Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc: Bất đồng vẫn còn đó

Thứ Bảy, 15/01/2011, 15:50
Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc công bố một số khí tài mới có thể làm "lạnh gáy" người Mỹ. Mục tiêu chuyến viếng thăm lần này nhằm thúc đẩy trở lại đối thoại quân sự Mỹ - Trung sau một năm đầy sóng gió. Tuy nhiên, cả Lầu Năm Góc lẫn Bắc Kinh đều không tin tưởng rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể san bằng tất cả những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chiều 9/1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã đặt chân đến Bắc Kinh bắt đầu chuyến viếng thăm Trung Quốc trong 3 ngày. Chuyến thăm diễn ra trong vòng 10 ngày sau khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.

Theo chương trình nghị sự, ông Gates sẽ hội kiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tiếp đồng nhiệm Lương Quang Liệt và sẽ đến tham quan trung tâm chỉ huy vũ khí chiến lược gần thủ đô Bắc Kinh. Người đứng đầu Lầu Năm Góc dự kiến sẽ ra sức thuyết phục Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thiết lập những kênh liên lạc ổn định với Mỹ để tránh xảy ra những hiểu lầm có thể làm phát sinh tình trạng đối đầu.

Đối thoại quân sự Mỹ -Trung đã bị gián đoạn từ sau khi Mỹ hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan, trị giá hơn 6 tỉ USD. Chỉ đến tháng 12 năm ngoái, Bộ Quốc phòng hai nước mới bắt lại liên lạc.

Trước đó ngày 6/1, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, Michael Schiffer, cho biết, Mỹ đã đưa ra 6 nguyên tắc cho phát triển quan hệ quân sự Trung - Mỹ trong tương lai, đó là "tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, đối thoại liên tục và giảm thiểu rủi ro lẫn nhau".

Ông Schieffer nói, Mỹ hy vọng lấy 6 nguyên tắc này làm nội dung chính, xây dựng một khuôn khổ tin cậy cho phát triển quan hệ quân sự Trung - Mỹ. Trong thời gian thăm Trung Quốc, ông Robert Gates trông đợi cùng các quan chức Trung Quốc thảo luận các nguyên tắc này.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Geoff Morrell, nói rằng: Chuyến công tác lần này của ông Gates nhằm chứng minh với dư luận quốc tế là đối thoại quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang được nối lại trước khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào công du nước Mỹ từ ngày 18 đến 21-1. Vẫn theo lời Morrell, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Bắc Kinh trong tinh thần "tự tin và lạc quan" trước khả năng thiết lập mối quan hệ bền vững với Trung Quốc. Ý thức được sức mạnh và đà vươn lên của Bắc Kinh trong các lĩnh vực kinh tế và quân sự, từ nhiều năm nay Washington luôn chủ trương xây dựng một mối bang giao "bền vững" với Bắc Kinh để tránh mọi hiểu nhầm.

Tuy nhiên, Giáo sư June Teufel Dreyer thuộc Đại học Miami và cũng là một chuyên gia về các vấn đề quân sự của Trung Quốc, thì ông Gates sẽ không ở thế thượng phong trong đối thoại với các lãnh đạo Trung Quốc. Nhìn từ phía Lầu Năm Góc, thì Bắc Kinh chỉ nối lại đối thoại quân sự vì đấy cũng là quyền lợi của Trung Quốc.

Theo nhận định của đại đa số báo chí Trung Quốc, ông Gates không phải là người sẽ giải quyết hết mọi bất đồng với Trung Quốc. Theo họ thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ phải làm sáng rõ lập trường của hai cường quốc. Nếu như từ một năm nay Bắc Kinh cho ngừng các cuộc tiếp xúc quân sự do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Điều này khiến cho Trung Quốc không thể chịu được và dự định nhắc lại việc này với ông Gates.

Một trở ngại khác trong việc tạo sự tin cậy đối với người Trung Quốc đó là sự có mặt của 3 tàu sân bay Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương cùng các cuộc tuần tiễu của máy bay và tàu chiến Mỹ gần với vùng biển Trung Quốc. Chính vì những điều đó mà Bắc Kinh muốn gặp Bộ trưởng Gates. Trung Quốc lo ngại sự trở lại có tính chiến lược của Mỹ tại châu Á, nhất là nhân lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên như hiện nay. Nhưng theo phía Trung Quốc thì Triều Tiên đã chịu nhượng bộ. Bình Nhưỡng vừa mới đề nghị mở cuộc đối thoại vô điều kiện với Hàn Quốc.

Thực ra thì Bắc Kinh muốn răn đe việc Washington triển khai quân đội trong vùng. Giờ đây, điều rõ ràng và đã được Trung Quốc công khai chấp nhận đó là hai nước có thể hợp tác nhưng đồng thời cũng là những đối thủ chiến lược.

Vài ngày trước chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngày 5/1, truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tải và bình luận về hình ảnh "bị lộ" trên Internet về chiếc chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên của quốc gia này. Giới quan sát cho rằng đây là hành động "có vẻ hỗ trợ điều mà giới chức quân sự Bắc Kinh đưa ra trước đó: chương trình chế tạo máy bay quân sự tiến nhanh hơn dự trù".

Cả ấn bản tiếng Hoa và tiếng Anh của tờ Global Times đều cho đăng trên trang nhất các bài viết liên quan đến hình ảnh "có vẻ" là của chiếc chiến đấu cơ tương lai, loại J-20. Kèm theo các bình luận này là những bản tin về phản ứng của dư luận quốc tế về chiếc máy bay này. Các hình ảnh nói trên được thấy trên các trang web tư nhân, chuyên về lĩnh vực quân sự.

Tờ Global Times không bình luận về sự xác thực của các bức hình này, nhưng trước thực tế là chính quyền Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát các cơ quan truyền thông nhà nước, sự xuất hiện của các tấm hình, lại được cơ quan kiểm duyệt để yên, cho thấy đây là hành động có tính toán để tiết lộ tin tức ra công chúng. Ðiều này cũng cho thấy sự tự tin ngày càng gia tăng của quân đội Trung Quốc, vốn từ trước đến nay vẫn thường giữ kín mọi điều.

Các trang web về hàng không nói rằng, hình ảnh được chụp từ bên ngoài hàng rào của sân bay thuộc Công ty Chế tạo máy bay Chengdu Aircraft Design Institute ở vùng tây nam Trung Quốc. Chiếc máy bay có vẻ đang được thử nghiệm trên phi đạo, một điều thường thấy trước khi có chuyến bay thử.

Việc Trung Quốc có được máy bay chiến đấu tàng hình không phải là điều ngạc nhiên với giới quan sát. Tư lệnh phó Không quân Trung Quốc, tướng He Weirong, tuyên bố với kênh truyền hình nhà nước CCTV hồi tháng 11-2009 rằng, thế hệ thứ tư của máy bay chiến đấu Trung Quốc, ý nói đến các máy bay sử dụng kỹ thuật tàng hình, sẽ bắt đầu bay thử trong thời gian ngắn và có thể được đưa vào sử dụng trong thời gian từ 8 đến 10 năm. Kỹ nghệ hàng không Trung Quốc, cả dân sự lẫn quân sự, nhanh chóng đạt được nhiều tiến bộ trong mấy năm trở lại đây nhưng vẫn còn phải trông cậy nhiều vào kỹ thuật mua từ bên ngoài.

Lĩnh vực động cơ vẫn còn là vấn đề cho Trung Quốc, vốn phải sử dụng động cơ Nga trên các máy bay sản xuất nội địa như chiến đấu cơ J-10 và J-11, sao chép kiểu Su-27 của Nga. Các chuyên gia quân sự, sau khi phân tích hình ảnh mới này, nói rằng máy bay J-20 có vẻ lớn hơn máy bay loại tàng hình của Nga và Mỹ, có nghĩa là có thể bay xa hơn và chở theo nhiều vũ khí hơn.

Tuy nhiên, thông tin trên lại làm ngạc nhiên giới quân sự Mỹ. Trả lời báo chí trước việc Trung Quốc "lộ hàng" máy bay tàng hình, Bộ trưởng Gates cho biết chính quyền Washington thận trọng trước những tiến bộ về quân sự của Trung Quốc. Cụ thể là dự án chế tạo máy bay do thám và tên lửa chống tàu chiến của quốc gia này. Theo ông, Trung Quốc có khả năng đe dọa đến tiềm lực quân sự của Mỹ và đương nhiên là Nhà Trắng theo dõi chặt chẽ những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng và quân sự. Washington sẽ có các chương trình quân sự tương xứng.

Liên quan đến dự án chế tạo máy bay trinh thám của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không loại trừ khả năng phía Trung Quốc đã tiến xa hơn so với những thông tin mà ngành tình báo Mỹ có được. Tuy nhiên, ông Gates cũng thận trọng về chức năng và mức độ hiệu quả của máy bay do thám Trung Quốc

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.