Liên minh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ:

Bước ngoặt lớn trên ván cờ Trung Đông

Thứ Hai, 22/08/2016, 17:40
Việc Iran cho phép quân đội nước ngoài sử dụng căn cứ của mình là điều chưa từng xảy ra từ sau Thế chiến thứ 2. Những hình ảnh máy bay ném bom chiến lược của Nga cất cánh từ một căn cứ của Iran ngày 16-8 là minh chứng cho thấy sự tin cậy lẫn nhau giữa Tehran và Moskva đang ở mức cao nhất.

Thông điệp mới gửi tới Washington

Ngày 16-8, những máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga đã có lần xuất phát đầu tiên từ Iran để thực hiện những cuộc không kích ở Syria. Bộ Quốc phòng Nga cho biết những cuộc không kích xuất phát từ căn cứ không quân Hamedan nhắm mục tiêu vào những phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm vũ trang chống chính quyền tại Syria. Trong 3 ngày không kích liên tiếp sau đó, không quân Nga đã tiêu diệt được nhiều trung tâm chỉ huy, trại huấn luyện, kho chưa vũ khí và hàng trăm chiến binh IS.

Các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc không kích yểm trợ cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ cuối tháng 9-2015. Từ nhiều năm nay, Iran chưa hề cho một cường quốc nào trên thế giới dùng căn cứ của họ để mở cuộc tấn công vào nơi khác. Nga cũng chưa hề sử dụng căn cứ của quốc gia nào khác tại Trung Ðông, ngoài Syria, cho hoạt động quân sự bên trong lãnh thổ Syria để hỗ trợ cho Tổng thống Bashar Assad.

Tổng thống Iran và Nga trong một lần gặp tháng 12-2015.

Việc Nga là nước đầu tiên có căn cứ quân sự tại Iran có ý nghĩa quan trọng cả về quân sự và ngoại giao, vì liên minh Nga - Iran thể hiện vị thế của cả hai nước về vấn đề Syria. Kiểu liên minh này đối lập với kiểu liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu bị Nga đánh giá là yếu kém. Trên thực tế, Nga và Iran có nhiều bất đồng, đặc biệt về mục tiêu tấn công hoặc vai trò trao cho Tổng thống Al-Assad. Nhưng đối với cả Nga và Iran, liên minh lần này dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.

Liên minh giữa Tehran và Moskva diễn ra trong bối cảnh quan trọng và phức tạp. Nói như vậy là vì có thể Nga và Mỹ sẽ lên kế hoạch về một liên minh quân sự ở Aleppo, trong khi đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ quay lại hợp tác. Ở Syria, khi đặt căn cứ thường trực tại Hmeimim, Nga đã cho thấy mong muốn đóng quân lâu dài tại Syria và có được thế mạnh trong giải quyết khủng hoảng.

Từ khi ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Mỹ đã rút ra khỏi khu vực, điều này có lợi cho Nga. Với sự hiện diện đương nhiên trong khu vực, Moskva có được toàn bộ ưu thế vì Trung Đông đã trở thành khu vực để Nga khẳng định sức mạnh trên trường quốc tế. Điều ấy có nghĩa là đó không phải là một chiến lược thực sự do Nga lên kế hoạch mà Nga có được là do khôn khéo về chiến thuật khi cơ hội đến với nước này. Về phía Iran, liên minh với Nga cho phép Iran thể hiện khả năng can thiệp của chính quyền và vai trò xây dựng của nước này trong khu vực.

Liên minh quân sự giữa hai nước cũng phụ thuộc cả vào các yếu tố kinh tế. Ban đầu, Nga muốn sử dụng căn cứ quân sự ở Syria nhưng các oanh tạc cơ của Nga quá lớn. Còn nếu đặt căn cứ tại Iran, Moskva tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu vì thời gian bay ngắn, và cũng vì thế mà các oanh tạc cơ có thể mang thêm nhiều bom. Bay từ căn cứ không quân Hamedan thay vì căn cứ của Nga tại Mozdoko ở phía bắc dãy Kavkaz giúp thu ngắn quãng đường từ gần 2.000 km xuống còn dưới 700 km.

Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Hội đồng Liên bang Nga, Viktor Ozerov, cho biết quãng đường bay ngắn hơn sẽ tăng độ chính xác cho những cuộc không kích của Nga và cho phép phi công tránh được tên lửa đất đối không tiên tiến trong kho vũ khí của phiến quân Syria.

Một số nhà phân tích lại nhìn thấy động cơ khác của Nga trong diễn biến này. Nhà phân tích Martin Reardon của tổ chức The Soufan Group cho biết Nga đang đạt được hai mục tiêu bằng cách thúc đẩy ảnh hưởng và vai trò của mình ở Trung Đông. Cựu quan chức cao cấp của FBI nói: "Việc này cho thế giới thấy thực tế là Nga đang nổi lên trở lại như một cường quốc toàn cầu. Việc này cũng triệt tiêu bớt những nỗ lực của Mỹ bằng việc quay trở lại thời Chiến tranh lạnh, khi Mỹ và Nga đối đầu với nhau để tranh giành ảnh hưởng".

Máy bay ném bom chiến lược Nga Tu-22M3 tại căn cứ không quân ở Iran.

Kapil Komireddi, một nhà phân tích những vấn đề quốc tế ở Anh, cho biết những diễn biến mới nhất là "một thông điệp rõ ràng gửi tới Washington rằng mọi quyết định không nhất thiết đều được đưa ra trong Nhà Trắng". Ông nói: "Một liên minh với Moskva và việc cho phép người Nga sử dụng căn cứ của Iran, là một thông điệp rõ ràng từ Tehran rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì để phục vụ lợi ích của mình trong khu vực".

Liên minh này đặt lại nghi vấn về việc Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí vì Moskva không còn lý do để phong tỏa việc chuyển vũ khí và tên lửa đến Tehran. Từ 15 năm nay, hai nước có nhiều hợp tác kinh tế, đặc biệt trên lĩnh vực vũ trang và năng lượng. Sức mạnh của Nga và Iran trong khu vực cũng cho phép hai nước phối hợp để hưởng lợi trong hợp tác kinh tế với các nước láng giềng. Nga đã thành công trong việc phô trương sức mạnh tại thủ đô của mỗi nước, đây là điểm nổi bật nhất của việc quay lại Trung Đông lần này của Nga.

Sự hợp tác cao nhất của Nga với Iran đã khiến Mỹ lo ngại và tìm cách phá rối. Báo New York Times viết, các quan chức chóp bu Mỹ từng nói rằng đối với họ, sự hợp tác quân sự giữa Nga và Iran không phải là điều bất ngờ, nhưng rõ ràng việc máy bay Nga cất cánh từ căn cứ Iran đi tiêu diệt IS đã khiến Nhà Trắng choáng váng vì không bao giờ lường đến tình huống này.

"Chúng tôi vẫn luôn cố gắng tìm hiểu về những gì họ (Nga và Iran) đang làm, nhưng việc Nga sử dụng Iran làm bàn đạp tấn công IS thì chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới" - New York Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner.

Sự xuất hiện của máy bay ném bom Nga tại các căn cứ của Iran có thể là một phần của kế hoạch quy mô lớn mà Nga lập nên để tạo ra một liên minh mới tại Syria và trở thành một lực lượng trung tâm, New York Times cho biết thêm. Tin tức từ Iran (về sự hợp tác quân sự giữa Tehran và Moskva) chẳng khác gì một cú đấm bồi trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đang được cải thiện và tình thế gần như bế tắc trong đối thoại Nga - Mỹ về hợp tác trong cuộc chiến chống IS.

Theo New York Times, mối quan hệ hợp tác Nga – Iran ở tầm cao mới đã khiến dư luận Mỹ đặt ra một câu hỏi: phải chăng Washington đã phạm phải một sai lầm chiến lược lớn khi từ chối việc lập vùng cấm bay ở Syria? Các nhà bình luận Mỹ cho rằng khi không có những vùng cấm bay như thế, Moskva mặc sức tung hoành trên bầu trời Syria và điều đó khiến cho Washington càng trở nên lép vế.

Giờ đây, các nhà lập pháp Mỹ bắt đầu cuống cuồng tìm hiểu xem việc Nga sử dụng căn cứ quân sự của Iran để tấn công IS ở Syria là có hợp pháp hay không. Khi được báo chí hỏi về chuyện này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner vội nói: “Yên tâm đi, hiện chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề mà các vị vừa đặt ra”.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết là bản thân ông không thể đưa ra câu trả lời chính xác. “Rất có thể việc Nga sử dụng căn cứ của Iran thì không vi phạm Nghị quyết số 22311 của Hội đồng Bảo an LHQ, nhưng nếu Nga bán hoặc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran thì vi phạm” - ông Toner nói theo kiểu nước đôi, không ra khẳng định, cũng không ra phủ định.

Tuy nhiên, trước sự cuống cuồng của các nhà chức trách Mỹ, các quan chức hữu quan của Nga và Iran chỉ cười mỉm, ngụ ý “các ngài đừng tốn công đào bới các nghị quyết một cách vô ích, chúng tôi đã rà soát kỹ các điều luật quốc tế lắm rồi”. Ngày 18-8, Ngoại trưởng Nga Lavrov chính thức trả lời Mỹ rằng việc quân đội Nga dùng căn cứ ở Iran để tấn công các mục tiêu IS tại Syria chẳng có gì là phạm pháp và khuyên các nước phương Tây nên từ bỏ ngay kiểu bới lông tìm vết như hiện nay.

Hình thành thế chân vạc

Ngày 18-8, trả lời phỏng vấn hãng Sputnik của Nga, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tố cáo NATO đang không hợp tác hoàn toàn với Ankara. Do vậy, ông Cavusoglu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét khả năng hợp tác quân sự với Nga. Ngày 10-8, sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại St Petersburg, quan hệ Moskva - Ankara đã gần trở lại như trước khi xảy ra vụ bắn rơi máy bay Nga hồi năm ngoái. Việc Nga - Thổ (một thành viên của NATO) tái lập quan hệ là điều phương Tây không thích nhưng chẳng làm gì được vì bản thân các đồng minh trong NATO cũng đang đả kích kịch liệt những hành động thanh trừng của Tổng thống Erdogan sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước. Do NATO tự đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tay Nga nên giờ chả thể trách cứ được gì.

Như vậy có thể thấy trong quan hệ tam giác chiến lược Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran hiện chỉ còn mỗi liên kết giữa Ankara và Tehran là chưa được siết chặt. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm được củng cố. Theo AFP, tuần tới Tổng thống Erdogan sẽ thăm Iran. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng cạnh tranh nhau về mức độ ảnh hưởng trong khu vực. Nhưng giờ đây, theo các nhà phân tích, thời thế đã thay đổi.

Theo hãng thông tấn Fars của Iran, trong chuyến thăm chính thức lần này, ông Erdogan sẽ bàn đến việc lập tam giác chiến lược Nga - Thổ - Iran cho cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Ngoài ra, Ankara cũng muốn xích lại gần hơn với Tehran. “Chuyến thăm này đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao và mở rộng mối quan hệ giữa Ankara và Tehran, đồng thời khép kín tam giác chiến lược nhằm kết thúc chiến tranh ở Syria” - hãng tin Fars viết.

Tam giác chiến lược Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ hình thành sẽ là bước ngoặt lớn trong ván cờ Trung Đông.

Theo báo AlHeyat, ông Erdogan cũng từng bay tới Iran trong một khoảng thời gian chớp nhoáng trong khi diễn ra âm mưu đảo chính và ngay sau khi cuộc chính biến bị dập tắt hoàn toàn, ông đã lập tức có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga và sau đó là với Tổng thống Iran. Vì thế, chuyến thăm sắp tới được coi là một nỗ lực hàn gắn quan hệ Ankara - Tehran. Báo AlArab cũng nhận định rằng hai bên cố gắng lập một liên minh chống phương Tây.

Tuần trước, Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif đã có chuyến thăm một ngày tới Ankara. Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Erdogan, ông Zarif đã lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Chúng tôi tin rằng các cuộc đảo chính không có chỗ đứng trong khu vực của chúng ta, hành động của các nhóm quân sự không thể ngăn chặn tiếng nói và ý chí của người dân" - Ngoại trưởng Zarif phát biểu.

Ông cũng nói rằng Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là 3 quốc gia chủ chốt trong khu vực, vì vậy cần hợp tác chặt chẽ với nhau. Điều đáng chú ý là chuyến thăm Ankara của ông Zarif diễn ra ngay sau cuộc gặp ba bên tại Baku giữa các tổng thống Nga, Iran và Azerbaijan.

Từ đầu tuần này, các phương tiện truyền thông thế giới đã bóng gió về việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể thay đổi quan điểm về cuộc chiến tại Syria và sẽ gia nhập liên minh với Nga và Iran. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng đã đến lúc Ankara cần cải thiện quan hệ với Damas và tham gia cùng với những quốc gia chủ chốt trong khu vực để giải quyết vấn đề Syria.

Theo nhà chính trị học, chuyên gia về quan hệ Nga - Thổ Slexander Sotnichenko, việc thành lập liên minh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran về lý thuyết là có thể thực hiện nhưng để bảo đảm sự tồn tại và duy trì trên thực tế là khó. Tuy nhiên, nếu thành công thì việc thành lập tam giác chiến lược này là một bước ngoặt lớn trong ván cờ Trung Đông nói riêng và trên bàn cờ địa chính trị quốc tế nói chung.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.