Bước ngoặt trên chính trường Bỉ

Thứ Sáu, 18/06/2010, 08:45
Sau nhiều tháng bất ổn, chính trường Bỉ vừa ghi nhận một chuyển biến hoàn toàn mới sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 13/6 vừa qua. Chiến thắng của đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Liên minh Mới Flamand (NVA) có thể sẽ điều trị dứt điểm được căn bệnh trầm kha - tình trạng chia rẽ các cộng đồng sắc tộc người nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan - vốn là căn nguyên của mọi cuộc khủng hoảng chính trị tại Bỉ trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà phân tích lo ngại, chiến thắng đó càng làm cho tình hình Bỉ thêm tồi tệ và đáng sợ hơn cả là khả năng nước Bỉ sẽ bị chia cắt thành hai quốc gia khác nhau.

Từ sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6/2007, hai cộng đồng nói tiếng Pháp và Hà Lan tại Bỉ đã bất đồng với nhau về việc thúc đẩy tiến trình phi tập trung hóa quyền lực đối với các định chế quốc gia, do có bất đồng sâu sắc về các lợi ích kinh tế và nguyện vọng bảo tồn, phát triển văn hóa, ngôn ngữ. Do vậy, cuộc bầu cử hôm 13/6/2010 được coi là phép thử đối với ý định chia tách nước Bỉ, quốc gia hiện có khoảng 6,5 triệu dân nói tiếng Hà Lan và 4 triệu dân nói tiếng Pháp.

Đúng theo những cuộc thăm dò dư luận trước đó, ngày 13/6, cuộc bầu cử Quốc hội tại Vương quốc Bỉ kết thúc với thắng lợi thuộc về đảng NVA theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. Đảng này đã giành được 29,1% số phiếu bầu, vượt trội hơn hẳn so với đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo (CD&V) của Thủ tướng Yves Leterme - với số 18,4% số phiếu.

Để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Bỉ, có lẽ cần quay lại lịch sử thành lập và quá trình phát triển của vương quốc này. Trước hết phải nói rằng trong lịch sử Vương quốc Bỉ, chưa bao giờ một đảng theo chủ nghĩa dân tộc Flamand lại giành được chiến thắng trong một cuộc bầu cử Quốc hội như đảng NVA, qua mặt tất cả các chính đảng truyền thống tại nước này.

Theo Eric Corijn, chuyên gia nghiên cứu xã hội học tại Đại học Flamand ở Bruxelles, chủ nghĩa dân tộc Flamand bắt nguồn trước tiên từ một bất công xuất hiện ngay từ lúc thành lập nước Bỉ vào năm 1831. Nhà nước Bỉ thời ấy được hình thành trên hai nền tảng chủ yếu Công giáo và Pháp ngữ, trong lúc đa số dân chúng lại là người nói tiếng Hà Lan. Phải chờ 50 năm sau ngày thành lập nước Bỉ, tiếng Hà Lan mới được công nhận là một trong hai ngôn ngữ hợp pháp của nước này.

Trong lĩnh vực chính trị, chỉ sau khi nguyên tắc phổ thông đầu phiếu được áp dụng tại Bỉ, phong trào dân tộc Flamand mới bắt đầu có thanh thế. Chính tâm trạng uất ức vì bị chèn ép về mặt văn hóa và ngôn ngữ trong gần một thế kỷ đó đã giải thích tính chất căng thẳng của cuộc đấu tranh đang diễn ra tại Bỉ chung quanh đặc quyền ngôn ngữ dành cho người nói tiếng Pháp, nhưng sinh sống tại vùng Flamand ở ngoại vi thủ đô Bruxelles. Yêu sách thứ hai của vùng Flamand là quyền tự trị rộng rãi mà theo nhiều nhà phân tích là tiền đề dẫn tới độc lập, với hệ quả là chia cắt nước Bỉ. Yêu sách này bắt nguồn từ các biến đổi về kinh tế xã hội trong thời gian từ sau Thế chiến II  đến nay.

Việc giáo dục được phổ cập đã cho phép hình thành một tầng lớp ưu tú mới, nói tiếng Hà Lan, rất ác cảm với thành phần gọi là "tư sản người Flamand nhưng chuộng tiếng Pháp", ngôn ngữ thông dụng của giới ưu tú tại Bỉ trong lịch sử. Mặt khác, nếu trước đây, vùng Wallonia nói tiếng Pháp, nơi tập trung hầm mỏ và công nghiệp nặng giàu có hơn vùng Flamand nói tiếng Hà Lan, chủ yếu sống nhờ nông nghiệp, thì gần đây, tình thế đã đảo ngược. Vùng công nghiệp nặng già nua phía nam bị lâm vào khó khăn, trong lúc vùng Flamand phía bắc lại vươn lên nhờ công nghiệp nhẹ hiện đại như dệt may, lương thực thực phẩm, sản xuất xe hơi...

Thay đổi về mặt kinh tế đó đã góp phần chia rẽ thêm hai cộng đồng. Nhiều thành phần cực đoan trong số người nói tiếng Hà Lan đã cho rằng họ đã phải đóng góp quá nhiều vào ngân sách chung của Nhà nước Bỉ để nuôi số người nói tiếng Pháp "ăn bám". Ngược lại thì trong công đồng nói tiếng Pháp, có người cho rằng dân vùng Flamand là một "đám ích kỷ".

Ông Bart De Wever, chủ tịch đảng NVA vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Bỉ ngày 13/6.

Thắng lợi của đảng NVA, công khai theo đuổi chủ trương đòi độc lập cho vùng Flamand nói tiếng Hà Lan, hôm 13/6, đã gây lo ngại cho sự tồn tại của nước Bỉ thống nhất. Đảng NVA do ông Bart de Wever, 39 tuổi, lãnh đạo, muốn có một sự tách rời khỏi nước Bỉ trong vòng trật tự, đưa vùng Flamand gia nhập vào khối Liên minh châu Âu như một quốc gia riêng biệt. Tuy nhiên, đây là điều mà người dân khu vực Wallonia không có cùng một ước nguyện.

Ông Pierre Verjans, Giáo sư khoa Chính trị học thuộc Ðại học Liege nói rằng, ông linh cảm "một cảm xúc buồn thảm đang xảy ra. Dân nói tiếng Pháp nay đang e sợ một nước Bỉ thiếu vắng người nói tiếng Hà Lan".

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, dù chủ nghĩa dân tộc Flamand thành công trong cuộc bầu cử lần này, điều đó không có nghĩa là cộng đồng người nói tiếng Hà Lan tại Bỉ đã đồng ý với việc chia cắt đất nước. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ có khoảng 10%, tối đa là 15% người vùng Flamand mong muốn độc lập. Ngoài ra, đảng NVA cũng chưa thể bắt tay vào tiến trình phân chia quyền lực do chế độ bầu cử ở Bỉ yêu cầu liên minh cầm quyền phải gồm ít nhất 4 đảng.

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng thành công của đảng NVA xuất phát từ một số yếu tố mang tính chất nhất thời chứ không phải từ mong muốn về một vùng Flamand độc lập. Tuy nhiên, chiến thắng của đảng NVA có thể là cơ hội để vùng này tiến được một bước quan trọng trên con đường đòi thêm quyền tự chủ. Nước Bỉ đang chuyển từ một cuộc khủng hoảng chính trị này sang một cuộc khủng hoảng chính trị khác, nguy hiểm hơn. Mặc dù vậy, cũng có người cho rằng nếu NVA thành công trong việc chia cắt nước Bỉ ra thành hai quốc gia độc lập, một của người nói tiếng Hà Lan và phần còn lại của người nói tiếng Pháp, thì cũng có thể coi là họ đã thành công trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Bỉ.

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc khủng hoảng chính trị là điều bất lợi và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như xã hội và vai trò của nước Bỉ tại châu Âu. Chính phủ nước này dự đoán, mức thâm hụt ngân sách của Bỉ sẽ chiếm 4,8% GDP của nước này trong năm 2010 và nợ quốc gia có thể sẽ vượt quá 100% GDP trong năm nay.

Điều đáng quan tâm hơn cả là vào đầu tháng 7 tới, Bỉ sẽ nhận chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu từ Tây Ban Nha. Nhiệm kỳ này sẽ là giai đoạn vô vàn khó khăn đối với Bỉ trong vai trò chủ tịch một khối đang bị khủng hoảng nợ công hoành hành

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.