Brazil hậu Olympic 2016: Liệu có dính “bão khủng hoảng”?

Thứ Năm, 11/08/2016, 10:35
Nghiên cứu của Đại học Kinh doanh Oxford chỉ ra rằng, với chi phí phát sinh trung bình 156% trên thực tế, Olympic là loại siêu dự án có mức phát sinh chi phí lớn nhất trên thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị, Olympic Rio chi tiêu vượt mức 51% đang gây rất nhiều khó khăn cho quốc gia Nam Mỹ này.

Thấp hơn chi phí trung bình của các kỳ Thế vận hội trước nhưng...

“Tất cả các kỳ Thế vận hội đều chi tiêu vượt quá ngân sách” - Bent Flyvbjerg, giáo sư Đại học Kinh doanh Oxford cho hay. Gần một nửa các kỳ Thế vận hội vượt quá mức ngân sách hơn 100%. Thế vận hội Rio 2016, với chi phí dự kiến ban đầu là 4,6 tỷ USD, có vẻ như là đang vận hành đúng như dự kiến để đảo ngược mức chi tiêu ngân sách cao của London 2012 (Anh) và Sochi 2014 (Nga), bản báo cáo cho biết. Chi phí phát sinh của Olympic Rio là 51% trên thực tế tương đương với 1,6 tỷ USD, thấp hơn so với chi phí trung bình của tất cả các kỳ Thế vận hội trước đó.

Sân Maracana và Maracanazinho nhìn từ trên không. (Ảnh Getty Images).

Chi phí trung bình liên quan đến thể thao của việc tổ chức Thế vận hội trong các thập kỷ vừa qua là 8,9 tỷ USD. Kỳ thế vận hội mùa hè đắt đỏ nhất là London 2012 với chi phí 15 tỷ USD, còn Thế vận hội mùa đông đắt đỏ nhất là Sochi 2014 với 22 tỷ USD. Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh sự quan trọng của “Chương trình quản lý kiến thức về Olympic”. Chương trình trên đã rất hiệu quả trong việc giúp giảm chi phí thông qua hiểu biết tốt hơn được chia sẻ giữa các thành phố đăng cai.

Nghiên cứu cũng chỉ trích các chính phủ sở tại và các Ủy ban Olympic quốc tế vì không minh bạch về chi phí thực và chi phí phát sinh của các kỳ Thế vận hội. Ví dụ như Chính phủ Vương quốc Anh tuyên bố Olympic London chi tiêu dưới ngân sách, nhưng chi phí thực tế phát sinh của London 2012 là 76%, hay 6,5 tỷ USD, theo bản báo cáo này.

Cảnh sát Brazil biểu tình đòi tăng lương.

Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Rio 2016 phủ nhận các kết luận của nghiên cứu, theo một bài báo trên Financial Times. “Bản báo cáo này phục vụ một mục đích duy nhất: suy đoán về một sự chi tiêu vượt mức và tạo nên dư luận tiêu cực”, Ủy ban Tổ chức Olympic cho biết.

Thống đốc tuyên bố tình trạng thảm họa tài chính

Việc bội chi vượt quá 51% so với dự toán thì vẫn còn là khiêm tốn khi so với các kỳ đại hội diễn ra trước đó, tuy nhiên điều này xuất hiện tại thời điểm Brazil đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề cả về kinh tế lẫn chính trị.

Giáo sư Bent Flyvbjerg trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Những chi phí phát sinh thêm trị giá hàng tỉ USD của Olympic Rio đến vào thời điểm quốc gia Nam Mỹ khó khăn để chi trả, với việc Brazil đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ những năm 30 thế kỷ trước. Bang Rio de Janeiro bị ảnh hưởng đặc biệt bởi suy thoái kinh tế”.

Nghiên cứu tình hình bội chi về Olympic của Đại học Oxford 2016.

“Nhưng Brazil không phải là trường hợp cá biệt. Tất cả các kỳ Olympic mùa hè và Olympic mùa đông mà chúng tôi tiến hành nghiên cứu đều cho thấy thâm hụt ngân sách” - Flyvbjerd nói. “Đối với một thành phố hay đất nước thì việc tổ chức một kỳ Thế vận hội là một công việc lớn và là một trong những siêu dự án tốn kém, rủi ro tài chính nhất mà họ có thể đảm đương”.

Thống đốc tạm quyền của Rio tuyên bố tình trạng thảm họa tài chính hồi tháng 7. Chính quyền bang đã cắt giảm chi tiêu tài chính trên diện rộng, bao gồm cả ngân sách cho cảnh sát, lương của các sĩ quan cảnh sát đã bị trì hoãn trước đó.

Ở cấp độ quốc gia, Tổng thống thuộc phe cánh tả Dilma Rousseff bị đình chỉ chức vụ vào tháng 5 trong bối cảnh một phiên tòa luận tội đang tiếp diễn. Phó Tổng thống Michel Temper đã tiếp quản vị trí của bà Rousseff.

Sân vận động Olympic phục vụ cho Olympic Rio 2016, tại Rio de Janeiro (Ảnh: Getty Images)

“Khi Rio quyết định đăng cai Olympic, nền kinh tế Brazil đang vận hành tốt” - ông Bent Flyvbjerg phát biểu. Giờ đây, sau gần một thập kỷ chi phí đang leo thang trong khi thiếu nguồn vốn để trang trải chúng.

Nghiên cứu của Oxford phân tích, cả Olympic mùa hè và Olympic mùa đông, bắt đầu từ Rome 1960 (Italia) và Thế vận hội mùa đông Squaw Valley 1960, gần một nửa các kỳ Thế vận hội chi vượt quá ngân sách hơn 100%.

“Sự phức tạp và chi phí khổng lồ của các kỳ Olympic là không giống với bất cứ sự kiện nào khác và chúng ta cần cố gắng tránh những tình huống như Athens 2004, nó đã góp phần gây ra những vấn đề kinh tế cho Hy Lạp và vẫn đang còn tiếp diễn một thập kỷ sau đó” - Flyvbjerg nói. Theo các nhà kinh tế, Thế vận hội Olympic thường đồng hành với khủng hoảng kinh tế sau khi nó đi qua. Sau Olympic 2004, quê hương của các vị thần lún sâu vào khủng hoảng, hậu Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc dấn sâu vào suy thoái và tăng trưởng thấp; Olympic Sochi 2014 qua đi, bão khủng hoảng “hỏi thăm” nước Nga và giờ chưa có lối thoát. Đất nước của những vũ điệu Samba liệu có lặp lại kịch bản trên sau Olympic Rio? 

Cảnh sát biểu tình vì bị nợ lương đe dọa thế vận hội

Du khách đến với sân bay quốc tế Galeao ở TP Rio De Janeiro - Brazil không khỏi sửng sốt khi nhìn thấy một số cảnh sát cầm biểu ngữ: “Chào mừng đến với địa ngục”. Hãng tin AP ngày 31/7 cho biết. Thông điệp trên được viết bằng tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha: “Cảnh sát và lính cứu hỏa không được trả lương. Bất kỳ ai đến với Rio de Janeiro sẽ không được an toàn”. Hình ảnh này được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và báo chí Brazil.

Trong khi đó, ở những nơi khác tại Rio de Janeiro, cảnh sát tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc chậm trả lương cũng như phải làm việc trong tình trạng thiếu thốn các nhu yếu phẩm như xăng dầu và giấy vệ sinh. Khoảng 300 nhân viên cảnh sát mặc trang phục đen đứng trên các bậc thềm của tòa nhà lập pháp bang Rio de Janeiro. Một biểu ngữ nêu: “Ưu tiên của cảnh sát là con người, ưu tiên của chính phủ là Thế vận hội”. Một phát ngôn viên lực lượng cảnh sát Rio de Janeiro cho biết tình hình hiện nay “ngoài tầm kiểm soát”.

Một cảnh sát, giấu tên vì sợ bị trù dập, nói ông mới nhận nửa tiền lương tháng trước và vẫn đang đợi lương tháng này. "Tôi còn chưa nhận được tiền làm ngoài giờ trong 5 tháng", AFP dẫn lời vị cảnh sát trên. Mức lương khởi điểm của cảnh sát Brazil khoảng 15.000 USD một năm.

Những người biểu tình cho biết, ngoài tiền lương, điều kiện làm việc của họ cũng ngày càng khắc nghiệt, phải đối mặt với tội phạm buôn ma túy có vũ khí.

Ông Francisco Dornelles, Thống đốc bang Rio de Janeiro, cho biết chính quyền bang đang chờ nhận 8,60 triệu USD tiền lương từ chính phủ liên bang trước thềm Thế vận hội dự kiến diễn ra vào tháng 8. Quan chức này cho biết nếu không nhận được tiền, cảnh sát sẽ hoãn hoạt động tuần tra do thiếu kinh phí phục vụ công việc như mua nhiên liệu.

Những cuộc biểu tình của cảnh sát là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế đang “bóp nghẹt” Barzil và đe dọa sự kiện Thế vận hội. Về an ninh, bang chỉ tài trợ "cho đến hết tháng 6", ông nói với O Globo. Nhà chức trách bang trên hồi đầu tháng 6 cảnh báo, "tai họa" tài chính ở bang có thể dẫn đến "sụp đổ an ninh công cộng, y tế, giáo dục, giao thông và quản lý môi trường".

Trong quý 1 năm 2016, số liệu của chính phủ cho thấy, Brazil đang trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay tăng từ 9,5 đến 11,2%. Mức lương trung bình cũng giảm còn 552 USD/tháng.

Văn Nguyễn-T.K. (tổng hợp)
.
.