Bước ngoặt của CPTPP

Thứ Năm, 01/02/2018, 09:50
Sau một chặng đường khó khăn, 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhất trí về thỏa thuận CPTPP sửa đổi. Việc đàm phán CPTPP đạt được bước tiến mới sẽ mở ra những cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung trong năm 2018.

Vượt qua chủ nghĩa bảo hộ thương mại

Ngày 23-1, trưởng đoàn đàm phán của 11 nước gồm Canada và 10 quốc gia khác gồm Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam, đã đạt được nhất trí về nội dung sửa đổi của Hiệp định CPTPP sau cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tuyên bố 11 quốc gia tham gia CPTPP sẽ tổ chức lễ ký kết hiệp định CPTPP tại vòng đàm phán tiếp theo ở Chile vào tháng 3 tới. Bộ trưởng Motegi khẳng định CPTPP sẽ là động lực để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang nổi lên tại một số khu vực trên thế giới.

Để đi tới thống nhất giữa 11 nước, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne ra thông báo cho biết 11 nước đã đạt được nhất trí quan trọng về 3 nội dung sửa đổi trong CPTPP liên quan đến văn hóa, ô tô và đình chỉ một số điều khoản về bảo vệ bản quyền sỡ hữu trí tuệ.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã điện đàm chúc mừng sự thành công của CPTPP; hoan nghênh việc 11 quốc gia tham gia đàm phán CPTPP làm sống lại thỏa thuận được cho là sẽ tạo ra nhiều việc làm mới này. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Turnbull nhấn mạnh CPTPP là “một thỏa thuận thương mại lớn vào thời điểm có nhiều ý kiến cho rằng không thể có được thỏa thuận sau khi Mỹ rút”.

Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo cho rằng CPTPP là một thỏa thuận lịch sử đối với Australia. Bộ trưởng Thương mại Australia cũng cho biết CPTPP sửa đổi sẽ xóa bỏ 98% thuế quan ở khu vực tự do thương mại với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp lên tới 13.700 tỷ USD. Trong khuôn khổ CPTPP, sẽ có 18 thỏa thuận tự do thương mại mới được ký kết giữa các bên tham gia.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tháng 2-2016, với 12 nước tham gia. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1-2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút sự tham gia của Mỹ khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ. Trước động thái này của Mỹ, 11 thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán.

Bước tiến mới

Với việc nhất trí về thỏa thuận CPTPP sửa đổi và ấn định thời điểm ký vào tháng 3-2018, các thành viên CPTPP đã vượt qua những trở ngại để tạo bước tiến mới cho CPTPP. Đạt được kết quả này, ngoài sự hợp tác tích cực hơn từ phía Canada, còn do sự nỗ lực vận động của một số thành viên khác, đặc biệt là Nhật Bản, Australia, và cả Việt Nam. Tokyo đã nỗ lực vận động hành lang cho CPTPP, nhằm loại bỏ rào cản thương mại và hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp tại 11 quốc gia thành viên, vốn có tổng thương mại đạt 356 tỷ USD trong năm 2016.

Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực để các cuộc thảo luận liên quan CPTPP diễn ra thuận lợi tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Australia cũng đã tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán CPTPP.

Ông Toshimitsu Motegi (bên phải), Bộ trưởng phụ trách đàm phán CPTPP của Nhật Bản, chủ trì cuộc họp tại Tokyo. Ảnh: Japan Times.

Một điểm đáng chú ý là tiến trình đàm phán, ký kết CPTPP đang đứng trước “thiên thời, địa lợi” khi vòng tái đàm phán NAFTA lần thứ sáu cũng đang xuất hiện những tín hiệu tích cực. Việc đàm phán tiến triển thuận lợi cũng như việc Tổng thống Mỹ Trump có quan điểm bớt cứng rắn đối với các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo thêm động lực mới cho việc ký kết và thực hiện CPTPP trong thời gian tới. Thậm chí, không loại trừ khả năng Mỹ có thể cũng sẽ tái tham gia CPTPP.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Motegi vừa cho biết, Nhật Bản sẽ giải thích tầm quan trọng của CPTPP với Washington, với hy vọng thuyết phục Mỹ tái gia nhập thỏa thuận này. Trong khi đó, trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, Thủ tướng Australia Turbull cho biết CPTPP “sẽ để ngỏ cánh cửa cho Mỹ tham gia trong tương lai”.

Mỹ có thể sẽ thay đổi quan điểm?

Các chuyên gia về quan hệ Mỹ-châu Á cho rằng thỏa thuận được ký kết ngày 23/1 đã khiến ông Trump thay đổi cách tiếp cận với TPP, với lo ngại rằng Washington có thể “thua thiệt” nếu các nước khác xúc tiến các thỏa thuận thương mại. Mireya Solis, học giả giàu kinh nghiệm tại Viện Nghiên cứu Brookings tại Washington nói: “Tôi tin rằng việc 11 nước đạt được thỏa thuận cuối cùng đã tác động đến những toan tính của Mỹ”.

Ông nhấn mạnh: “Quan điểm đưa ra hồi tháng 1-2017 cho rằng nếu nước Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định này sẽ chết. Song thế giới đã chuyển biến rất khác ngay khi các nước thành viên còn lại của TPP quyết tâm làm cho TPP khai hoa kết trái”.

Một ngày sau khi 11 thành viên của TPP đạt được thỏa thuận, bao gồm một kế hoạch ký kết hiệp ước mới không có Mỹ vào ngày 8/3 tới tại Chile, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Carlos Curbelo, đại diện cho bang Florida, đã chỉ trích quan điểm của tổng thống về TPP. Ông nói: “Bằng cách không tham gia hiệp định thương mại tự do quan trọng như vậy, tổng thống đã bở lỡ một cơ hội to lớn nhằm thúc đẩy đảm bảo quyền lợi của nước Mỹ. Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc chính quyền nên xem xét lại quyết định thiển cận này”.

Dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ, CPTPP vẫn khá ấn tượng. Hiện những nước này chiếm gần 13% GDP và gần 15% thương mại thế giới. Ngoài ra, những người tham dự cuộc họp ở Tokyo cho biết, hiệp định mới sẽ mở cửa cho các thành viên mới gia nhập, kể cả những nước ngoài khu vực. Nhà nghiên cứu B.de Bolle nhận định. “Các nước khác trên thế giới vẫn sẽ thúc đẩy các thỏa thuận thương mại quy mô dù không có Mỹ”.

Nguyễn Hòa
.
.