tác bảo vệ trật tự trị an. Quả là thời đó cán bộ lãnh đạo cơ sở trình độ còn hạn chế mà người ta đã quán triệt phương châm công tác tổ chức cán bộ là từ công việc mà chọn người, chứ không phải như bây giờ, nhiều nơi vì người mà sắm ra mô hình tổ chức cho "đủ mâm, đủ ghế", công tác trật tự an ninh được đảm bảo.

Bà con thôn xóm quý mến không gọi tên thật của bố tôi: Ông Hai Duệ, mà chỉ gọi bằng cái tên thân thương: Ông Đội và gọi mẹ tôi là bà Đội là vậy!

Trận đói năm 1945, dân ta hàng triệu người chết. Quê tôi lay lắt sống được là nhờ ăn củ chuối. Xứ chuối bạt ngàn nhờ đất bãi phù sa sông Hồng. Vậy mà đó đây cũng có người chết gục ngoài đồng, bên vệ đường. Trước thảm cảnh đó, một đêm Đội trưởng tự vệ Hai Duệ đã vác thuổng lên phá banh kho thóc của Nhật dựng cạnh đình làng cứu đói cho dân. Hành động ấy đã được ghi vào truyền thống lịch sử của xã Tản Hồng, huyện Ba Vì.

Ngay chiều hôm đó, Chánh tổng Tổng Thanh Lạng đã sai một tiểu đội lính xuống bắt Hai Duệ, nhưng ông đã cao chạy xa bay, trốn bên bãi nổi sông Hồng. Ông đi vào hoạt động du kích bí mật từ đó.

Năm 1947, mẹ con tôi bồng bế nhau tản cư về quê ngoại tại xã Phương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ. Bố tôi bám trụ hoạt động tại quê. Năm 1948, ông bị bệnh phong thấp (tràn dịch khớp gối) không đi lại được. Ngồi hầm bí mật nhiều bệnh càng nặng, nên các chú du kích phải bí mật đưa ông sang bãi Mộc lánh tạm rồi chuyển sang vùng tự do Phú Thọ điều trị. Thời đó thuốc men khó khăn bệnh tình kéo dài, ông xa rời tổ chức cách mạng từ đó. Khi bệnh thuyên giảm, ông lần về quê ngoại đón mẹ con tôi lên Yên Bái nơi có một chi nhánh dòng họ tôi đã định cư từ nhiều thập niên trước và quyết định tạm trú ở đó. Ông dựng nhà bằng cây rừng, phát rẫy làm nương trồng lúa, ngô, khoai, sắn, chăn nuôi để sống.

Năm 1951, tình hình ở quê có vẻ lắng dịu, tôi và mẹ về quê xem xét tình hình, nếu thuận lợi sẽ chuyển cả gia đình. Không ngờ chỉ sau đó ít ngày, địch phong tỏa cả 2 tuyến sông Đà và sông Hồng, cắt đứt giao thông đi lại giữa Sơn Tây và Phú Thọ. Gia đình tôi chia cách từ đó. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, gia đình tính tới chuyện gom về một mối tại quê. Ông không đồng tình với lý do, ở đâu cũng là quê mình, cớ sao lại chen về chỗ chật, vì quê tôi đất ít người đông. Vả lại bây giờ đã có tàu hỏa, đất nước hòa bình, đi lại thuận lợi. Rồi đây quê hương cũng phải chuyển bớt người đi xây dựng khu kinh tế mới, để dãn dân ra. Cớ sao nhà đang có cơ sở thế này, lại bỏ đi để chen về chỗ chật.

Chỉ mấy năm định cư, ông trở thành một lão nông thực thụ. Bà con tín nhiệm, bầu ông làm chủ nhiệm hợp tác xã. Ông quyết định tham gia một khóa để khỏi phụ lòng bà con rồi xin nghỉ. Theo lời một cán bộ địa phương nói với tôi, đã mấy lần có ý vận động thuyết phục ông vào Đảng, ông trầm ngâm giây lát rồi trút bầu tâm sự. Lời ông khiến tôi ngỡ ngàng. Như lời của một cán bộ tuyên truyền của Đảng - "Rất cám ơn các đồng chí (ông rất sính dùng từ đồng chí với cán bộ địa phương - cùng một chí hướng) đã quan tâm tới tôi. Nhưng tôi đã lớn tuổi. Sẽ không đủ sức gánh vác nhiệm vụ của một đảng viên; Sẽ không nêu cao được tính tiên phong gương mẫu của một đảng viên. Người đảng viên phải lăn xả vào các phong trào, phải vận động gia đình cùng tham gia. Phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể. Phải khổ trước dân, sướng sau dân, phải gần gũi với dân để thấu hiểu niềm vui, nỗi khổ của họ. Vào Đảng không phải để khoác cái áo đảng viên để mưu cầu danh lợi, để vinh thân phì gia… Tôi là quần chúng, nhưng thưa đồng chí, tôi nguyện suốt đời đi theo con đường mà Đảng và Cụ Hồ đã chọn. Các đồng chí hãy quan tâm bồi dưỡng lớp trẻ. Họ là tương lai của đất nước…".

Lời đồng chí cán bộ địa phương nói tới nhận thức về Đảng của bố tôi, khiến tôi nhớ lại một chuyện - thời tôi đi bộ đội ở Tây Bắc, về thăm quê, gặp chú tôi - Ông Đặng  Đình Mùi cùng hoạt động du kích với bố tôi, ông nói - "Lẽ ra bố anh đã là đảng viên. Thời đó đã học lớp cảm tình Đảng cùng với chú. Ông ấy thông minh nhận thức về học thuyết Mác - Lê còn hơn các chú. Tiếc rằng sau đó ông ấy bị ốm nặng, phải chuyển ra vùng tự do điều trị nếu không thì…".

Sống ở nơi trú quán, bố tôi là người gương mẫu thực hiện mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và mọi quy định của địa phương. Từ phong trào bình dân học vụ, nhập ngũ tòng quân, đi chiến trường miền Nam (gia đình tôi có 3 anh em trai thì đi 2 về 1 - chú em hy sinh ở Quảng Trị, tới nay chưa tìm được hài cốt) tới việc tăng gia sản xuất, thực hiện nghĩa vụ công dân…

Thời ở chiến trường miền Nam ra, thấy ông nuôi được con lợn thật to, dễ đến trên, dưới 2 tạ. Thời đó, lợn to hiếm lắm nghe nói ông nuôi tới hơn 2 năm. Làm gì có cám cò, cám cốc, thuốc tăng trọng như bây giờ. Ai cũng xuýt xoa ông sắp có một khoản tiền lớn. Mấy ông hàng thịt tới thăm luôn nhưng ông kiên quyết không bán mà tuyên bố sẽ cân cho Nhà nước theo giá mậu dịch.

Nhiều người khuyên can: "Cụ già rồi, không là xã viên, không phải nộp khoán sản, việc gì phải cân cho mậu dịch. Nếu thế thì cụ thiệt lắm. Chỉ bằng một phần tư số tiền bán ngoài thôi". Ông khẽ cười và khẳng định luôn: "Biết vậy, nhưng chẳng đi đâu mà thiệt. Nhà nước còn nghèo, nuôi bao nhiêu cán bộ, công nhân viên, mà lương của họ còn thấp, nên Nhà nước phải bao cấp, mua rẻ để bán rẻ cho họ, trong đó có con tôi thì đi đâu mà thiệt…".

Kết thúc chiến tranh, sau 10 năm chinh chiến, tôi về sống giữa thủ đô, bao thứ lo toan ập tới lo chỗ đứng chỗ ngồi cho bản thân, lo cuộc sống gia đình hàng ngày. Bán đồng hồ, xe đạp, vay thêm của bạn bè, mua một tý đất ở làng Kim Liên, dựng ngôi nhà tạm vách toóc xi, mái lợp giấy dầu để tự túc chỗ ở. Đón bố tôi xuống chơi, ông ở được 3 ngày. Hôm về tới Yên Bái, nhiều người hỏi: "Sao cụ bảo xuống sẽ về ngay mà lại ở lâu thế?". Ông cười móm mém: "Hoàn cảnh Nhà nước khó khăn, nó làm tạm như thế là được. Nếu nhà cao cửa rộng là tôi về liền".

Bố tôi là như vậy. Cuộc đời ông gian nan vất vả. Sống bao tháng năm dài của chế độ thực dân, phong kiến cộng với những năm trường kỳ kháng chiến và trọn vẹn thời chế độ bao cấp. Ông là hiện thân về nỗi gian nan vất vả của người nông dân. Ngẫm lại, chúng tôi chưa làm được việc gì để gọi là chăm sóc ông. Thời bao cấp ấy, ki cóp mỗi tháng được ít đường, mấy hộp sữa để khi về làm quà cho bố mẹ, có vậy thôi. Bây giờ, từ sau đổi mới từ kết quả Đại hội lần thứ VI của Đảng đất nước trên đà phát triển, đời sống cán bộ được cải thiện hơn nhiều, có điều kiện để chăm lo nuôi dưỡng bố mẹ thì bố tôi đã không còn. Thương ông, tôi càng tự hào về ông, một người không phải là đảng viên nhưng mang đầy đủ khí chất của người Cộng sản. Ông là tấm gương để chúng tôi soi trên con đường chiến đấu và công tác của mình.

Nhìn lại 45 năm từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ biệt chúng ta; 39 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 28 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đã và đang phát triển, đạt nhiều thành tựu không ngờ, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Không ít người đã trở thành giàu có. Giàu do trí tuệ, mồ hôi nước mắt mà có, thật đáng trân trọng. Song, giàu do tham ô, tham nhũng, tiêu cực, thiên thẹo trong thực hiện chế độ lương bổng, khen, thưởng thì quả là sự giàu có đáng sợ. Nó mang hình bóng của sự bất công mà trong đó có không ít cán bộ đảng viên.

Tiền nhiều, không phải do mồ hôi nước mắt mà có dẫn tới ăn chơi trác táng vô độ, khoe của, kheo giàu sang phú quý trước nỗi khó khăn thiếu thốn, sống tằn tiện của bao người, quả là lố bịch, trong đó có không ít cán bộ đảng viên. Điểm qua đôi nét cũng thấy nhiều vấn đề trái với phẩm chất, đạo đức của người cán bộ cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đó là nguyên nhân làm mất lòng tin của quần chúng với Đảng, chưa kể tới cái nạn quan liêu hách dịch cửa quyền, xa rời quần chúng, nói không đi đôi với làm, hình thức chủ nghĩa, máy móc giáo điều, cục bộ, bè phái, an phận thủ thường, thủ tiêu đấu tranh… Tất cả những hiện tượng trên còn tồn tại chậm được khắc phục, thì làm sao lấy lại được lòng tin của quần chúng.

Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ mỗi cán bộ đảng viên cần nghiêm túc ngay khi nghiên cứu Di chúc của Người. Hãy mang từng câu, từng chữ ra mà soi rọi mình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Đối với các cơ quan chức năng, càng phải nghiên cứu cặn kẽ hơn; xoay quanh 6 từ: Liêm chính chí công vô tư trong khi thực hiện trách nhiệm của mình, đặc biệt là trong xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên, dù người đó ở vị trí nào. Đó là toa thuốc để "điều trị" các căn bệnh trên.

Đôi điều suy ngẫm nhân bài viết: "Bố tôi không phải là đảng viên", cũng là bộc bạch nỗi niềm cùng bạn đọc Chuyên đề ANTG. Bài viết có phần dài dòng, xin được sự cảm thông

K.M.D.
.
.