Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Thứ Hai, 22/09/2014, 15:40

Trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, Người nói về Đảng, tiếp theo là nói về ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN. Vấn đề cơ bản là nhắc nhở Đảng phải chăm lo lực lượng này "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bất kể giai đoạn cách mạng nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chăm lo thế hệ trẻ nước nhà. Quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng, đồng nhất với tư tưởng của Người, luôn xác định Đoàn Thanh niên là cánh tay đắc lực, là đội hậu bị của Đảng, là lực lượng xung kích trên tất cả mọi lĩnh vực.

Từ nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại: Chống thực dân, chống phát xít, chống đế quốc xâm lược, nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân giết giặc với bừng bừng khí thế cách mạng - "Mác với giáo mang trên vai nhưng thân trai nào kém oai hùng"; "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai"…

Hàng triệu chiến sĩ đổ máu, hy sinh vì hòa bình độc lập, thống nhất Tổ quốc, trong đó phần lớn là tuổi trẻ Việt Nam; Trong xây dựng hòa bình, kiến thiết đất nước, bảo vệ trật tự an ninh, xây dựng nếp sống văn hóa… Thanh niên luôn biểu hiện vai trò xung kích của mình bằng những phong trào kèm theo khẩu hiệu thiết thực: Đâu cần, thanh niên có - Việc khó, có thanh niên; Thanh niên trở thành nòng cốt của các phong trào thi đua in dấu ấn một thời: Thanh niên công nhân, với phong trào "Sóng Duyên hải"; Thanh niên nông thôn, với phong trào "Gió Đại phong" và thanh niên trong lực lượng vũ trang với phong trào "Cờ ba nhất"…

Cả nước bừng bừng khí thế thi đua lập công của thế hệ trẻ. Quả là một thời thế hệ trẻ Việt Nam sống với lý tưởng cao đẹp và đầy ước mơ hoài bão. Điều đó đã đi vào thi ca: "Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/ Dù xa xôi gấp mấy cũng lên đường/ Sống ở Thủ đô mà dạ để nhiều phương/ Ngàn khát vọng chất chồng mơ ước lớn" (Thơ Bùi Minh Quốc).

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 45 năm qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ. Nhiều, rất nhiều cán bộ từ các cơ quan Trung ương tới cơ sở đã trưởng thành từ phong trào của Đoàn. Không ít đồng chí đã giữ cương vị chủ chốt một số cơ quan, ban, ngành; Nhiều đoàn viên thanh niên đã được tôn vinh danh hiệu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, trở thành những nhà khoa học… góp phần quan trọng xây dựng đất nước trên tiến trình đổi mới.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đòi hỏi tuổi trẻ Việt Nam cần phấn đấu hơn nữa, sớm khắc phục những tồn tại như:

- Một bộ phận không nhỏ thanh niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, cầu an, hưởng lạc, thờ ơ với cuộc sống.

- Một bộ phận không nhỏ thanh niên thiếu nếp sống văn hóa, thiếu lễ phép - ăn nói tục tằn, thô lỗ, rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập ma túy… sẵn sàng gây gổ, đánh lộn nhau… xâm phạm trật tự, an ninh, trở thành đối tượng trong nhiều vụ án, gây bất bình dư luận xã hội; một số nơi cán bộ lãnh đạo Đoàn Thanh niên thiếu gương mẫu, lỏng lẻo trong quản lý kinh tế, chi tiêu thiếu minh bạch, vô nguyên tắc, làm thâm hụt công quỹ, gây mất niềm tin với cấp ủy Đảng và lãnh đạo địa phương.

Như thông tin trên báo Nhân Dân số ra ngày 4/9/2014 về trường hợp ở Tỉnh đoàn Nam Định, những năm gần đây để xảy ra nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, quy trình; mất đoàn kết nội bộ, thiếu thống nhất trong lãnh đạo; buông lỏng quản lý tài chính, sử dụng kinh phí, nguồn vốn sai nguyên tắc… gây bức xúc, hoài nghi trong dư luận. Những bê bối về quản lý và chi tiêu ngân quỹ không giải trình được liên quan tới "hai đời" Bí thư Tỉnh đoàn. Vậy mà một người được điều đi làm Bí thư Huyện ủy và một người được điều chuyển làm Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Những hiện tượng nêu trên cho thấy dấu hiệu xuống cấp về đạo đức của một bộ phận đoàn viên thanh niên. Từ đó ta càng thấm thía hơn lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên"”. Ở đâu chưa thực hiện tốt điều này, chắc chắn những tồn tại trên còn phát triển

K.T.D.
.
.