Bước tiến nhỏ từ Syria

Thứ Hai, 05/02/2018, 14:36
Cho dù nhiều nhóm đối lập chủ chốt từ chối tham dự Đại hội đối thoại dân tộc Syria vừa diễn ra tại Sochi (Nga), nhưng những thành phần quan trọng của Syria tham dự đại hội đã nhất trí ra tuyên bố chung nhấn mạnh rằng chỉ có người dân Syria mới quyết định được tương lai đất nước của mình bằng các phương tiện dân chủ mà không bị áp lực hay sự can thiệp từ bên ngoài.

Điểm nổi bật nhất là sau một ngày làm việc khẩn trương và khá hiệu quả, đại hội đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, gồm tuyên bố chung, lời kêu gọi của các đại biểu và danh sách Ủy ban Soạn thảo hiến pháp. Đây cũng được đánh giá là thành công của đại hội.

Tuyên bố chung  nêu rõ “Syria phải là một quốc gia dân chủ và không phe phái... không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và giới tính”, đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Syria, đảm bảo quyền lợi của tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo, tiến hành quá trình chính trị mà theo đó, người dân Syria tự quyết định vận mệnh của mình, không có sự can thiệp từ bên ngoài và xác định tương lai của đất nước thông qua bầu cử. Đây là nội dung thể hiện quan điểm, giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria phải mang lại lợi ích thực chất cho người dân Syria.

Đặc phái viên LHQ de Mistura cũng đã xác nhận tuyên bố này. Ông cho biết, Ủy ban Hiến pháp sẽ bao gồm cả đại diện của Chính phủ Syria cũng như phe đối lập để soạn thảo một hiến pháp cải tổ. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Đại hội Đối thoại dân tộc Syria nhìn chung đã thành công và là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này. Đại hội đối thoại dân tộc Syria đã kết thúc, song đây chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài hướng đến hòa bình thực sự cho người dân Syria, như khẩu hiệu của Đại hội Sochi nêu ra.

Các bên liên quan dự Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi (Nga). Ảnh: AP.

Dù đã đạt bước tiến đáng kể, song chưa thể lạc quan về một đất nước Syria sớm có được sự yên bình trong khoảng thời gian trước mắt. Thực tế cho thấy xung đột vẫn chưa thực sự chấm dứt trên mảnh đất Syria đã chịu nhiều đau thương trong hơn 7 năm qua, vẫn còn đó vô vàn những điểm gây tranh cãi giữa các bên tham gia đàm phán.

Trở ngại đầu tiên là một số bên tham gia vẫn bất đồng chính kiến và chưa có niềm tin về mục tiêu chính trị cơ bản của Đại hội. Thực tế này có thể thấy được từ những cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ tại Geneve đến những cuộc đối thoại do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hậu thuẫn tại Astana, Kazakhstan. Đại diện của Chính phủ Syria và một số đảng phái đối lập liên tục đổ lỗi cho nhau về tình hình xung đột hiện tại, bất đồng về các nghị quyết được đề xuất hoặc thậm chí bỏ về ngay giữa phiên họp.

Hai bên vẫn luôn mâu thuẫn về số phận tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi phe đối lập một mực đòi ông Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực và coi đây là điều kiện tiên quyết để mang lại hòa bình cho Syria thì Chính phủ Syria một mực không chấp nhận yêu sách này. Chính mâu thuẫn dai dẳng này là một trong những nguyên nhân khiến các vòng hòa đàm vừa qua do LHQ bảo trợ thất bại.

Bên cạnh đó, mặc dù Đại hội tại Sochi được đánh giá là “bao quát, toàn diện”, song không phải tất cả các bên liên quan đến xung đột Syria đều được mời đến tham dự. Dưới sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ, đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) vốn có quyền lực chính trị tại nhiều khu vực rộng lớn tại phía bắc Syria, đã không tham dự. Sự vắng mặt của PYD sẽ làm suy yếu quá trình chuyển đổi chính trị của Syria với mục tiêu trở thành một quốc gia có tính dân chủ và toàn diện hơn.

Nhiều trẻ em Syria đã không được tới trường do chiến tranh liên miên. Ảnh: Jordan Times.

Thêm vào đó, đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn ác liệt tại thành phố Afrin ở tây bắc Syria, khi quân đội Tự do Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang tấn công vào các cứ điểm của Các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG). Điều này khiến dư luận đang đặt câu hỏi liệu có quá sớm để Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Syria cùng các nhóm đối lập khác tại nước này cùng ngồi lại đối thoại để bàn về cấu trúc của một nhà nước Syria trong tương lai?

Rào cản tiếp theo là sự chia rẽ giữa các phe phái đối lập tại Syria, trong đó phải kể đến sự phân biệt rõ rệt giữa Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện phe đối lập chính tại Syria với hai nhóm đối lập khác do Nga và Ai Cập hậu thuẫn. Trong khi Ủy ban Đàm phán cấp cao Syria luôn lên tiếng chỉ trích và tìm cách hạ bệ Chính phủ Syria thì hai nhóm đối lập nêu trên lại ở thế trung lập và không tạo ra mối đe dọa với chính quyền của Tổng thống Syria Assad.

Tiếp theo, đại hội đã bị sự tẩy chay của Mỹ và nhiều nước phương Tây. Một số quốc gia và nhiều nhóm đối lập tại Syria vẫn không chấp nhận Nga đóng vai trò trung  gian, hậu thuẫn cho các cuộc đối thoại chính trị về Syria. Điều này nảy sinh từ việc Nga vẫn duy trì binh sĩ và các căn cứ quân sự tại Syria, cũng như có quan hệ gần gũi với chính quyền Tổng thống Assad... Những gì đạt được chỉ là bước đầu, đường tới hòa giải, hòa bình ở Syria vẫn còn rất xa.

Hoa Huyền
.
.