Bùng nổ hoạt động gián điệp kinh tế

Thứ Ba, 18/01/2005, 13:53
Trung bình 1.000 công ty lớn ở Mỹ đã bị 2,45 vụ gián điệp kinh tế với thất thoát mỗi vụ khoảng 500.000 USD. Tuy nhiên, đó là những vụ chỉ biết được qua tường trình vì hầu hết sự cố đều bị ém nhẹm bởi sợ dư luận.

Vấn đề rò rỉ thông tin và phong trào gián điệp kinh tế bùng nổ là một trong những chủ đề nóng nhất hiện nay. Những công ty lớn như Microsoft, Oracle, Intel đều ăn không ngon ngủ không yên trong việc lo bảo vệ các bí mật mậu dịch cũng như đầu tư và những công ty kỹ thuật cao ngày càng bị xâm nhập nhiều.

Cách đây gần 5 năm, Chủ tịch Hãng Oracle Larry Ellison từng chính thức thừa nhận mình có thuê một hãng thám tử để... lục rác tại một chi nhánh thuộc Công ty Microsoft. Người ta đã gọi vụ này là “Garbage-gate” (Vụ án Rác).

“Garbage-gate” là sự kiện nhắc nhở rằng, nạn gián điệp kinh tế chưa bao giờ lắng xuống. Tháng 5/2004, một phiên tòa cũng đã buộc Broadcom tội đánh cắp những bí mật mậu dịch từ các đối thủ cạnh tranh bằng màn phỏng vấn tuyển người.

Năm 2003, Tòa án Santa Clara cũng xử vụ Công ty phần mềm Avant đánh cắp bí mật từ Cadence Design qua trung gian Mitsuru Igusa - cựu nhân viên của Cadence nhưng sau đó là cố vấn của Avant...

44 trong 97 công ty tham gia vào cuộc thăm dò của ASIS đã báo cáo rằng, họ bị tổng cộng hơn 1.000 vụ rình mò. Các công ty kỹ thuật cao là nạn nhân bị để ý nhiều nhất. Trung bình, một công ty kỹ thuật cao bị 67 vụ rình rập và mỗi vụ như vậy gây tổn thất 15 triệu USD!

Danh sách khách hàng của các công ty kỹ thuật cao là “bảo vật” số một được các James Bond thời nay quan tâm. Biết được khách hàng đối phương là biết được tất cả! Các dữ liệu tài chính, đề án nghiên cứu, kế hoạch phát triển, ý đồ sáp nhập, những thông số liên quan đến sản phẩm đang được chế tạo và các mô hình sản phẩm... là những thứ cũng đứng vào hàng “nóng”.

Với những loại thông tin này, không công ty nào đảm bảo bí mật vẹn toàn - theo Ira Winkler -  Chủ tịch Tổ chức các nhà tư vấn an ninh Internet. Lý do đơn giản là hiện tượng “nuôi ong tay áo”.

Điển hình của vụ này là sự kiện xảy ra giữa General Motors (GM) và Volkswagen (VW) kéo dài gần suốt thập niên 90, xoay quanh một nhóm công nhân Mỹ Latinh dưới sự lãnh đạo của một người xứ Basque lưu vong tên là Jose Ignacio Lopez de Arriortua. Lopez từng là giám đốc bộ phận mua bán của GM và sau đó đột nhiên đào ngũ sang VW vào năm 1993.

GM buộc Lopez tội đạo diễn màn đánh cắp hơn 20 thùng tài liệu nghiên cứu, kế hoạch sản xuất và hồ sơ doanh số của mình. Vụ án marathon cuối cùng kết thúc vào năm 1997, khi VW giữ vững lập trường rằng mình không chơi xấu nhưng lại đồng ý giải quyết cho xong bằng việc đồng ý trả cho GM 100 triệu USD tiền mặt và còn chịu mua số phụ tùng của GM trị giá 1 tỉ USD trong 7 năm.

Tại quê nhà, năm 1998, các công tố viên Đức cũng nhất trí hủy bỏ vụ kiện Lopez nhưng yêu cầu ông ta tặng 224.845 USD cho hoạt động từ thiện (Lopez ra khỏi VW năm 1996 và bị tai nạn xe tại Tây Ban Nha vào hai năm sau).

Trở lại vụ “Garbage-gate”. Hãng do thám tư Investigative Group International (IGI) đã được Oracle thuê để dò thông tin tại Hội kỹ thuật cạnh tranh (ACT - một trong những chi nhánh của Microsoft ở Washington). IGI đã dúi cho nhân viên gác cổng của ACT 1.200 USD để lấy được... rác.

Khi vụ việc bị đổ bể, Larry Ellison của Oracle nói rằng, ông làm vậy để tìm chứng cứ vạch trần những toan tính trong chiến dịch chống lại án quyết vi phạm luật chống độc quyền của Bill Gates.

Larry Ellison còn nói thêm: ông đã biết tỏng chuyện Bill Gates đi lại với chuyên gia tư vấn chính trị Ralph Reed - nhà chiến lược hàng đầu trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của George W.Bush - nhằm cố thuyết phục Bush ủng hộ Microsoft.

Vụ “lục rác” mà Oracle áp dụng thật ra không mới. John Fialka (tác giả quyển War by other means: Economic Espionage in America) kể rằng, hồi năm 1991, có một nhóm gián điệp đã cải trang làm nhân viên vệ sinh để sục sạo vào các thùng rác bên ngoài căn nhà ở Houston của một viên chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Đáng nói nhất ở chỗ, một trong những nhân viên vệ sinh trên không ai khác hơn là... viên Tổng lãnh sự Pháp. Nhân vật này nói rằng, ông đang bới rác để tìm coi có thứ gì lấp kín được một cái lỗ trong sân dinh thự mình!

Không phải vậy - FBI lên tiếng - nghi rằng ngài Tổng lãnh sự Pháp đang tìm kiếm những bí mật trong khuôn khổ chương trình hành động kéo dài 30 năm của Chính phủ Pháp với nỗ lực đánh cắp bí mật khoa học - quân sự Mỹ.

John Fialka còn kể thêm, một trong những nhóm gián điệp của Nhật từng đánh cắp công trình nghiên cứu máy bay cánh nghiêng - đại diện cho công trình bốn thập niên của Hãng Bell Helicopter với số vốn hỗ trợ của Chính phủ Mỹ lên đến 3,5 tỉ USD.

Năm 1996, Quốc hội Mỹ thông qua Luật tình báo kinh tế và kết quả là việc đánh cắp bí mật mậu dịch trở thành tội phạm cấp bang, với mức tù có thể lên đến 15 năm và phạt 500.000 USD. Tuy thế, đạo luật trên không thể kiềm được sức bật của xu hướng tình báo kinh tế ở phạm vi rộng.

ASIS cho biết, những “điểm nối yếu nhất” trong an ninh bảo mật thường nằm tại các văn phòng đại diện ở nước ngoài, nơi nhân viên hiếm khi chứng tỏ lòng trung thành của mình. Theo ASIS, có 5 nước hiện đang đứng đầu danh sách những nơi bị đe dọa an ninh kinh tế: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Pháp và Anh.

Ngoài ra, còn có một yếu tố nữa: ngành công nghiệp kỹ thuật cao đang trở thành một ngành “công nghiệp hợp đồng”, khi người ta có khuynh hướng thuê ngắn hạn nhân viên viết phần mềm hay lập trang web và sau đó những người này lại được thuê ở một công ty đối thủ.

ASIS cho biết, có đến 20% nhân viên tại 1.000 công ty lớn nhất Mỹ đều là “công nhân thời vụ”. Tuy hầu hết công ty đều đưa ra quy định rằng nhân viên thời vụ chỉ được phép ký hợp đồng với công ty đối thủ vào một năm sau khi nhân viên đó nghỉ việc tại công ty mình nhưng trong thực tế, người ta không có hệ thống radar đủ mạnh để giám sát.

Phát ngôn viên Chuck Mulloy của Hãng Intel thừa nhận rằng, nhiều công ty đang tận dụng những hiểu biết của các nhân viên “đào ngũ” từ công ty khác để lập kế hoạch tấn công...

Anh Vũ
.
.