Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm chính thức Việt Nam: Người được gửi gắm niềm tin

Thứ Sáu, 15/03/2013, 21:15

Theo những nguồn tin trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga - ông Sergei Shoigu thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 4 và 5/3. Và dư luận đặc biệt chú ý theo dõi chuyến đi này của ông Bộ trưởng bởi như được biết, trọng tâm chuyến thăm sẽ nhấn mạnh vào các vấn đề thảo luận tình hình an ninh khu vực cũng như thảo luận hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật - quân sự giữa Bộ Quốc phòng Nga với Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Tổng thống tin cậy, nhân dân yêu quý

Có thể nói, năm 2012 là năm mà Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã đưa ra các biện pháp quyết liệt nhất với những bê bối trong hàng ngũ quan chức chính phủ. Đỉnh điểm là ngày 6/11, ông Putin đã quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov, một trong những thành viên cấp cao nhất của chính phủ có "quyền bất khả xâm phạm" và là người được trao trọng trách trong quá trình cải cách quân đội Nga.  Đây là kết quả thích đáng sau một loạt vụ án hình sự xoay quanh vụ một công ty do Bộ Quốc phòng quản lý gây thiệt hại cho Nhà nước Nga hàng tỉ rúp mà ông Anatoly Serdyukov trong vai trò Bộ trưởng đã được cho là có vai trò chính trong vụ bê bối lừa đảo bất động sản trị giá 100 triệu USD này.

Được biết, Nhà nước Nga đã giao cho quân đội 23 nghìn tỉ rúp (hơn 700 tỉ USD) để thực hiện cải cách các lực lượng vũ trang trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2020, song cuối cùng một lượng lớn những đồng tiền ấy được phù phép để đi đâu không ai rõ.

Liền sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp trực tiếp tướng Sergei Shoigu, khi đó giữ chức vụ Thống đốc Moskva để thông báo về quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga, thay cho ông Anatoly Serdyukov. Quyết định bất ngờ của Tổng thống Putin lúc ấy đã khiến cho không ít người bên ngoài nước Nga phải đặt câu hỏi: Ông Shoigu là ai mà được Tổng thống tin cậy giao cho trọng trách này?

Sinh năm 1955, Sergei Shoigu từng là một trong những bộ trưởng kỳ cựu nhất của Chính phủ Nga. Xuất thân trong một gia đình nông dân ở nước Cộng hòa Tưva (miền Nam nước Nga), cha của ông Shoigu cũng chỉ từng là lãnh đạo cấp cao của địa phương nhưng Sergei Shoigu đã phấn đấu đi lên từ nghị lực và những khả năng thực tế của mình. Có thể nói rằng, ông Shoigu nhận được những kiến thức từ các công việc trên thực địa nhiều hơn là từ sách vở.

Trước khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Shoigu đang làm Thống đốc Moskva và đặc biệt trước đó đã từng đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Các vấn đề khẩn cấp trong suốt 11 năm. Đây là một vai trò đặc biệt khó khăn bởi ở một đất nước rộng lớn như nước Nga, với khí hậu khắc nghiệt, số người già đông và nhiều vùng dân cư thưa thớt thì công việc cứu hộ, cứu nạn vô cùng quan trọng. Từ vị trí Bộ trưởng, ông Shoigu luôn tự đòi hỏi phải theo dõi và trợ giúp kịp thời với người dân khắp nơi, không chỉ trong thiên tai mà cả trong cuộc sống hàng ngày.

Dưới sự lãnh đạo của ông, từ một tổ chức của những người cứu nạn tự nguyện, lực lượng cứu hộ của Nga đã trưởng thành rõ rệt, trở thành một bộ trong chính phủ từ năm 1994 và là một phần của lực lượng vũ trang Nga. Điều tuyệt vời là chính những năm tháng lãnh đạo công tác cứu hộ, cứu nạn này đã là môi trường rèn luyện cho những phẩm chất cần thiết, cho bản lĩnh người lãnh đạo như ông: khả năng xử lý nhanh và ra quyết định chính xác trong những tình huống nguy cấp.

Với những công lao to lớn trong vai trò lãnh đạo Bộ Các vấn đề khẩn cấp, Bộ trưởng Shoigu đã được nhận danh hiệu Anh hùng nước Nga vào năm 1999, được phong quân hàm cấp tướng vào năm 2003. Nhưng, trên tất cả, phần thưởng cao quý nhất dành cho Bộ trưởng Shoigu chính là niềm tin và tình cảm của đông đảo người dân Nga dành cho những việc làm nhân đạo, cao đẹp mà lực lượng do ông lãnh đạo đã làm được trong suốt nhiều năm.

Đối với hầu hết người dân Nga, hình ảnh tướng Shoigu từ lâu đã gắn liền với những hành động quả cảm, bảo toàn tính mạng cho dân khi họ gặp nạn trong những thời khắc cam go nhất. Họ ca ngợi ông là người lãnh đạo trong sạch, quả cảm, có tinh thần trách nhiệm rất cao.

Tổng thống Nga Putin cùng ông Sergei Shoigu khi ông còn là Bộ trưởng Các vấn đề khẩn cấp.

Nhà chính trị năng nổ

Theo quan sát của giới phân tích, ngoài lĩnh vực chuyên môn, Sergei Shoigu nhiều năm trước còn thể hiện là một trong những người giữ vai trò chủ chốt trên chính trường Nga. Ngay từ thời cố Tổng thống Boris Eltsine, Shoigu đã tỏ ra là người khá thân cận với ông Eltsine. Ông cũng là thành viên tích cực tham gia tổ chức phong trào "Ngôi nhà của chúng ta là nước Nga" nhằm vận động cho Eltsine trong chiến dịch tranh cử năm 1995 - 1996.

Có thể nói, vai trò của tướng Shoigu thực sự nổi bật hơn khi vào năm 1999, ông là 1 trong 3 người sáng lập đảng Thống nhất, tiền thân của đảng Nước Nga thống nhất, hiện đang chiếm đa số trong Duma Quốc gia Nga. Và với vị trí trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp Nga, ông Shoigu luôn là người tin cẩn của Tổng thống.

Trong những bước đi đầu tiên đến với vị trí tối cao lãnh đạo nước Nga vào những tháng đầu năm 2000, ông Vladimir Putin  đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của ông Shoigu, khi đó được giao đảm nhiệm vai trò Phó thủ tướng. Và với những sự trợ giúp và ủng hộ rất hiệu quả của ông Shoigu suốt những năm tháng nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đã để lại cho ông Putin những ấn tượng tốt đẹp về một vị bộ trưởng trong mắt người dân như một anh hùng, trong mắt lãnh đạo thì tràn đầy nhiệt huyết và đáng tin cậy. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà tướng Shoigu được tin tưởng và là thành viên lâu năm nhất của Hội đồng An ninh Liên bang Nga từ năm 1994 đến năm 2012.

Khi được giao tiếp quản vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Nga thay cho người tiền nhiệm đầy bê bối, ông Shoigu ý thức được đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong bối cảnh sau những biến động lớn ở Bộ Quốc phòng. Giao trọng trách khó khăn này cho ông Sergei Shoigu, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, tân Bộ trưởng Quốc phòng phải là người có thể tiếp tục tích cực phát triển năng động các lực lượng vũ trang, đảm bảo việc thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng của nhà nước và tiếp tục kế hoạch tái vũ trang quân đội.

Đồng thời, tân Bộ trưởng Sergei Shoigu cũng sẽ phải sửa chữa sai lầm của người tiền nhiệm và tiến hành giám sát toàn diện các mối đe dọa và thách thức mà đất nước đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, ông cần hoàn tất chương trình cải cách các lực lượng vũ trang, công cuộc rất quan trọng đối với nước Nga. Hơn 3 tháng vừa qua là những bước đi đầu tiên của tân Bộ trưởng trong sứ mệnh to lớn của mình và dư luận đang chứng kiến những kinh nghiệm, những hiểu biết của ông Shoigu có thể giúp ích rất nhiều cho nước Nga và người dân Nga của ông.

Phản lực cơ SU-27K của Nga cất cánh trên tàu sân bay của Hải quân.

Cam Ranh - mối quan tâm đặc biệt?

Chuyến công du tới 2 quốc gia ở khu vực của Bộ trưởng Quốc phòng Nga của ông Shoigu được dự báo là nhấn trọng tâm vào “thảo luận tình hình an ninh khu vực” cũng như “hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật và quân sự' giữa Bộ Quốc phòng Nga với Bộ Quốc phòng của Việt Nam và Myanmar. Theo lịch trình, ông Shoigu sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 4 và 5/3/2013, nơi ông được dự kiến sẽ họp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và người đồng nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Theo RIA Novosti thì: "Hai bên sẽ trao đổi quan điểm về một loạt các vấn đề an ninh khu vực cũng như thảo luận về các lĩnh vực phát triển hợp tác kỹ thuật, quân sự song phương", đồng thời phái đoàn quân sự Nga do ông Shoigu dẫn đầu sẽ tới thăm căn cứ hải quân Cam Ranh. Đây là quân cảng được cho là đang “bố trí những chiến hạm trang bị tên lửa mạnh nhất và hiện đại nhất”  của Hải quân Việt Nam. Cam Ranh cũng là địa điểm xây dựng căn cứ tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam.

Nhiều tờ báo bình luận: "Việc  ông Shoigu đích thân tới thăm căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam cho thấy Bộ Quốc phòng Nga rất quan tâm tới vị trí chiến lược của căn cứ này của Việt Nam". Có thể chuyến thăm sẽ nhằm kiểm tra tiến độ thi công căn cứ tàu ngầm Kilo mà được các chuyên gia Nga tư vấn, hoặc cũng có thể là ông Shoigu muốn tự mắt thị sát những giá trị chiến lược của căn cứ Cam Ranh.

Nga hiện có mặt trong tốp 5 quốc gia hàng đầu thế giới về bán vũ khí và Việt Nam cũng như Myanmar đang là các thị trường tiềm năng. Các trang thiết bị và vũ khí quân sự của Nga  ngày càng được đánh giá là có giá rất cạnh tranh. Ngoài các hạng mục vẫn xuất cảng, Nga ngày một khẳng định trên thị trường về trực thăng, kể cả trực thăng vận tải thông thường, tiểu liên tự động AK, phản lực cơ chiến đấu… Thêm nữa, tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm nguyên tử, có thể là lựa chọn của các bạn hàng của Nga trên thị trường, tuy rằng những đơn hàng này ít hơn và nằm trong những mục tiêu lâu dài của các đối tác.

Có nhiều nhận định rằng trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Nga. Điển hình là trong hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo 636, phía Nga cũng đã đặt kế hoạch "ưu tiên hàng đầu" cho đơn đặt hàng này bằng việc liên tiếp hạ thủy và thử nghiệm các tàu ngầm Kilo Hà Nội và TP HCM.

BBC dẫn lời Phó giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga, Vyacheslav Dzirkaln cho biết: "Nga đang tiếp tục đàm phán với Việt Nam để cung cấp bổ sung các chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 và các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9". Và các cuộc đàm phán đang được tiến hành tích cực và có triển vọng tốt trong tương lai gần để những thiết bị quân sự Nga tiếp tục được trang bị cho các đơn vị không quân trên khắp cả nước, tăng cường khả năng bảo vệ vùng trời, lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam

Phúc Linh – Phương Minh (tổng hợp)
.
.