Brazil: Nhu cầu dân sinh bị chính trị hoá

Thứ Năm, 27/06/2013, 18:00

Mục tiêu ban đầu của những người biểu tình ở Brazil đang biến tướng một cách nguy hiểm. Chỉ đơn thuần là phản đối việc tăng giá xe buýt và tàu điện ngầm, phong trào biểu tình ở Brazil đã lan rộng cả nước với nhiều yêu sách được "chính trị hóa".

Ngày 17/6 vừa qua, tại Sao Paulo và hầu hết các thành phố lớn khắp Brazil, hàng trăm nghìn người xuống đường chống việc tăng giá vé các phương tiện giao thông công cộng và chi phí tốn kém của Giải vô địch bóng đá thế giới - World Cup 2014.

Tại thủ đô Brazilia, những người biểu tình chiếm cả nhà Quốc hội. Rio de Jaineiro, thành phố đông thứ hai đất nước, lập kỷ lục về số người tham gia, với hơn 100.000 người tuần hành tại khu trung tâm thương mại của thành phố. Vào tối 17/6, cuộc tuần hành hòa bình biến thành cuộc đối đầu với cảnh sát, khi đoàn biểu tình tiến vào khu vực trụ sở Hội đồng dân biểu địa phương. Đụng độ với cảnh sát khiến nhiều người bị thương.

Phong trào biểu tình phản kháng khởi đầu ở Sao Paulo, chống lại việc tăng giá xe buýt và vé xe điện ngầm, đã lan rộng khắp gần 10 thành phố lớn của Brazil, với sự phẫn nộ trước ngân sách khổng lồ của chính phủ dành cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho World Cup 2014, và Thế vận hội 2016, và nạn tham nhũng nói chung.

Theo các nhà quan sát, đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất tại Brazil kể từ năm 1992. Khi đó người dân Brazil xuống đường phản đối Tổng thống Fernando Collor de Mello, bị cáo buộc tham nhũng.

Trước tình hình này, ngày 19/6 vừa qua, lãnh đạo tại 2 thành phố lớn nhất Brazil là Sao Paulo và Rio de Janeiro, đã hủy bỏ kế hoạch tăng giá vé dịch vụ chuyên chở công cộng, là nguyên nhân khởi phát các cuộc biểu tình rầm rộ chống chính phủ trên khắp quốc gia Nam Mỹ này. Nhiều thành phố khác của Brazil trước đó cũng đã rút lại kế hoạch tăng giá vé.

Bất chấp sự nhượng bộ đó, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trên một số khu vực của Brazil trong ngày 19/6. Cảnh sát chống bạo động xung đột với hàng trăm người biểu tình tại thành phố Niteroi giữa lúc họ tìm cách phong tỏa một cây cầu nối liền Niteroi với Rio de Janeiro.

Một người biểu tình tên là Leandro Pergula nói rằng biểu tình không phải chỉ vì tăng giá vé xe buýt, mà dân Brazil biểu tình là để đòi các quyền của mình. Người này nói dân chúng đã thức tỉnh. Việc chính phủ tăng giá vé là thời điểm người dân thức tỉnh, và nay họ đang đấu tranh để đòi cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế, đòi tăng cường an ninh và gia tăng cơ hội giáo dục.

Chính phủ Brazil buộc phải lên tiếng, bởi vì đang diễn ra giải thi đấu của Cúp Liên đoàn các châu lục. Đây là câu hỏi trắc nghiệm đối với Chính phủ Brazil, một năm trước Giải vô địch bóng đá thế giới 2014 mà Brazil đăng cai. Bộ trưởng Thể thao Brazil Aldo Rechelo cảnh báo những người biểu tình: "Sẽ không cho phép các cuộc tuần hành cản trở các sự kiện thể thao mà Brazil cam kết tổ chức".

Theo chính phủ, mục đích việc đầu tư vào các sự kiện thế giới có quy mô lớn sẽ được tổ chức tại Brazil là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này. Thế nhưng, kết quả lại đi theo chiều hướng ngược lại: kinh tế Brazil đột ngột rơi vào tình trạng trì trệ, GDP chỉ tăng 0,9% vào năm 2012, thua xa năm 2011 đạt 2,7%. Trong quý 1 năm nay, nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới có mức tăng trưởng 0,6% so với cùng thời gian năm 2012. Chi phí cho World Cup 2014 đã vượt quá 15% ngân sách dự kiến ban đầu là 24 tỉ real (hơn 8 tỉ euro).

Đám đông hơn 100.000 người biểu tình tuần hành ở Sao Paulo, Brazil.

Hơn nữa, việc nhà nước phá giá đồng tiền (giảm 24% so với đồng USD) khiến giá nhập khẩu, giá thuê nhà và giá sinh hoạt hàng ngày tăng cao. Tin tăng giá vé xe buýt là "giọt nước làm tràn ly", đánh trực tiếp vào cuộc sống hàng ngày của người dân, khiến nước này trở thành một trong những nước có giá phương tiện công cộng đắt nhất thế giới.

Phong trào phản kháng chống giá cả đắt đỏ tại Brazil dường như mới chỉ bắt đầu. Nhưng đặc điểm của các cuộc biểu tình lần này là những người xuống đường không thuộc đảng phái hay công đoàn nào, mà là hoàn toàn tự phát. Theo giải thích của dân biểu đảng Xã hội Chico Alencar với Hãng tin AFP, "toàn bộ các chính đảng, kể cả đảng cấp tiến nhất, đều bị bất ngờ, vì đây là một phong trào nằm ngoài các khuôn khổ truyền thống. Đó là một phong trào của các cá nhân đi từ mạng xã hội Facebook ra đường phố".

Chánh văn phòng Phủ tổng thống Brazil, Gilberto Carvalho, cũng nhìn nhận ông không hiểu nổi phong trào này, vì ngay cả vào giai đoạn hưng thịnh nhất, đảng Những người lao động (đang cầm quyền ở Brazil) cũng không huy động được 100.000 người xuống đường trong một đất nước có đến gần 200 triệu dân.

Từ 10 năm nay, Brazil do đảng Những người lao động lãnh đạo, mà đảng này chính là thoát thai từ các phong trào đấu tranh xã hội và công đoàn dưới thời chế độ độc tài (1964-1985). Cựu Tổng thống Lula da Silva nguyên là một lãnh đạo công đoàn. Là người kế nhiệm ông Lula da Silva, nữ Tổng thống Dilma Roussef nay lại phải đối diện với những phong trào tương tự.

Đặc biệt tại thành phố Sao Paulo, thành phố lớn nhất và cũng là thủ đô kinh tế của Brazil, nơi xuất phát phong trào biểu tình cách đây khoảng 10 ngày, đa số người dân địa phương không còn tin tưởng vào các chính đảng, chính phủ, cũng như Quốc hội. Các phong trào biểu tình hiện nay đã nổ ra sau rất nhiều vụ tham nhũng trong những năm gần đây, liên quan đến nhiều nghị sĩ và bộ trưởng và dính đến toàn bộ các chính đảng, kể cả đảng Những người lao động đang cầm quyền. 

Sau khi phớt lờ những yêu sách của phong trào biểu tình, Tổng thống Roussef, mà uy tín bắt đầu sụt giảm đáng kể, cuối cùng đã kêu gọi các chính khách Brazil hãy "lắng nghe tiếng nói của đường phố". Trước mắt, chính quyền của hai thành phố Sao Paulo và Rio đã phải nhượng bộ trước sức ép của những người biểu tình, chấp nhận không tăng giá vé các phương tiện vận chuyển công cộng. Nhưng bất lực vì không thể chặn đứng được phong trào, chính phủ liên bang sáng 19/6 đã loan báo gửi lực lượng cảnh sát tăng viện để bảo vệ an ninh cho 6 thành phố Brazil đang tổ chức Cúp Liên đoàn các châu lục

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.