CSGT hóa trang để phát hiện người vi phạm Luật Giao thông: Một việc làm cần thiết

Thứ Ba, 11/05/2010, 16:50
Song song với việc tăng nặng hình thức xử phạt sắp được áp dụng, việc sử dụng biện pháp CSGT mặc thường phục tăng cường giám sát trật tự an toàn giao thông thời gian qua của CSGT Công an Hà Nội đang đạt được kết quả khả quan.

Những chiếc mũ cối màu vàng bắt mắt và bộ trang phục mới thân thiện của chiến sĩ CSGT Hà Nội còn chưa kịp bạc màu thì người dân lại tiếp tục hướng sự quan tâm của họ vào vấn đề còn khá mới mẻ: CSGT mặc thường phục! Cũng phải thôi, vì giao thông là vấn đề nóng, nên có vẻ như tất cả những gì liên quan tới nó càng được quan tâm hơn cho dù xét một cách công bằng, mọi thay đổi ấy, nỗ lực ấy của CSGT Hà Nội cũng chỉ nhằm mục đích: đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhân dân được tốt hơn mà thôi.

Thay đổi để tốt hơn

Nhiều ngày qua, người dân Hà Nội đã bắt đầu dần quen với hình ảnh người CSGT thân thiện hơn với chiếc mũ cối màu vàng gợi hình ảnh một Hà Nội cổ kính; bộ quần áo quân phục dài tay vừa lịch sự, vừa có tính bảo vệ cao đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ dưới điều kiện thời tiết nắng gió khắc nghiệt. Bộ quân hàm chỉnh tề vốn phù hợp với tác phong điều lệnh tại trụ sở cũng được điều chỉnh bằng bộ quân hàm sao ve kết hợp xưa nay thường bắt gặp ở các lực lượng có tính chiến đấu cao như cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ cũng phần nào tăng thêm sự khỏe khoắn và gọn gàng cho CBCS CSGT khi làm nhiệm vụ "trên từng cây số"...

Hình thức đã thay đổi, còn nội dung cũng có chút khác biệt. Từ ngày 20/5, theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa được Chính phủ ban hành, sẽ áp dụng mức phạt giao thông tăng nặng hơn khá nhiều đối với một số loại vi phạm giao thông trước đây chưa được chú trọng.

Theo Trung tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, đây đều là những hành vi được đánh giá là ảnh hưởng trực tiếp tới thực trạng nhộn nhạo của giao thông đô thị hiện nay.

Theo đó, trước mắt là tại Hà Nội và TP HCM, lái xe vượt đèn đỏ, lái ôtô khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng. Lỗi lái xe ôtô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định vốn thường được bỏ qua sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng. Một mức xử phạt tăng gần gấp đôi so với trước đây, đó là trong các trường hợp lái xe có các hành vi như cho xe chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đủ đèn chiếu sáng; lùi xe quay đầu xe trong hầm đường bộ; đi vào đường cấm, khu vực cấm, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 đến 20km/giờ sẽ bị phạt từ 1,4 đến 2 triệu đồng.

Xử phạt nghiêm các hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định thời gian qua là một trong những chuyên đề trọng tâm của lực lượng CSGT thủ đô cũng được trực tiếp đưa vào Nghị định lần này, theo đó đỗ xe trái đường một chiều, song song với một xe khác đang dừng, đỗ hoặc dừng tại điểm dừng đón, trả khách của xe buýt cũng có thể bị phạt từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong 30 ngày.

Ngoài ra, Trung tá Trần Ngọc Ánh còn cho biết một số hành vi vi phạm khác cũng được đưa thành đối tượng cụ thể của Nghị định lần này như đỗ xe trên miệng cống thoát nước, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước, ở nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ... cũng bị phạt từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng.

CSGT hóa trang sẽ sử dụng băng hiệu "CSGT" khi phối hợp xử lý công khai người vi phạm.

Không chỉ với đối tượng điều khiển ôtô, Nghị định cũng có phần quy định cụ thể đối với xe máy và người đi bộ, theo đó sẽ phạt tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng đối với các hành vi: điều khiển xe môtô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường gây cản trở giao thông.

Đối với người đi bộ, có thể bị phạt từ 80 đến 120 nghìn đồng nếu cố tình mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn, đặc biệt là lỗi đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

Đội mũ bảo hiểm không cài quai mũ đúng quy định khi đi xe máy cũng sẽ bị phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng...

Với ý thức của người tham gia giao thông quá kém như hiện nay, phạt chưa phải là tất cả. Nhưng phạt nặng, phạt cho nghiêm cũng sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu đang được kỳ vọng giúp lập lại tình trạng giao thông bát nháo như bây giờ.

CSGT mặc thường phục: Hiệu quả và không lạm dụng

Song song với việc tăng nặng hình thức xử phạt sắp được áp dụng, việc sử dụng biện pháp CSGT mặc thường phục tăng cường giám sát trật tự an toàn giao thông thời gian qua của CSGT Công an Hà Nội đang đạt được kết quả khả quan.

Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội công bố con số ấn tượng: Hơn 4.700 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện bởi CSGT mặc thường phục và đã được xử lý đúng quy định. Chỉ riêng trong tháng 4 vừa qua, có 630 trường hợp vi phạm bị CSGT mặc thường phục phát hiện và phối hợp xử lý.

Việc áp dụng hình thức hóa trang mật phục để giữ gìn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua đã chứng tỏ một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Ý thức của người tham gia giao thông kém, thái độ tôn trọng luật pháp trong khi lưu hành phương tiện cá nhân của không ít người gần như không có. Đó là chưa kể những hành vi né tránh vòng vèo trên đường hoặc thậm chí là thái độ lăng mạ, chửi bới của một số đối tượng lưu manh vô học nhằm vào các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Bạn đọc chắc hẳn không ít lần chứng kiến những pha vòng xe đột ngột của số đối tượng đèo 3, đèo 4, không đội mũ bảo hiểm hoặc vượt đèn đỏ ngay giữa phố đông người, đi ngược làn đường một cách công khai. Với những trường hợp như thế, lực lượng mặc cảnh phục làm nhiệm vụ tại chốt có thể bị hạn chế, thì chính là lúc lực lượng hóa trang thường phục phát huy tác dụng.--PageBreak--

Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dấu hiệu rõ nhất để nhận biết hoạt động của tổ công tác đặc biệt nói trên, đó là tổ sẽ luôn luôn bao gồm 5 CBCS, trong đó 2 người mặc thường phục làm công tác theo dõi hành vi vi phạm và 3 CBCS mặc cảnh phục đúng quy định làm nhiệm vụ xử lý, xử phạt. Lực lượng cảnh sát hóa trang luôn mang theo thẻ "Tuần tra giao thông", băng đeo tay có chữ CSGT và thẻ ủy nhiệm của Trưởng phòng CSGT. Khi tuần tra cơ động bằng môtô, lực lượng hóa trang đi trước làm nhiệm vụ phát hiện rồi thông báo bằng bộ đàm cho CSGT trong tổ mặc cảnh phục đi sau phối hợp xử lý. Khi tuần tra, tổ đặc biệt này cũng được trang bị đủ bộ đàm, súng, roi điện, còng số 8 và áo phản quang khi làm việc.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, cũng có thể trong một số trường hợp do đường sá ùn tắc, lực lượng cảnh phục đi sau gặp sự cố chưa thể tiếp cận kịp thời thì lực lượng mặc thường phục đi trước có thể dừng xe vi phạm trong trường hợp cần thiết, nhưng phải lập tức xuất trình thẻ ủy nhiệm, đồng thời giải thích cho người vi phạm được biết.

Một câu hỏi đặt ra là, quy định lực lượng hóa trang thường phục làm nhiệm vụ nhưng lại phải đeo băng tay đỏ có chữ CSGT thì liệu có phải là "lạy ông tôi ở bụi này" hay không? Có nên vì một băn khoăn nhỏ mà làm ảnh hưởng tới hiệu quả của cả một chủ trương lớn, đúng đắn và cần thiết hay không? Chúng tôi cũng đã đem vấn đề này trao đổi với Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc và được biết, trong thời gian đầu, Phòng CSGT sẽ cho thực hiện như vậy để người dân quen dần. Sau đó sẽ xem xét việc cởi bỏ băng đỏ trong lúc làm nhiệm vụ giám sát bí mật theo kế hoạch. Nếu không thế, đâu còn là hóa trang nữa?

Tuy nhiên, sẽ không loại trừ khả năng vẫn quy định CBCS làm nhiệm vụ hóa trang thường phục phải đem theo băng đỏ có chữ "CSGT" để sử dụng vào những trường hợp cần thiết khác, ví dụ như có yêu cầu đột xuất giải tỏa ách tắc ở các ngã tư, ngã năm hay truy bắt khẩn cấp, bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông...

Hiệu quả của hoạt động CSGT hóa trang mặc thường phục giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đã rõ. Nhưng dù có thế, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội vẫn mong muốn mọi người tham gia giao thông trước hết cần tự mình nâng cao ý thức khi lưu thông trên đường, đúng luật. Hóa trang hay không phải hóa trang, suy cho cùng, cũng xuất phát từ mong muốn lập lại trật tự, đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân mà thôi.

CSGT mặc thường phục đang phối hợp cùng chốt trực xử lý trường hợp không đội mũ bảo hiểm.

Có cơ sở để lo ngại...

Cũng có một thực tế đáng bàn, đó là người dân hoàn toàn có cơ sở để lo ngại việc kẻ gian mạo danh lực lượng CSGT mặc thường phục để làm việc xấu. Một trong những vụ giả danh CSGT dừng xe của người vi phạm để phạt tiền để lại nhiều ảnh hưởng không tốt, đó là vụ của Phan Trung Dương. Dương 24 tuổi, nhà ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, là một kẻ không nghề nghiệp. Cùng với một phương thức giống nhau: theo dõi và áp sát người tham gia giao thông có vi phạm không đội mũ bảo hiểm, Phan Trung Dương đã thực hiện trót lọt tới 3 vụ cưỡng đoạt tài sản của người tham gia giao thông ngay trên địa bàn Hà Nội. Chỉ đến khi Dương bị chính đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Đội CSGT số 3 phát hiện, "kịch bản" nói trên mới chấm dứt. Khi bị phát hiện và yêu cầu vào Công an quận Đống Đa làm rõ, Dương đã lập tức hiện nguyên hình, bỏ cả xe máy và mũ bảo hiểm giả danh CSGT hòng chạy thoát thân. Dương đã bị bắt ngay sau đó.

Hay như vụ Công an huyện Đông Anh bắt quả tang Đàm Văn Đoàn và Nguyễn Chí Linh, cùng ở thôn Đồng Vỡ, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh giả danh Công an kiểm tra xử lý vi phạm giao thông trên tuyến đường liên xã để "xử phạt".

Tại Cơ quan Công an, Đoàn và Linh đã khai nhận việc sử dụng xe môtô và quần áo rằn ri (kiểu của CSCĐ), trên lưng có dán chữ Police, đi giày da đen, đội mũ bảo hiểm phía trước có dán chữ CSCĐ, phía sau mũ dán chữ CS113 màu trắng để uy hiếp người có vi phạm. Chúng còn làm giả dùi cui chuyên dụng bằng ống tuýp nước cùng kích cỡ, bên ngoài quấn băng dính đen trông như thật khiến nhiều nạn nhân không thể phân biệt được thật, giả...

Trước thực tế hình ảnh lực lượng mặc cảnh phục còn bị giả mạo như thế, thì việc người dân lo ngại lực lượng hóa trang thường phục có thể trở thành đối tượng của bọn tội phạm giả danh là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, bất luận nhằm mục đích gì, việc giả danh Cảnh sát là vi phạm pháp luật, còn hành vi lừa đảo, cướp, cưỡng đoạt tài sản là phạm pháp hình sự. Vì thế, ngoài những dấu hiệu nhận biết và tác phong quy chuẩn, rành mạch của lực lượng CSGT trong khi làm nhiệm vụ là cơ sở để người dân có thể hoàn toàn tin tưởng như trên đã nói, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, đồng thời cũng phải tự bổ sung kiến thức hiểu biết pháp luật để có khả năng tự phân biệt đúng, sai trong từng trường hợp cụ thể.

Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong trường hợp người dân cảm thấy có bất cứ nghi ngờ nào, có thể điện thoại đến số điện 04.39424451 - là số điện thoại của Trực ban Phòng CSGT Công an Hà Nội để thông báo và được giải đáp sớm nhất

Việt Anh
.
.