Các nhà tài trợ quốc tế cam kết tái thiết Gaza: Kẻ xây người phá

Thứ Ba, 21/10/2014, 15:35

Tại Hội nghị quốc tế về tái thiết Gaza diễn ra hôm 12/10 tại Cairo, Ai Cập, các quốc gia tham dự hội nghị đã cam kết một số tiền nhiều tỉ USD để tái thiết Dải Gaza bị tàn phá nặng nề sau cuộc xung đột vũ trang vừa qua giữa phong trào Hamas và Israel.

Ông Borge Brende, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy, thành viên Ban tổ chức Hội nghị Cairo, đã thông báo tổng số tiền các nước cam kết tài trợ cho Palestine nói chung là 5,4 tỉ USD, kém xa con số 8,5 tỉ USD theo yêu cầu ban đầu của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Khoảng 50% trong số 5,4 tỉ USD này, tương đương 2,7 tỉ USD, được cam kết dành cho việc tái thiết Dải Gaza nhằm xây dựng lại những cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đền đài bị hư hại hoặc tàn phá bởi bom đạn Israel trong cuộc chiến 50 ngày vừa qua. Một nửa còn lại được cam kết tài trợ cho hoạt động của chính quyền Palestine.

Trong các quốc gia cam kết tài trợ, Qatar là quốc gia cam kết nhiều nhất với 1 tỉ USD, còn Liên minh châu Âu cam kết 568 triệu USD.

Phát biểu tại Hội nghị Cairo, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, việc tài trợ tái thiết cho Gaza là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Sau cuộc xung đột vũ trang 50 ngày giữa Israel và Hamas, hàng ngàn ngôi nhà và các công trình khác ở Gaza đã bị phá hủy, khoảng 1/3 dân số Palestine ở Gaza bị mất nhà cửa. Cho đến hôm nay, gần 2 tháng sau khi cuộc chiến chấm dứt, điện sinh hoạt ở Gaza vẫn bị cúp đến 18 giờ mỗi ngày, và khoảng 450.000 người không có được nước sạch sinh hoạt do hệ thống nước máy công cộng đã bị hư hại chưa khắc phục được.

Trước hoàn cảnh khó khăn tại Dải Gaza, Tổng thống Palestine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo những cam kết tài trợ được hiện thực hóa càng sớm càng tốt, đồng thời tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ tái thiết cho Gaza. Ngoài các quốc gia đã cam kết, còn một số quốc gia chủ chốt khác, như Mỹ, đã tham gia hội nghị nhưng không cam kết tài trợ. Tuy nhiên, Mỹ có kế hoạch viện trợ riêng cho Palestine nằm trong kế hoạch thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Palestine.

Hôm 12/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố: Mỹ sẽ viện trợ bổ sung cho Palestine số tiền tương đương 212 triệu USD nhằm hỗ trợ chính quyền Palestine giải quyết các khó khăn do bị Israel siết chặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế, trong đó có việc tạm giam số tiền thuế thu hộ.

Các nhà ngoại giao quốc tế tại Hội nghị Cairo về tái thiết Gaza.

Nhưng nỗ lực tái thiết sẽ chẳng ý nghĩa gì nếu thiếu các giải pháp ngoại giao quốc tế nhằm kiến tạo hòa bình bền vững, ngăn chặn mọi mầm mống xung đột trong tương lai. Các nhà ngoại giao quốc tế cho rằng, cần thiết lập một nền tảng chính trị ổn định để giảm thiểu khả năng xung đột vũ trang tái diễn giữa Israel với các phái người Palestine, cụ thể ở đây là Hamas. Muốn vậy, cộng đồng quốc tế cần chung tay tìm ra một giải pháp chính trị bền vững nhằm tránh tái diễn xung đột tương tự như năm 2009, 2012 và mới đây nhất là tháng 7, tháng 8/2014.

Ngoại trưởng John Kerry cho rằng, để đạt được một giải pháp chính trị cho Gaza, sao cho vừa đáp ứng các nhu cầu an ninh của Israel đồng thời bảo đảm yêu cầu tôn trọng các quyền chính trị của người Palestine đòi hỏi phải có được sự tiến bộ hướng đến thỏa thuận hòa bình rộng rãi hơn ở khu vực Trung Đông.

Ông Kerry ngầm ý cho biết Mỹ vẫn chưa từ bỏ ý tưởng thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình toàn diện giữa người Palestine và Israel, cho dù thời gian qua nhiều cuộc đàm phán đã đổ vỡ, thất bại do những vấn đề mâu thuẫn giữa 2 bên không giải quyết được.

Đạt được mục tiêu ông Kerry đặt ra là không dễ trong điều kiện hiện nay. Israel vẫn đang thể hiện quan điểm cứng rắn, không khoan nhượng trước các "đối thủ" như Hamas, Iran và Hezbollah.

Phát biểu tại khóa họp Đại hội đồng LHQ vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa đã thể hiện quan điểm không thay đổi là an ninh của người Israel là quan trọng nhất, bất chấp việc bảo đảm an ninh đó có xâm phạm và chà đạp lên các quyền và lợi ích chính đáng của người Palestine, hay đụng chạm đến chiến lược lâu dài của Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Gaza bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến 50 ngày giữa Israel và Hamas.

Trong cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Netanyahu sau khóa họp Đại hội đồng LHQ, Nhà Trắng đã cảnh báo quan điểm và những hành động của Israel thời gian qua và sắp tới có thể làm cản trở quan hệ gần gũi giữa hai nước. Thế nhưng lời cảnh báo đó xem ra không có mấy tác dụng đối với Israel, bởi truyền thống lâu nay là mọi động thái quốc tế của nước Mỹ đối với khu vực Trung Đông đều xoay quanh việc bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của Israel. Cho nên, trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ, nếu Tổng thống Mỹ Obama muốn tạo nên một kết quả nhất định cho hòa bình ở Trung Đông, chuyện đó sẽ không dễ dàng thực hiện.

Trong khi đó, tại khu vực Trung Đông, việc hướng đến đạt được một thỏa thuận hòa bình tập thể với Israel cũng không hề dễ, do ngay trong nội bộ các quốc gia Arập trong khu vực cũng đang không thống nhất với nhau. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ Hamas, nhưng Ai Cập và Arập Xêút thì ngược lại, theo Mỹ và Israel chống Hamas. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ việc 2 phái người Palestine là Hamas và Palestine bắt tay nhau thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, thống nhất các vùng lãnh thổ Palestine, trong khi Ai Cập và Arập Xêút lại theo Israel phản đối việc đó.

Sự giằng co giữa hai phe không chỉ khiến cho thỏa thuận hòa bình giữa Israel và người Palestine bị bế tắc mà rộng hơn còn làm cho ý tưởng xây dựng một nền hòa bình bền vững ở khu vực Trung Đông thêm xa vời

An Châu (tổng hợp)
.
.